Tỷ phú Roman Abramovich có vai trò gì trong hòa đàm Nga - Ukraine?
Abramovich được cho là cầu nối trong nỗ lực đàm phán giữa Moskva và Kiev và đóng vai trò như một "cánh tay mềm mỏng" hơn của Điện Kremlin.
>>>Nhà sáng lập FedEx "giã từ vũ khí"
Cả Moscow và Kyiv đã lên tiếng xác nhận về vai trò của ông Abramovich trong hòa đàm. Thậm chí, vai trò này được chấp thuận bởi lãnh đạo cao nhất của cả hai quốc gia - Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Vai trò này dường như cũng được Mỹ công nhận, khi Washington vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt lên ông Abramovich như các nhà tài phiệt Nga khác.
Dù vậy, những đóng góp của ông vào quá trình đàm phán mới chỉ được tiết lộ khá sơ lược. Bản thân vị tỷ phú này cũng tỏ ra khá kín tiếng, kể cả qua người phát ngôn.
Từ công nhân trở thành người giàu nhất nước Nga
Roman Abramovich sinh năm 1966 tại Nga, là tỷ phú dầu mỏ người Nga gốc Do Thái, ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Tháng 3/2006, ông được tạp chí Forbes xếp hạng là người giàu nhất nước Nga, giàu thứ hai tại Anh và thứ 11 trên thế giới với tổng tài sản ước tính 18,2 tỷ USD.
Tỷ phú Roman Abramovich mất mẹ khi mới 18 tháng tuổi, cha ông cũng chết trong một vụ tai nạn tại công trường xây dựng khi ông vừa lên 4 tuổi. Một người chú tại Komi nuôi dưỡng ông, và sau này, bà ngoại Abramovich đón ông đến Moskva.
Chật vật từ sớm khiến Abramovich rất quý trọng đồng tiền, học cách tiết kiệm. Bước chân vào đại học năm 16 tuổi, Abramovich bị gọi nhập ngũ khi chưa kịp tốt nghiệp Học viện Công nghiệp Ukhta.
Sau khi xuất ngũ, ông làm công nhân cho một nhà máy. Từ năm 1987 đến 1989 Roman Abramovich là thợ cơ khí của Tập đoàn Mossepetsmontazh.
Abramovich may mắn khi nước Nga bắt đầu cởi mở hơn với kinh doanh tư hữu và đổi mới chính sách thuế cuối thập niên 1980, đúng lúc ông khởi nghiệp. Với toàn bộ vốn liếng tiết kiệm từ các công việc lao động trước đó, chàng thanh niên mở công ty đồ chơi bằng nhựa ngay tại căn hộ mình ở. Lợi nhuận tuy nhỏ nhưng Abramovich dần bộc lộ khiếu kinh doanh xuất sắc. Vài năm trôi qua, doanh nhân Nga nhận ra đến lúc cần làm ăn lớn hơn.
Giai đoạn 1992-1995, nhờ thấu hiểu thị trường bằng nhãn quan sắc bén, Abramovich lựa chọn đúng ngành để đầu tư. Ông lập những công ty bán hàng tiêu dùng trung gian và kiếm được những khoản hời lớn. Từ đó, doanh nhân bắt đầu hướng tầm nhìn tới dầu mỏ. Abramovich phát tài nhờ biết nắm bắt thời cơ những năm 1990, khi chính phủ Nga bắt đầu cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân. Cũng trong giai đoạn này, ông mở 5 công ty dầu lửa.
Năm 1995, Abramovich gặp Boris Berezovsky, doanh nhân tiếng tăm khi đó đang điều hành hãng sản xuất ôtô nhà nước Lada. Hai người hợp tác mua cổ phần điều hành tập đoàn dầu mỏ Sibneft với giá 100 triệu USD và trở thành cổ đông chính.
Giá cổ phiếu Sibneft tăng vọt, giúp gia tài của Abramovich và cộng sự được củng cố. Tuy nhiên, năm 2000, Berezovsky phải rời quê hương sống lưu vong do bị buộc tội gian lận. Ông bán toàn bộ cổ phần cho Abramovich, càng củng cố “đế chế” của người bạn cũ cũng là kẻ thù sau này thắng ông trong vụ kiện trị giá hàng tỷ USD. Năm 2005, