Những doanh nhân nổi bật tuổi Nhâm Dần
Với bản lĩnh và tính cách mạnh mẽ, những doanh nhân tuổi Dần được đánh giá là có sức mạnh và sự quyết liệt giống như con giáp của họ.
>>>Nữ doanh nhân tuổi Dần chinh phục sản phẩm OCOP
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ngân hàng SHB
Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm Nhâm Dần - 1962, là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn T&T Group.
Với công chúng, doanh nhân Đỗ Quang Hiển được nhắc tới nhiều nhất với tên gọi "bầu Hiển". Năm 2006, bầu Hiển thành lập CLB Bóng đá T&T và chỉ sau 3 mùa giải, đội bóng này đã thăng 3 hạng để giành quyền thi đấu V-league 2009. Hiện tại, bầu Hiển được cho là sở hữu 5 đội bóng, nơi đào tạo nên lứa cầu thủ vàng gồm Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh, Văn Hậu...
Bên cạnh việc quản lý sản nghiệp, ông Hiển cũng đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội; Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trước khi bén duyên với nghiệp kinh doanh, ông Đỗ Quang Hiển từng là một người làm khoa học. Ông học khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ngành vật lý vô tuyến, ông Hiển làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình, Đài phát thanh Hà Nội, sau đó gia nhập Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Năm 1993, ông thành lập T&T với hoạt động ban đầu là buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… Sau đó, ông Hiển gặt hái thành công lớn khi đầu tư, kinh doanh xe gắn máy.
Giai đoạn 2006-2007, bầu Hiển đầu tư vào lĩnh vực tài chính và trở thành cổ đông chính (sở hữu 14%) và là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB. Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC).
Cùng năm, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang. Tháng 8/2015, T&T công bố đã mua cảng Quảng Ninh từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.
Ngoài ra, bầu Hiển cũng đánh dấu việc đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp với sự xuất hiện tại Vinafood 2, Vegetexco…
Trong sự nghiệp của mình, bầu Hiển còn tạo tiếng vang khi SHB tiếp quản thành công Habubank - thương vụ tái cơ cấu tự nguyện đầu tiên trong ngành ngân hàng; giải cứu Bianfishco của nữ đại gia thủy sản Diệu Hiền.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai
Bầu Đức - tên thật là Đoàn Nguyên Đức, ông sinh năm 1962 tại Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ ông phải tần tảo sớm hôm để nuôi 9 anh em ăn học. Tuổi thơ của ông là những bữa cơm độn sắn, độn khoai, là những ngày chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng, thả ước mơ vào những cánh diều no gió.
Nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, ông chỉ có quyết tâm duy nhất đó là học thật giỏi để đậu đại học. Sau đó kiếm một cái nghề để thoát khỏi cuộc sống đói nghèo. 10 năm đằng đẵng kéo cày, xẻ đất, cái khổ, cái khắc nghiệt của cuộc sống đã khiến ông nuôi quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.
Năm 1982, ông Đoàn Nguyên Đức bước vào kỳ thi đại học. Lúc ấy, ông mang theo cả khát vọng và ước mơ thời thơ ấu vào kỳ thi. Thế nhưng may mắn dường như chưa đến với ông. Năm ấy ông rớt đại học.
Không nản lòng, ông lại vùi đầu vào sách vở. Dù cho sáng sáng ông vẫn dắt trâu ra đồng, chiều và tối đến lại tranh thủ học bài... Tuy vậy, dù cố gắng thế nào, ông vẫn không thể bước vào cánh cổng đại học. 4 lần kiên trì theo đuổi ước mơ, cả 4 lần ấy kết quả đều không như ý muốn.
“Khi con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, ông từng chia sẻ.
- Doanh nhân Đỗ Quang Hiển và phương châm chuẩn bị kỹ, thực hiện nhanh
- Các tỷ phú đã làm nghề gì thủa hàn vi?
Với ý chí, nghị lực sẵn có, vài năm sau, ông Đức quyết tâm khởi nghiệp với công việc ban đầu là điều hành một phân xưởng mộc. Sau một thời gian tích góp từ việc làm thuê, ông quyết tâm khởi nghiệp bằng cách mở một xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh của xã. Những sản phẩm đầu tiên đều do chính tay ông tự cưa, bào, đục đẽo. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất và nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông thành lập Công ty Tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, đến năm 2006, Công ty này phát triển thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau, điển hình như khoáng sản, cao su, gỗ, địa ốc và bóng đá..
Năm 2008, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai niêm yết chứng khoán tại tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) với mã HAG. Chỉ tính đến năm 2010, tổng vốn hóa thị trường của Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524 tỷ đồng. Cũng trong thời điểm đó, Bầu Đức đã rót vốn đậm vào thị trường cao su, khi giá bán đạt đỉnh 5.000 USD/tấn bằng các khoản vay ngân hàng, phần lớn đến từ Ngân hàng BIDV.
