CEO Got It Hùng Trần: Người Việt mang trọn giấc mơ Mỹ

KHÁNH HÀ 27/11/2020 03:00

Muốn thành công ở Silicon Valley, người Việt phải có những thay đổi tích cực và bớt một số thói quen mình có ở Việt Nam thì sẽ dễ dàng hơn khi làm việc ở môi trường đa văn hoá.

Got It là một trong số hiếm hoi những startup Việt thành công và được biết đến nhiều nhất tại thung lũng Silicon (Mỹ). Thành công vang dội của Got It không thể không nhắc đến nhà sáng lập Trần Việt Hùng, người từng đoạt giải trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Trưởng thành từ những gian khổ

Là cựu sinh viên Bách khoa khoá 42, Hùng nói rằng trước đây khi tốt nghiệp chỉ nghĩ làm sao nhanh chóng kiếm việc làm vì khổ quá. "Bao giờ bố mẹ gửi tiền lên đầu tháng cũng phải dành tiền để mua thùng mỳ tôm, phòng cuối tháng đói", anh nhớ lại.

Thành công vang dội của Got It không thể không nhắc đến nhà sáng lập Trần Việt Hùng, người từng đoạt giải trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Thành công vang dội của Got It không thể không nhắc đến nhà sáng lập Trần Việt Hùng, người từng đoạt giải trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Tuy nhiên, khi bước vào thị trường lao động, mọi thứ không như Hùng tưởng tượng. Hùng từng có thời gian làm kỹ sư cho Vietkey, một nhóm công nghệ tương đối mạnh. Môi trường tương đối tốt, nhưng anh vẫn muốn tìm kiếm một thứ gì đó khác, vì thế, anh luôn thường trực câu hỏi: "Nếu không làm nữa thì đi đâu". Đi đâu ở đây có thể là làm cho công ty nước ngoài, nhưng tiếng Anh của Hùng lúc này không tốt.

"Đó là một giai đoạn gần như không lối thoát, không biết có nên tiếp tục làm việc ở đây không. Nếu nghỉ thì đi đâu… Cuối cùng lằng nhằng mãi mình quyết định nghỉ 1 năm để học tiếng Anh. Trước đó mình cũng nghĩ đến con đường du học nữa", Hùng Trần nói.

May mắn đã mỉm cười với Hùng khi anh nhận được học bổng của Chính phủ Mỹ. Với những lý tưởng ban đầu, khi đặt chân đến Mỹ, anh cho biết bản thân đã bị shock vì có nhiều sự khác biệt so với những thứ mà anh từng trải nghiệm: từ môi trường, con người, giáo dục…

"Mình quyết định dành hết tất cả thời gian để học những thứ mình không có cơ hội học ở Việt Nam", anh nói.

Năm thứ 2 ở Mỹ, bên cạnh chuyên ngành chính về công nghệ, Hùng lọ mọ sang trường kinh doanh để học thêm một số môn. Anh cũng có cơ hội tiếp xúc với các giáo sư, doanh nghiệp.... "Các ý tưởng liên quan đến khởi nghiệp cũng từ từ ngấm vào, chứ không phải bùng một cái mà mình nghĩ đến việc thành lập công ty", anh cho biết.

Hùng kể lại rằng ý tưởng khởi nghiệp của anh bắt đầu từ việc quan sát nhu cầu của các du học sinh.

"Đơn giản thôi, các bạn Việt Nam ra nước ngoài hay làm gia sư vì những công việc khác chỉ kiếm được 8 – 10 đồng/ giờ, còn làm gia sư thì được 50 đồng/giờ. Vì thế mình mới nghĩ là sao không xây dựng nền tảng công nghệ cho nhu cầu này. May mắn là nó hoạt động, có người đầu tư. Khi đi test thử ở các cuộc thi khởi nghiệp thì thắng tất cả các giải".

Năm 2013, khi tốt nghiệp Tiến sĩ, Hùng Trần mang startup sang Silicon Valley mà như anh bảo, đấy mới là thời điểm mọi thứ thực sự bắt đầu.

