Mối "tình si" với thời trang cao cấp của Chủ tịch Giovani Nguyễn Trọng Phi
Trong khi các công ty Việt Nam chủ yếu làm gia công cho thương hiệu nước ngoài thì Chủ tịch Giovani Nguyễn Trọng Phi đã làm điều ngược lại.
Nhắc đến việc thành lập thương hiệu thời trang Giovanni, Chủ tịch Nguyễn Trọng Phi coi đó là một mối duyên tình cờ.
Những bước đi ngược xu thế
Bước ngoặt dẫn ông đến với ngành thời trang là vào những năm 2000 sau chuyến công tác TP.HCM. Từ chỗ tìm hiểu về kinh doanh vải lụa tơ tằm, ông bắt đầu có hứng thú với kinh doanh bán lẻ và mặt hàng tiêu dùng nhanh.
Đầu những năm 2000 khi Trung tâm Thương mại Tràng Tiền (Hà Nội) khai trương, ông Phi cùng gia đình mở một trong những shop thời trang đầu tiên ở đó, với nguồn hàng chủ yếu là ở Thái Lan. Chính thời gian bước một chân vào thương trường thời trang đã mang đến cho ông những bài học đắt giá.
“Tôi còn nhớ, ở Việt Nam hồi ấy gần như không có hàng hiệu cao cấp. Người dân cũng chưa có thói quen dùng hàng hiệu vì nó quá xa xỉ và đắt đỏ. Người ta còn chưa phân biệt được hàng hiệu với hàng “fake” (hàng nhái). Hồi đó, tôi cũng đâu biết gì về thương hiệu hay sở hữu trí tuệ. Đó là những khái niệm hoàn toàn xa lạ, cũng không biết bán hàng nhái là vi phạm. Thế rồi, tôi trải qua tới 3 bài học đắt giá về bản quyền thương hiệu”, ông tâm sự.
Những vấp ngã đầu tiên bởi thiếu trang bị khi bước vào ngành công nghiệp thời trang đầy cạnh tranh không khiến ông chùn bước mà càng thêm quyết tâm có một thương hiệu cho riêng mình.
“Bản tính tôi thích làm những điều khó, những thứ người khác chưa làm hoặc chưa làm được. Tôi nhận thấy đây là một cơ hội rất lớn và cũng nhận luôn sứ mệnh của một người sẽ đóng góp chút sức nhỏ bé để thay đổi ngành thời trang Việt Nam. Ngay từ khởi điểm, đó phải là thời trang cao cấp cho người Việt, khác hoàn toàn với những công ty may mặc trong nước đang gia công cho quốc tế hay sản xuất sản phẩm đại chúng giá rẻ”.
Thời điểm bắt đầu, trong khi các công ty khác chú trọng sản xuất trước, thì ông Phi lại xây dựng thương hiệu đầu tiên... "Những bước đi của tôi hoàn toàn ngược với xu thế ngành thời trang Việt Nam khi ấy,” ông Nguyễn Trọng Phi Chủ tịch HĐQT Giovanni Group chia sẻ.
Quả thật, ở thời điểm đó, nói đến chuyện xây dựng một thương hiệu riêng là chuyện không tưởng. Để xây dựng một thương hiệu riêng định vị ở phân khúc cao cấp là cả vấn đề rất lớn, nhất là khi thị trường Việt Nam vốn dĩ chưa được trang bị đủ để có nhu cầu và bỏ tiền cho những thứ xa xỉ phẩm đến thế.
“Tôi hay nói đùa, xây dựng thương hiệu là làm ra một cái (tên) hiệu để người ta nhớ. Lúc ấy, tôi rất may mắn khi được giới thiệu một vị luật sư còn rất trẻ, giỏi ngoại ngữ và có niềm đam mê thời trang, thích nghiên cứu thời trang quốc tế,” ông Phi cho biết.
Ông Phi tâm sự với vị luật sư trẻ tuổi về ước mơ xây dựng một thương hiệu thời trang mang phong cách Ý của riêng mình, và mong muốn tìm ra một tên nào đó gắn với nước Ý để chọn làm tên thương hiệu.
Lòng nhiệt thành cộng thêm sự hào hứng về một đế chế riêng đang dần hình thành, sự hấp dẫn đến từ văn hóa và thời trang Ý đã dẫn ông đến với cái tên “GIOVANNI” - mà theo Chủ tịch Nguyễn Trọng Phi tâm sự “đọc thử thành tiếng và thấy thích ngay!”
