Ông Sony Vũ là người sáng lập Misfit Wearables – công ty chuyên về các thiết bị theo dõi sức khỏe và đo vận động của cơ thể - đã bán cho Tập đoàn đồng hồ Fossil của Mỹ với giá 260 triệu USD.
Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn) và Lê Diệp Kiều Trang là cặp vợ chồng nổi tiếng trong giới khởi nghiệp Việt Nam.
Ba lần đứng lên sau thất bại
Sonny Vũ (Vũ Xuân Sơn), sinh năm 1973 ở Long Xuyên. Anh rời Việt Nam cùng gia đình năm 1979. Vũ Xuân Sơn tốt nghiệp bằng đôi về toán học và ngôn ngữ học tại ĐH Illinois nhánh Urbana-Champaign.
Có lẽ do “máu kinh doanh” luôn căng tràn nên đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ), Vũ Xuân Sơn bỏ dở việc học để khởi nghiệp nhưng nhanh chóng thất bại.
Chia sẻ về lý do khởi nghiệp, anh cho biết: "Năm đó mới 22 tuổi, tôi rất thích làm startup vì trong lớp có hơn một nửa cũng làm vậy. Với cá tính của mình và môi trường đó, tôi mà không làm mới lạ".
Khởi nghiệp không thành công, năm 1996, Sơn quay lại làm kỹ sư phần mềm cho Microsoft lần thứ 2 (trước đó đã làm Microsoft năm 1993). Tuy nhiên, công việc tại công ty phần mềm lớn nhất thế giới không đủ thách thức với chàng trai này và anh lại bỏ việc để về MIT học tiếp.
Tuy nhiên, thêm một lần nữa Sơn lại bỏ ngang việc học tại MIT để lập startup có tên FireSpout, cùng với một người bạn Ấn Độ (Sridhar Iyengar) biết nhau từ hồi trung học và là bạn cùng ký túc xá thời đại học. Đây là công ty về phần mềm xử lý ngôn ngữ, có thể coi như một trong những giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đầu tiên trên thế giới, dù ở mức rất sơ khai.
“Đó là một bước khởi đầu ngu xuẩn. Mình đã đổ bao nhiêu tiền vào đó. Có điều công nghệ này đã bán được”, Sơn chia sẻ về “đứa con” đầu lòng của mình. Anh bán công nghệ FireSpout cho một tập đoàn lớn năm 2001, sau khi đã hoàn tất luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học ở MIT.
Bán FireSpout, Sơn lại cùng người bạn đại học cũ là Sridhar Iyengar lập Công ty AgaMatrix. “Điều trớ trêu là công ty thành lập vào tháng 10/2001, ngay sau sự kiện 11/9 chấn động nước Mỹ và thế giới”, Sơn kể. Còn Sridhar nhớ lại vào thời điểm đó việc huy động vốn cực kỳ khó, nhưng bù lại có rất nhiều người giỏi sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn trước đó.
Sau những chật vật “đầu tiên”, sự kết hợp giữa Sridhar chuyên sâu về cảm ứng sinh học và phụ trách chế tạo sản phẩm cùng với Sơn phụ trách phát triển kinh doanh đã đưa AgaMatrix cất cánh. Sản phẩm nổi bật của công ty này là thiết bị theo dõi lượng đường máu ở bệnh nhân tiểu đường.
Nhưng đến năm 2011, Sơn tiếp tục rời khỏi vị trí quản lý AgaMatrix, dù vẫn là cổ đông lớn, để thành lập công ty của riêng mình - Misfit Wearables. Đồng sáng lập cùng anh vẫn là người bạn nhập cư gốc Ấn Sridhar và John Sculley - cựu tổng giám đốc của tập đoàn máy tính Apple và nước giải khát Pepsi.
Misfit Shine - được chế tạo tại Hàn Quốc bằng vật liệu nhôm máy bay, với kích thước và hình dáng gần như đồng xu, có thể gắn vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể và không thấm nước - là sản phẩm đầu tay của công ty.
Thiết bị này cũng có thể kết nối với máy tính của bác sĩ để giúp bác sĩ theo dõi và có lời khuyên kịp thời đối với người sử dụng. Sơn cho biết chỉ trong một tuần, có đến 6 sản phẩm chăm sóc sức khỏe tương tự được ra mắt, cạnh tranh vì thế rất khốc liệt. Nhưng anh hoàn toàn tự tin với sản phẩm của mình.
Sơn không ngần ngại nói rằng làm ông này ông kia ở những tập đoàn đa quốc gia chưa bao giờ là điều anh mong ước. “Tự mình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời cho người tiêu dùng” là lý tưởng sống của anh. Bên cạnh Sridhar sẵn sàng hỗ trợ anh về kỹ thuật cảm ứng sinh học, John Sculley và Vinod Khosla - người đồng sáng lập công ty chuyên về mạng máy tính Sun Microsystems - là những người thầy thường cho anh các lời khuyên bổ ích.
