Chuyện chưa kể về ông chủ đế chế đồ gỗ IKEA

KHÁNH HÀ 13/01/2021 03:00

Ingvar Kamprad, nhà sáng lập chuỗi cửa hàng nội thất IKEA, là một trong những tỷ phú tự lập giàu có nhất thế giới với tài sản ròng lên tới 48,1 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao.

Qua đời ở tuổi 91, nhà sáng lập IKEA Ingvar Kamprad khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Khởi nghiệp vào năm 1943, từ khi 17 tuổi với vài món đồ lặt vặt mua đi bán lại tại nông trại nhỏ của gia đình. Giờ thì IKEA đã trở thành một tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng đồ nội thất lớn nhất thế giới. Cố tỷ phú Ingvar Kamprad đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn cầu thông qua cuộc đời và những sản phẩm ông bán ra.

Năm 17 tuổi, Kamprad được cha thưởng cho một khoản tiền nhỏ vì đã đạt được kết quả tốt ở trường. Với số tiền khiêm tốn đó, Ingvar đã thành lập công ty của riêng mình lấy tên là IKEA. Cái tên này là từ viết tắt cho 2 chữ cái đầu của tên ông, kết hợp với chữ viết tắt tên trang trại gia đình, nơi ông được sinh ra (Elmtaryd) và làng gần nhất (Agunnaryd).

Cố tỷ phú Ingvar Kamprad và hành trình biến IKEA trở thành đế chế toàn cầu

Cố tỷ phú Ingvar Kamprad đã biến IKEA trở thành đế chế toàn cầu.

Từ khởi đầu khiêm tốn bằng việc bán đồ gỗ lưu niệm dịp nghỉ lễ cho những đứa trẻ hàng xóm, 5 năm đầu cửa hàng của ông chủ yếu bán đồ gia dụng nhỏ, trước khi mở rộng ra bán ví da, đồng hồ, đồ kim hoàn và tất chân. Ông ngưng sử dụng thư đặt hàng mà thuê luôn những chiếc xe chuyên dùng chở sữa ở địa phương vận chuyển hàng cho mình.

Năm 1947, lần đầu tiên Kamprad đưa đồ gỗ và nhóm sản phẩm chính của hệ thống cửa hàng của IKEA. Việc khai thác nguồn hàng từ các nhà sản xuất địa phương cho phép ông giữ được mức giá bán thấp so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này. Đồ gỗ nội thất dần dần trở nên “hút khách”.

Năm 1951, Kamprad quyết định dồn hết sự tập trung vào đồ gỗ. Năm 1953, IKEA mở phòng trưng bày đồ gỗ đầu tiên dưới áp lực rất lớn của đối thủ cạnh tranh, nhằm giúp cho người tiêu dùng tiếp xúc gần hơn với sản phẩm đồ gỗ của công ty, bởi họ nhìn thấy được, chạm vào được, cảm thấy và tin tưởng được vào chất lượng trước khi quyết định mua hàng.

Năm 1956, Kamprad đã tạo ra cuộc cách mạng trong thị trường đồ nội thất bằng cách giới thiệu "flatpacking" - cho phép người tiêu dùng mua đồ nội thất theo miếng và tự lắp ráp chúng. Trải qua gần 70 năm, IKEA ngày nay là tập đoàn khổng lồ với mức tăng trưởng mỗi năm ít nhất 10%. Ngoài Thụy Điển và khu vực Bắc Âu, thị trường đồ gỗ của tập đoàn này còn mở rộng sang Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Nga, Trung Quốc...

Cứ thế, Ingvar Kamprad đã gây dựng nên công ty IKEA với giá trị 11,8 tỷ USD và trở thành một tỷ phú. Năm 2009, ông là người giàu có xếp hàng thứ 5 trên thế giới và là nhà tài phiệt giàu nhất nhì khu vực Bắc Âu.

Thương hiệu nội thất IKEA có mặt tại Thụy Điển, Na uy, Đan Mạch và 47 nước trên thế giới với hơn 300 cửa hàng. Theo tờ Daily and Sunday Express, 1/3 số bếp ở Pháp và Thụy Điển là của IKEA. Ở Nauy, tỷ lệ này là một nửa. Ở Anh, con số chỉ kém chút đỉnh.

Những đứa trẻ sinh ra từ chiếc giường IKEA, ngủ trong nôi của IKEA, trong khi cha mẹ chúng ngồi trên ghế sofa IKEA, ăn bằng bát đĩa của IKEA, và những bộ bát đĩa này cũng được cất trong tủ của IKEA.

Thương hiệu nội thất IKEA có mặt tại Thụy Điển, Na uy, Đan Mạch và 47 nước trên thế giới với hơn 300 cửa hàng.