Tuy nhiên con đường phát triển của ông Đức và HAGL không chỉ trải đầy hoa hồng mà còn có cả lúc gian nguy. HAGL của ông từng vỡ nợ do đầu tư thua lỗ. Năm 2007 - 2008, ngay sau khi rót vốn đầu tư, giá cao su liên tục lao dốc không còn là 2.500-3.000 USD/tấn như ông dự đoán. 25.000 ha cao su ở Lào đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Không chỉ nếm quả đắng ở thị trường cao su, ông cũng đã từng thất bại nặng trong lĩnh vực mía đường và đã chuyển nhượng cho Thành Thành Công. Cuối tháng 9/2018, sau hơn 10 năm niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp, của ông Đức dần ngập chìm trong các khoản nợ.
Ông từng chia sẻ rằng, trong cuộc đời kinh doanh của ông chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới, ông Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự và có lúc ông tính chuyện buông xuôi.
Giữa lúc Hoàng Anh Gia Lai đang ngập sâu trong nợ nần, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương đã nắm lấy tay ông Đức. Bằng việc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL vào 2 Công ty HNG và HAGL Myanmar, Công ty này sẽ chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu 35% vốn tại HNG và 51% tại HAGL.
Đây không chỉ là hành động cứu vớt HAGL, giúp công ty của ông Đoàn Nguyên Đức sớm hoàn thành các dự án bất động sản tại Myanmar theo cam kết của chính phủ nước này. Sau hơn 1 năm hợp tác, công cuộc tái cơ cấu nợ của ông Dương với doanh nghiệp ông Đức đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch SSI
Cũng sinh năm Nhâm Dần - 1962, ông Nguyễn Duy Hưng là nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI. Từ lâu, ông Hưng được đánh giá là một trong những người rất có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt.
Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, bố mẹ đều là giáo viên, ông Hưng được lựa chọn đi du học Đông Âu để trở thành một nhà khoa học. Vì một sự cố "dính" kỷ luật, ông Hưng buộc phải trở về nước, làm cho một cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, 3 năm sau đó, ông thấy mình hợp với nghiệp doanh nhân hơn, nên đã xin nghỉ nhà nước để ra bên ngoài.
"Tôi khởi đầu với một công ty về cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người. Nhưng người từng làm tư vấn đầu tư như tôi vẫn chưa cảm thấy phù hợp. Tôi luôn ấp ủ việc tổ chức một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường chứng khoán ra đời chính là một cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng này" - ông Hưng nói trong một lần xuất hiện trên Dân trí.
Công ty Chứng khoán SSI ra đời cuối năm 1999, cùng năm với sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Từ một công ty rất nhỏ với vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, đến hôm nay, SSI đã trở thành công ty lớn nhất thị trường.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, cựu Chủ tịch LienVietPostBank
Nói đến ông Nguyễn Đức Hưởng, người ta vẫn thường nhắc về cặp bài trùng "Minh Him Lam – Hưởng Liên Việt" gắn liền với sự ra đời và phát triển Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) – nhà băng có mạng lưới rộng khắp cả nước.
Tham gia Ngân hàng Liên Việt (tiền thân của LienVietPostBank) từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Đức Hưởng sát cánh cùng ông Dương Công Minh, đưa ngân hàng vượt qua nhiều cột mốc, từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cho đến thương vụ sáp nhập với Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.
Năm 2014, LienVietPostBank cùng với Him Lam rót vốn và phát triển các dự án trồng mắc ca có giá trị cao, giúp người nông dân cải thiện đời sống kinh tế. Ông Hưởng sau đó trở thành Phó chủ tịch hiệp hội Mắc ca.
Suốt nhiều năm, ông được biết đến là một lãnh đạo ngân hàng "đậm chất nông dân", gắn liền với những dự án phát triển cây mắc ca tại Việt Nam.
Từ một giống cây trồng "hỏi đến không ai biết, lo ngại trồng rồi không ai mua", người nông dân đã phát triển những cánh rừng mắc ca trải dài tại nhiều vùng miền Việt Nam. Họ kể về mắc ca rằng, "loài mắc ca thật dễ tính! Chỉ cần giống chuẩn, đào hố vừa sâu, cắm xuống, là nó lên tốt như cây rừng".
Trong vai trò là Phó chủ tịch hiệp hội mắc ca, ông Hưởng được xem là một trong những người đầu tiên gieo mầm loại cây "nữ hoàng của hạt khô" này tại Việt Nam.
Con đường làm ngân hàng của ông từng gắn liền với nhiều chuyến đi thực tế, trò chuyện và làm bạn với người làm nông.
Năm 2017, ông Nguyễn Đức Hưởng lên nắm quyền Chủ tịch LienVietPostBank sau khi ông Dương Công Minh rời đi. Dưới cương vị chủ tịch, điều đầu tiên mà ông Hưởng làm chính là đưa LienVietPostBank chào sàn chứng khoán với mã LPB. Sau chục năm gây dựng, LienVietPostBank lúc đó có quy mô tài sản 165.000 tỷ đồng và mức lợi nhuận gần 1.800 tỷ.