"Trải nghiệm từ đó đến giờ không như mọi người đọc trên báo đâu, công ty chết đi sống lại mấy lần. Có những giai đoạn không biết tuần sau mình còn tiền để hoạt động hay không", anh nói.

Bởi ở Mỹ, khi không còn tiền trong tài khoản ngân hàng, chủ doanh nghiệp buộc phải thông báo để nhân viên nghỉ. "Nhân viên không được đến văn phòng, nếu đến là mình vi phạm, bị bắt và có thể bị trục xuất ngay lập tức", Hùng Trần cho biết. "Nhiều khi cuối tuần mình phải đi đâu đấy xoay được 15.000 – 20.000 USD cho vào tài khoản để chiều chủ nhật không phải nói nhân viên thôi mai đừng đi làm nữa".

Cũng có lúc Got It bị nhà đầu tư từ chối rót vốn. Hùng nhớ lại, thời điểm đó, nhà đầu tư đã ở trạng thái 50/50. Tuy nhiên, họ quyết định rút lui vì: "Chưa thấy một startup Việt Nam nào sang mà thành công cả".

"Đó là những thứ rất shock. Sau này có nhà đầu tư khác rót vốn nhưng đó là thứ không giống những gì mọi người tửng tượng. Nó là cả quá trình".

Việc cạnh tranh ở Silicon Valley rất khốc liệt. Nhà đầu tư thường cam kết một khoản cho statup nhưng giải ngân theo giai đoạn. "Nếu đạt được tiêu chí đặt ra thì họ mới cung cấp tiền tiếp, nếu không thì lúc ấy vừa hết tiền cũ, vừa không có tiền mới là mình trắng tay hoàn toàn", Hùng nói.

Và nếu phá sản, theo Hùng, chủ doanh nghiệp buộc phải rời đi khỏi Mỹ trong 30 ngày. Do không biết công ty sẽ như thế nào, bản thân có xin được công việc mới trong 1 tháng nếu công ty phá sản hay không, nên trong balo của Hùng luôn có sẵn 1.000 USD, phòng trường hợp xấu nhất là vẫn còn tiền để về Việt Nam...

3 yếu tố cốt lõi với sinh viên CNTT

Khởi nghiệp, theo đó, với Hùng không phải là một chặng đường toàn màu hồng, dễ đi mà là cả một quá trình học hỏi và thử sức. Chính vì thế, anh nói với các bạn sinh viên rằng phải luôn tìm kiếm các cơ hội mới, phải mở rộng suy nghĩ, biến mình thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào, với ai. "Những thứ đó sẽ khiến mình tạo ra được cơ hội xây dựng công ty", anh nhấn mạnh.

Trần Việt Hùng (đứng thứ 4 từ trái qua) cùng các cựu sinh viên Bách Khoa ở Silicon Valley. Họ là kỹ sư giỏi, nhà nghiên cứu, nhà quản lý từ các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook, Google, Uber, Adobe,... cho tới những startup. Để có được sự nghiệp như ngày hôm nay, hầu hết các anh đều phải trải qua một quá trình “tẩy não”

Trần Việt Hùng (đứng thứ 4 từ trái qua) cùng các cựu sinh viên Bách Khoa ở Silicon Valley. Họ là kỹ sư giỏi, nhà nghiên cứu, nhà quản lý từ các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook, Google, Uber, Adobe,... cho tới những startup.

Got It ở thời điểm hiện tại đã có được một số thành công nhất định, ví dụ như có được 20 triệu USD tiền vốn, làm ra một số sản phẩm toàn cầu hay kết quả nghiên cứu của nhóm AI về xử lý giọng nói đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Google, Microsoft và một công ty ẩn danh.

1.000 USD để dành mua vé máy bay trở lại Việt Nam nếu thất bại của Hùng Trần cũng được tiêu sạch, cho một bữa nhậu của cả nhóm, khi Got It gọi được vốn.

