Chiến lược định giá sáng suốt của Chủ tịch Pfizer
Vào cuối năm nay, hầu hết các nước hàng đầu thế giới sẽ có đủ vaccine Covid-19 để tiêm cho người dân".
Tại Việt Nam, Pfizer đã hợp tác tích cực để chuyển giao vaccine cho Việt Nam theo hợp đồng cung cấp 31 triệu liều vaccine. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua việc mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine từ Công ty này.
Trong cuộc điện đàm mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer, ông Albert Bourla đã cam kết sẽ nỗ lực hết sức, tìm mọi phương án để đẩy nhanh tiến độ giao vaccine cho Việt Nam trong tháng 8, tháng 9 và quý IV năm 2021; sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam được nhận chuyển nhượng và các hình thức chuyển giao vaccine khác từ các quốc gia; tích cực ủng hộ Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam về vaccine.
Quyết đoán, sáng suốt
Bác sĩ Albert Bourla sinh trưởng trong một gia đình người Hy Lạp gốc Do Thái. Sau khi tốt nghiệp Đại học Aristotle vào năm 1993, ông đã hoạt động với vai trò là giám đốc kỹ thuật của một công ty vaccine dành cho thú y tại Hy Lạp và chỉ một năm sau đó, ông chuyển đến hoạt động tại công ty công nghệ sinh học Pfizer của Mỹ. Ông trải qua nhiều bộ phận trong tập toàn, như Giám đốc bộ phận Thú y của Pfizer cho châu Âu, châu Phi và Trung Đông giai đoạn 2005-2009, tiếp theo là bộ phận châu Âu, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương giai đoạn 2009-2010. Ông cũng từng làm Giám đốc Nhóm kinh doanh vaccine, ung thư và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng toàn cầu của Pfizer.
Năm 2010, Chủ tịch đồng kiêm CEO của Pfizer lúc bấy giờ là Jeff Kindler cho biết, Pfizer sẽ điều hướng hoạt động của công ty, trở thành nhà cung cấp dược phẩm hàng đầu với mục tiêu tạo ra cộng đồng khỏe mạnh trên toàn cầu. Pfizer đã thành lập Bộ phận kinh doanh các sản phẩm Pfizer và Albert Bourla được chỉ định trở thành giám đốc của bộ phận này. Ngoài việc mua lại công nghệ của các công ty khác để bổ sung vào danh mục thuốc của mình, Albert Bourla đã mạnh dạn đề xuất điều chế các loại dược phẩm chưa từng có trên thị trường để tạo dấu ấn riêng của Pfizer.
Cụ thể, Albert Bourla đã phát triển một loại thuốc kháng ung thư Ibrance. Sau 2 đợt thử nghiệm thành công trên 165 phụ nữ đã ngăn chặn tế bào ung thư phát triển trong suốt 20 tháng, Ibrance đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt và có thể kinh doanh trên thị trường. Đến lúc này, thử thách mới thật sự xuất hiện với Albert Bourla. Vốn là một chuyên gia về y học và luôn hoạt động trong phòng thí nghiệm, Albert Bourla đã gặp nan giải khi không thể tìm ra được chi phí hợp lý để thu lợi nhuận từ Ibrance trên thị trường.
Sau 3 năm thực hiện các khảo sát thị trường, Albert Bourla đã quyết định niêm yết giá thuốc Ibrance khoảng 9.850USD/ tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi niêm yết giá thuốc trên thị trường, Pfizer đã phải tham dự vào một phiên điều trần do Ủy ban của Thượng viện tổ chức để điều tra, xem xét về quy trình định giá thuốc Ibrance của Pfizer.
Trả lời về nguyên nhân vì sao Pfizer niêm yết mức giá cao so với thị trường, Albert Bourla cho biết quy trình định giá thuốc của Pfizer không đơn thuần chỉ đến từ các nhà sản xuất mà đã được đồng thuận bởi nhiều bác sĩ điều trị ung thư. Bên cạnh đó, mức giá này có được còn phải dựa trên phân tích của một nhóm đối tượng có nhu cầu sử dụng loại thuốc này, so sánh mức giá với các loại thuốc tiềm năng khác và khả năng điều trị của nó.
Sau kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công, Ibrance trở thành “ngôi sao” mới trên thị trường thuốc chống ung thư. Vào ngày 3-2-2015, Ibrance đã được FDA phê duyệt và doanh số của Pfizer tăng nhanh chóng. 18.000 bệnh nhân ung thư đã tiếp cận Ibrance và đúng như những nhà phân tích kỳ vọng, Pfizer đã đạt hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm. Trong vòng 5 năm kể từ khi tung Ibrance ra thị trường, Pfizer đã tăng doanh thu của mình từ 48,8 tỷ USD lên 51,7 tỷ USD vào năm 2019.
Người chạy theo tốc độ
Hai tháng sau đại dịch, 5 triệu ca nhiễm là minh chứng cho việc vi-rút lây lan theo cấp số nhân, và cách tốt nhất để ngăn chặn đại dịch là vắc xin. Điều đó đặt ra câu hỏi: Bao lâu sẽ có một loại vắc-xin khả dụng?
Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla đã quyết tâm đưa ra câu trả lời bằng cách sẵn sàng chi 1 tỷ đô vào năm 2020 để phát triển và sản xuất vắc xin mà chưa biết rằng liệu vắc-xin có thực sự hiệu quả: “Tốc độ là điều tối quan trọng”. Chỉ 7 tháng sau, thương vụ trên đã được đền đáp khi vắc-xin của Pfizer được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Anh, tiếp theo là Canada và Hoa Kỳ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vaccine ngừa Covid-19, trong đó 42 vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên diện rộng thành công.
Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc đua sản xuất vaccine khi dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1, đến giữa tháng 3 Albert Bourla đã có cuộc họp trực tuyến với các trưởng nhóm nghiên cứu và sản xuất vaccine của tập đoàn. Cuộc họp kéo dài đến tận khuya để nghiên cứu kế hoạch phát triển vaccine thử nghiệm chống Covid-19 của Pfizer.
Khi được hỏi kế hoạch sản xuất vaccine nhanh nhất thể, bộ phận nghiên cứu đưa ra khả năng có vaccine vào năm 2021. “Vẫn chưa đủ nhanh. Tốc độ là cực kỳ quan trọng” - Bourla không đồng ý. Sau đó, tháng 4 Albert Bourla ký một hợp đồng trợ cấp 563 triệu USD cho BioNTech, một công ty đổi mới có doanh thu năm 2019 chỉ khoảng 120 triệu USD, nổi tiếng chủ yếu nhờ sản xuất thuốc trị ung thư. Nhưng BioNTech lại đang sở hữu công nghệ mới RNA thông tin (mRNA) có khả năng sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Cùng với đó, ông đã dành 1 tỷ USD cung cấp cho quá trình điều chế vaccine cho Pfizer. Ông cho rằng với nguồn lực dồi dào của Pfizer cùng những ý tưởng táo bạo của BioNTech, cả 2 sẽ có thể nghiên cứu và tạo ra vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả hàng đầu thế giới.
Đến những ngày đầu tiên của tháng 5, Pfizer đã tiến hành tiêm liều vaccine Covid-19 thử nghiệm đầu tiên cho các tình nguyện viên khỏe mạnh ở Baltimore (Mỹ). Với thời gian ít ỏi cũng như tính cấp bách, Albert Bourla yêu cầu các nhà khoa học điều chế cùng lúc 4 loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau thay vì chỉ 1. Cả 4 loại vaccine này đều sẽ được thử nghiệm trên tất cả các tình nguyện viên, nếu có biến chứng hay phản ứng nào sẽ ngay lập tức dừng thử nghiệm và tiếp tục cải tiến các loại còn lại cho đến khi đạt được hiệu quả cuối cùng. Với chiến thuật thử nghiệm và cải tiến này, Albert Bourla đã ghi dấu ấn của Pfizer trong cuộc đua điều chế vaccine ngừa Covid-19.
Thời gian qua, vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech, một trong ba loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ giảm số ca nhiễm mới và nhập viện. Trong bối cảnh nhiều bang Mỹ đã bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch và trở lại cuộc sống bình thường, lãnh đạo nhiều quốc gia đang thúc giục Mỹ chia sẻ số lượng vaccine còn thừa của nước này.
Trước đó, Pfizer và BioNTech cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Hai hãng này dự kiến cung cấp cho chính phủ Mỹ 500 triệu liều vaccine, đủ để tiêm cho 250 triệu người. Vaccine Pfizer/BioNTech cần được tiêm hai liều, mỗi liều cách nhau 3 tuần để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Chính phủ Mỹ dự kiến phân phối 500 triệu liều vaccine này cho 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp cũng như một số nước đối tác.
Ngoài 500 triệu liều này, trước đó, Mỹ cam kết ủng hộ 80 triệu liều vaccine Covid-19 của 4 nhà sản xuất khác nhau và phân bổ cho các nước trên thế giới thông qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX.
Ông Bourla cho biết Pfizer đã ký hợp đồng cung cấp vaccine cho hơn 120 quốc gia trên thế giới. Đến nay, phần lớn vaccine của hãng này được giao cho các quốc gia phát triển bởi vì những nước này đặt hàng trước.
CEO Pfizer dự kiến cung cấp nhiều vaccine hơn cho các quốc gia nghèo hơn trong nửa cuối năm nay bởi những nước phát triển sắp hoàn tất tiêm chủng toàn dân.
"Pfizer cũng đang chuẩn bị tăng cường sản xuất. Mỗi người đều cần tiêm các liều nhắc lại trong vòng 12 tháng để được phòng ngừa toàn diện và có thể tiêm thêm hàng năm nữa", ông Bourla nói.
CEO của hãng dược Mỹ Pfizer dự báo cuộc sống sẽ trở lại bình thường tại các nước phát triển vào cuối năm nay và ở phần còn lại của thế giới vào cuối năm 2022...
"Vào cuối năm nay, hầu hết các nước hàng đầu thế giới sẽ có đủ vaccine Covid-19 để tiêm cho người dân", ông Albert Bourla, CEO Pfizer, nhận định trong một cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 17/6. "Còn cả thế giới sẽ có đủ vaccine vào cuối năm 2022 để tiêm phòng bảo vệ tất cả mọi người".
Có thể bạn quan tâm
Forrest Li – người đối đầu với Alibaba ở Đông Nam Á
03:00, 09/09/2021
Tỷ phú đầu tư John Paulson: Tiền ảo là một bong bóng, sẽ trở về con số 0 tròn trĩnh, vô giá trị
03:00, 07/09/2021
Hành trình xây dựng "vùng đất hạnh phúc nhất thế giới" của nhà sáng lập Walt Disney
03:00, 06/09/2021
CEO Beta Group Bùi Quang Minh: Chung tay xây đời với niềm tin tươi sáng
04:00, 05/09/2021