Sau khi đưa nhà băng lên sàn, vào năm 2018, ông Hưởng bất ngờ nhường lại vị trí chủ tịch vì lý do sức khoẻ và vắng bóng trong gần ba năm.
Tới gần đây, ông mới chính thức tái xuất thương trường khi tham gia vào hội đồng quản trị CMVietNam. Doanh nghiệp này ban đầu hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, sau đó mở rộng sang lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng...
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte
Bà Hà Thị Thu Thanh là một "nữ tướng" gạo cội và có nhiều đóng góp đối với ngành kiểm toán độc lập Việt Nam. Bà đã "thở cùng một nhịp" với lịch sử 30 năm hình thành và phát triển của ngành kiểm toán độc lập, ngay từ những ngày đầu Việt Nam thực hiện chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc những năm 80 của thế kỷ 20. Nữ doanh nhân sinh năm Nhâm Dần này đang là chủ tịch và cũng là một trong những nhà sáng lập Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam.
Bà từng là một cán bộ của Bộ Tài chính trước khi được điều chuyển sang Công ty Kiểm toán Việt Nam (VACO) – công ty kiểm toán đầu tiên của Việt Nam và cũng là tiền thân của Deloitte Việt Nam sau này. Tại đây, bà là một trong 5 người đầu tiên được cử sang Mỹ để học tập và làm việc về ngành kiểm toán.
Bà Thanh được mệnh danh là "người đàn bà thép" với những giá trị tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Gần 40 năm kiên định trong lĩnh vực gắn liền với "số má", bà Thanh đã dẫn dắt một doanh nghiệp có vốn nhà nước phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi mô hình sở hữu, trở thành một thành viên của Deloitte Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Deloitte là một trong "Big 4" kiểm toán có khoản doanh thu nghìn tỷ mỗi năm.
Ngoài lĩnh vực kiểm toán, bà còn được biết đến như một chuyên gia kỳ cựu với thế mạnh về tư vấn chuyên ngành, quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững. Bà Thanh cũng giữ nhiều vai trò chủ chốt trong các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Sáng kiến Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VCGI), CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD)...
Bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch CTCP Thành Thành Công Biên Hòa
Sinh năm Nhâm Dần - 1962, bà Huỳnh Bích Ngọc nổi tiếng trên thương trường với danh hiệu "nữ hoàng mía đường". Bà là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn TTC, Chủ tịch HĐQT TTC Sugar.
Xuất phát từ doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ vào năm 1979, bà Huỳnh Bích Ngọc (biệt danh là "nữ hoàng mía đường") và chồng là doanh nhân Đặng Văn Thành sáng lập, đến năm 1999 công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Thành Thành Công. Từ đây Thành Thành Công bắt đầu hoạt động trong nhiều lĩnh vực mới gồm mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng và giáo dục.
Tuy nhiên, kể cả sau này khi ông Thành rời ngành ngân hàng thì hoạt động kinh doanh mía đường của gia đình bà Huỳnh Bích Ngọc vẫn không ngừng phát triển và lớn mạnh.
Thị phần của TTC Group trong ngành đường chiếm hơn 46% cả nước. Sau khi sáp nhập Đường Biên Hòa (BHS) với Bourbon Tây Ninh (SBT) và mua lại toàn bộ mảng mía đường của Hoàng Anh Gia Lai, vùng diện tích vùng nguyên liệu của TTC Group khoảng 63.000 ha tại Việt Nam, 6.000 ha tại Lào của HAGL và dự kiến mở 20.000 ha tại Campuchia.
Mới đây, TTC Sugar công bố mua 16,78 triệu cổ phần của Công ty CP Mía đường Tây Ninh (Tanisugar), tương đương tỷ lên 57,07% theo hình thức thỏa thuận, nâng tổng tỷ lệ sở hữu tại Tanisugar lên gần 64%. TTC Sugar cho biết, mục đích đầu tư vào Tanisugar vì có ngành nghề phù hợp với định hướng và chiến lược của công ty. Thời gian thực hiện là quý II, quý III niên độ 2021-2022.
Với triết lý "sống là phải đam mê và có những giấc mơ lớn", trong suốt hơn gần nửa thế kỷ qua, bà Huỳnh Bích Ngọc vẫn luôn kiên định với triết lý của mình.
Có thể bạn quan tâm
Con đường thành công của những doanh nhân tuổi Hổ
04:02, 01/02/2022
Nữ doanh nhân tuổi Dần chinh phục sản phẩm OCOP
02:21, 31/01/2022
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển và phương châm chuẩn bị kỹ, thực hiện nhanh
00:19, 30/01/2022
Các tỷ phú đã làm nghề gì thủa hàn vi?
04:08, 29/01/2022
Người phụ nữ “thay máu” tập đoàn eBay
00:48, 28/01/2022