Miệt mài đi ngược thế giới
Chia sẻ về việc xây dựng Misfit, ông Sony Vũ cho biết, sự thành công từ việc ông mạnh mẽ "đi ngược chiều".
Ông lý giải, mô hình thường thấy của các công ty công nghệ Mỹ là xây dựng trung tâm R&D tại Mỹ và đưa công đoạn đơn giản hơn về Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam để gia công. Nhưng Misfit đã làm điều ngược lại, mà theo lời Sonny Vũ là “đi ngược với thế giới”.
Lý do là Sonny Vũ và các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam với nguồn nhân lực công nghệ trẻ. Thời điểm năm 2012, Sony Vũ đã thành lập trung tâm R&D tại TP.HCM có hơn 20 thành viên gồm một số bạn trẻ từng đoạt giải Olympic quốc tế về Toán, Tin học và một số tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng của trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Nhóm này chuyên nghiên cứu những thuật toán cảm ứng cao cấp, phát triển và thiết kế phần mềm cho sản phẩm. Trong khi đó, phần thiết kế công nghiệp và phát triển phần cứng được thực hiện tại Mỹ.
“R&D là công việc rất mới ở Việt Nam và chỉ thích hợp với các bạn không những có nền tảng kỹ thuật vững chắc mà còn phải sáng tạo, bản lĩnh và có khả năng giải quyết được những vấn đề trên thế giới vẫn chưa có câu trả lời. Tôi tin nhóm R&D tại đây sẽ làm được”, Sonny Vũ khẳng định.
Sonny Vũ cho biết, khi ông thành lập Misfit, trên thị trường có khoảng 20 đối thủ cạnh tranh và đến khi giới thiệu sản phẩm đầu tiên thì con số này đã gấp đôi. Để có thể tồn tại, Misfit buộc phải tìm cách đổi mới sáng tạo.
“Phải thừa nhận là chúng tôi cũng không có công nghệ ưu việt nào cả. Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm thị trường mới, định vị lại vị trí của mình, dựa vào xây dựng thương hiệu, phần mềm và phần lớn những công việc này được thực hiện ở Việt Nam”, ông Sonny Vũ nói.
Theo nhà sáng lập Misfit, những thiết bị theo dõi sức khỏe trên thị trường khi đó thường do đàn ông thiết kế và dành cho đàn ông. Tuy nhiên qua nhiều thử nghiệm, Sonny Vũ nhận ra rằng những sản phẩm dành cho phụ nữ và kết hợp với các thương hiệu thời trang đem lại hiệu quả rất lớn.
“Chúng tôi tập trung vào những thứ tối giản, dễ sử dụng và đẹp đẽ. Misfit hợp tác với những thương hiệu như Swarovski hay Victoria’s Secret thay vì những nhân vật như Michael Phelps… Tôi nghĩ chúng tôi là những người đầu tiên làm điều này. Misfit đã thu hút được một nhóm khách hàng khác nhờ một phương thức tiếp cận khác”, ông Sonny Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, công ty cũng tìm đến các thị trường mà đối thủ cạnh tranh bỏ qua như Trung Quốc, Nga hay Nam Phi. “Người ta nói ai mà đến Nam Phi làm gì nhưng chúng tôi vẫn đi. Nếu sang Mỹ hay châu Âu, chúng tôi không thể cạnh tranh được. Misfit không loại bỏ các thị trường đó mà chỉ đầu tư ít đi thôi”.
Cựu CEO Misfit và hiện là CEO Arevo nhấn mạnh, một trong những phương pháp của Misfit là xây dựng đội ngũ hùng mạnh hoạt động hiệu quả ở Việt Nam, nhờ đó có thể tiếp cận khách hàng nhanh hơn các đối thủ.
“Đối thủ của Misfit chỉ có thể tập trung vào một số thị trường nhất định vì họ không đủ nguồn lực trong khi đội ngũ của chúng tôi có thể làm điều đó. Nhờ đó Misfit có thể chinh phục 50 thị trường trong vòng 18 tháng. Không tính các ông lớn trên thị trường, các đối thủ cạnh tranh khó theo kịp. Phải đến 38/40 đối thủ còn lại không thể làm như vậy vì họ chỉ tập trung vào thị trường Mỹ”, ông Sonny Vũ nhớ lại.
Có thể bạn quan tâm
Cú "lội ngược dòng" của tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc
03:00, 08/06/2021
Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: Đầu tư đôi khi là một nghệ thuật
03:00, 07/06/2021
Câu chuyện về Chuck Feeney: “Tấm vải liệm không có túi”!
04:20, 06/06/2021
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: "IPP Air Cargo không cạnh tranh vận chuyển hành khách với các hãng hàng không"
03:30, 05/06/2021
FABBI “dụng nhân như dụng mộc”
03:00, 05/06/2021