Đề cập đến những kiến thức, kỹ năng các sinh viên CNTT cần được chuẩn bị tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, CEO Got It Hùng Trần cho rằng, có 3 yếu tố cốt lõi, đó là khối kiến thức nền tảng vững chắc, khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng mềm.

Nhấn mạnh việc trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc vô cùng quan trọng để sinh viên có thể tiến xa trong công việc tương lai, từ thực tế tiếp xúc với các kỹ sư CNTT được đào tạo tại các trường tên tuổi của Mỹ như Stanford, MIT... với kỹ sư Việt Nam, ông Hùng Trần nhận xét: “Kiến thức nền tảng của các sinh viên Mỹ rất chắc. Trong thế giới công nghệ, mọi thứ thay đổi hàng ngày, không ai có thể học một thứ mà dùng mãi được nhưng tất cả đều dựa trên một khối kiến thức nền tảng. Thế nhưng, theo tôi được biết, nhiều sinh viên tại Việt Nam, khối kiến thức nền tảng chưa được chắc chắn lắm”.

Minh chứng thêm cho nhận xét của mình, CEO Got It cho biết, Got It đã thực hiện phỏng vấn rất nhiều ứng viên và trong khoảng 4.000 hồ sơ nộp, công ty này cũng chỉ tuyển được vài chục người cho team ở Việt Nam.

Liên quan đến câu chuyện trang bị kiến thức nền tảng cho sinh viên, ông Hùng Trần cũng cho biết thêm, thời gian qua, Got It có kết hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội để sử dụng các kỹ sư của doanh nghiệp mình tham gia dạy cho các sinh viên của trường của trường một số kiến thức nền tảng, trên cơ sở những môn mà họ đã được học. Kết quả thu được khá tốt.

“Thực tế cho thấy rằng, các kỹ sư ở Việt Nam được đào tạo kỹ càng thì hoàn toàn có thể làm việc được ngang ngửa với các đồng nghiệp của họ ở Thung lũng Silicon. Tôi muốn nhấn mạnh rằng yếu tố cực kỳ quan trọng mà các trường nên tập trung là khối kiến thức nền tảng”, ông Hùng Trần nói.

Lưu ý sinh viên và các trường cần quan tâm đầu tư, trau dồi khả năng sử dụng tiếng Anh, ông Hùng Trần cho hay “Hiện nay, nhiều sinh viên CNTT của Việt Nam khả năng tiếng Anh còn chưa tốt, chưa sẵn sàng để có thể làm việc một cách thoải mái với các đồng nghiệp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong thế giới công nghệ không có biên giới, do đó các sinh viên buộc phải trang bị để có thể sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên”.

Yếu tố thứ ba CEO Got It Hùng Trần đề xuất các trường và sinh viên chú trọng là một số kỹ năng mềm. Theo ông Hùng Trần, ở các Đại học tại Việt Nam thông thường vẫn chủ yếu đào tạo cho các sinh viên tập trung vào kiến thức, kỹ năng chuyên môn, vào các môn học chính mà chưa được đào tạo nhiều về kỹ năng mềm. “Nhưng thực tế, các kỹ năng mềm rất cần thiết cho sinh viên sau khi ra trường, để họ có thể hợp tác được với đồng nghiệp của mình ở bất kỳ đâu trên thế giới”, ông Hùng lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Trần và hành trình tiếp sức cho kỳ lân công nghệ Việt

    Bình Trần và hành trình tiếp sức cho kỳ lân công nghệ Việt

    03:00, 26/11/2020

  • Tân Tổng Giám đốcp/Hòa Bình Group là ai?

    Tân Tổng Giám đốc Hòa Bình Group là ai?

    10:16, 25/11/2020

  • TS Vũ Duy Thức và giấc mơ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới

    TS Vũ Duy Thức và giấc mơ Việt trên bản đồ công nghệ thế giới

    03:00, 25/11/2020

  • Suốt 10 năm

    Suốt 10 năm "chao đảo", doanh nhân Đoàn Nguyên Đức còn lại gì?

    03:00, 24/11/2020

  • "Người hùng" Mai Hữu Tín

    03:05, 23/11/2020

KHÁNH HÀ