Nước Ý luôn được biết đến là “kinh đô của thời trang quốc tế”, là nơi khai sinh ra những thương hiệu thời trang tinh tế và thanh lịch, và cái tên “Giovanni” dường như gợi liên tưởng đến những điều này. Một thương hiệu thời trang của Việt Nam đã ra đời như thế.
Nỗi trăn trở về một điểm đến của nền sản xuất thời trang cao cấp
Những ngày mới thành lập, công ty gặp nhiều khó khăn để có doanh thu, để khẳng định thương hiệu... nhưng ông Phi vẫn nhận thấy: vấn đề làm ông "đau đầu" nhất lại nằm ở khâu tìm kiếm nguyên liệu. Với ông Phi, thương hiệu tốt phải đi cùng sản phẩm hảo hạng, nhất là nếu thương hiệu được tạo ra để phục vụ phân khúc cao cấp.
Khách quan mà nói, mỗi thợ may Việt đều có tiềm năng trở thành một nghệ nhân ngang bằng hoặc giỏi hơn bất cứ nghệ nhân nào trên các kinh đô thời trang thế giới. Thế nhưng, tại sao ngành thiết kế cũng như thời trang ở Việt Nam lại mãi chưa tạo nên được bước nhảy vượt bậc?
Trong khi các công ty Việt Nam chủ yếu làm gia công cho thương hiệu nước ngoài thì ông Phi đã làm điều ngược lại: xây dựng một thương hiệu của riêng mình, đặt nước ngoài sản xuất và phân phối phục vụ những khách hàng cao cấp Việt Nam.
Đa phần sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng thường giấu kín xuất xứ vải như một bí mật riêng để tạo nên thế mạnh cạnh tranh. Nhưng ở Giovanni bây giờ, sử dụng nguyên phụ liệu của hãng, nhà cung cấp nào đều ghi rõ toàn bộ nguồn gốc, gắn tem phụ lên sản phẩm.
Từng bôn ba nhiều năm để tìm được những chất liệu đỉnh cao cho các thiết kế của mình, đến nay Giovanni đã có các nhà cung cấp nguyên phụ liệu riêng, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về nguyên phụ liệu của ngành thời trang cao cấp thế giới.
Nhà máy tại Việt Nam của Giovanni đã tự sản xuất được các dòng sản phẩm cơ bản của thương hiệu như sơ mi, áo phông… với chất lượng không hề thua kém tại các nhà xưởng khác.
Đối với các dòng sản phẩm đồ da, nhà máy của Giovanni đã tiến tới áp dụng công nghệ bậc cao, khi với khoảng 300 người thợ lành nghề nhưng đây là nhà máy sản xuất đồ da giỏi nhất Đông Nam Á.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Giovanni Group cũng không nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng, doanh số các mặt hàng liên tục sụt giảm từng ngày. "Tôi coi thời kỳ dịch bệnh như là một thử thách để nhân sự của công ty chứng minh khả năng thích nghi của họ," ông Phi tâm sự. "Chúng tôi đã ngay lập tức dịch chuyển sang hoạt động sản xuất khẩu trang, nhờ đó đã kéo lại được không ít doanh thu".
Nhờ chuyển hướng kịp thời, trong giai đoạn dịch bệnh, nhân viên của Giovanni Group còn làm cật lực hơn những ngày thường, vừa phòng chống dịch, vừa làm xuyên cả ngày thứ 7 và Chủ nhật để thực hiện được các đơn hàng cấp bách. Ông Phi cho biết: "Những dây chuyền máy móc nhập khẩu từ Ý, Nhật ngày hôm qua được những người thợ lành nghề của Giovanni sử dụng để sản xuất ra sản phẩm thời trang hạng sang, hôm nay dù may khẩu trang Giovanni, họ vẫn áp dụng y nguyên những kỹ xảo, tiêu chuẩn chất lượng đó. Với đội ngũ của Giovanni, họ đang chế tác ra những sản phẩm chất lượng cao để bảo vệ sức khỏe con người”.
Có thể bạn quan tâm
Ba lần khởi nghiệp “để đời” của ông Sony Vũ
03:00, 09/06/2021
Cú "lội ngược dòng" của tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc
03:00, 08/06/2021
Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: Đầu tư đôi khi là một nghệ thuật
03:00, 07/06/2021
Câu chuyện về Chuck Feeney: “Tấm vải liệm không có túi”!
04:20, 06/06/2021
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: "IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không"
03:30, 05/06/2021