Thương hiệu nội thất IKEA có mặt tại Thụy Điển, Na uy, Đan Mạch và 47 nước trên thế giới với hơn 300 cửa hàng.

Năm 2015, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, IKEA vẫn đạt mức lợi nhuận cả năm cao kỷ lục 3,2 tỷ Bảng. Doanh thu tại 44 quốc gia có cửa hiệu IKEA tăng khoảng 10%, đạt mức 27,6 tỷ Bảng.

Chính bởi đã trải qua tuổi thơ nghèo khó mà Kamprad rất trân trọng giá trị của lao động. Dù sau này đã trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới nhưng ông luôn gìn giữ bản sắc của mình: làm việc chăm chỉ, sống tiết kiệm và luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người khác – đó cũng là những giá trị luôn gắn liền với IKEA.

Ông không thích khoa trương, cũng không ưa dạy đời. Người bạn đường duy nhất của ông tại Thụy Điển là chiếc xe Volvo “cổ lỗ sĩ”. Ông chỉ bỏ chiếc xe khi người ta thuyết phục được ông rằng tiếp tục sử dụng nó là quá nguy hiểm.

Ông thường xuyên đi máy bay hạng bình dân, thậm chí là chọn các hãng bay giá rẻ. Nếu phải bay đi nước ngoài, ông chỉ mua vé hạng hai và tự xách đồ đạc. Ông thích ở những khách sạn có bữa sáng phục vụ miễn phí. Có lần, khi Kamprad tới tham dự một buổi tiệc để nhận giải thưởng Doanh nhân của năm, ông đã bị bảo vệ từ chối cho vào cửa khi họ thấy ông đi xuống từ một chiếc xe bus.

Ông Kamprad còn thường đi du lịch Thụy Sĩ bằng xe buýt, nếu có đi xe lửa thì ông cũng ngồi ghế hạng hai. Ông thích đi chợ mua rau, trái cây vào buổi chiều vì đó là lúc giá cả khá rẻ. Thay vì ăn ở những nhà hàng sang trọng, Kamprad thường tạt vào một trong những cửa hiệu của ông để ăn một bữa bình dân với món thịt viên ưa thích. Mỗi khi ăn tiệm, ông thường lấy những gói nhỏ muối và hạt tiêu để bỏ túi, mang về nhà dùng.

Một trong những sở thích của ông trong các kỳ nghỉ là đạp xe xuyên quốc gia. Giải thích về lối sống tiết kiệm của mình, Kamprad cho biết: “Làm sao tôi có thể yêu cầu nhân viên của tôi dè xẻn, tằn tiện nếu tôi cứ chi tiêu hoang phí vương giả, xa hoa?”.

Các nhân viên trong công ty của Kamprad đều được yêu cầu phải dùng hai mặt của mỗi tờ giấy và tắt điện mỗi khi rời khỏi phòng. Ông cũng luôn cố gắng truyền cho những nhân viên của mình một niềm tin rằng: “Chẳng ai làm giàu được nếu vung phí tiền bạc”.

Trong quan điểm của Kamprad, sự xa xỉ không chỉ thừa thãi mà còn là một tội lỗi. Trong một cuốn hồi ký, Kamprad viết rằng: “Chúng tôi không cần những chiếc xe bóng lộn, những danh hiệu ấn tượng, những bộ đồng phục hay biểu tượng địa vị nào khác. Chúng tôi dựa vào sức mạnh và ý chí của mình”.

Vị tỷ phú này đã qua đời năm 2018, khi ở tuổi 91. Tuy nhiên, mỗi lần nhắc đến ông, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đều gọi tỷ phú Kamprad là một người với đầy nguồn cảm hứng. "Ingvar Kamprad là doanh nhân duy nhất có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của Thụy Điển và người thiết kế nội thất cho nhiều gia đình”, ông Lofven nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Bí quyết chinh phục người giàu của doanh nhân đầu tiên đưa Rolls-Royce về Việt Nam

    Bí quyết chinh phục người giàu của doanh nhân đầu tiên đưa Rolls-Royce về Việt Nam

    03:00, 12/01/2021

  • CEO EMG Trịnh Lai: Đừng sợ hãi khi sáng tạo những điều mới lạ

    CEO EMG Trịnh Lai: Đừng sợ hãi khi sáng tạo những điều mới lạ

    03:00, 11/01/2021

  • Bầu Đức: Trong kinh doanh, đừng ai nói trước sẽ thắng!

    Bầu Đức: Trong kinh doanh, đừng ai nói trước sẽ thắng!

    03:08, 10/01/2021

  • Chìm nổi như “đại gia” Lê Ân

    Chìm nổi như “đại gia” Lê Ân

    04:20, 09/01/2021

  • “Sứ giả” làm nên cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp

    “Sứ giả” làm nên cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp

    11:53, 08/01/2021

KHÁNH HÀ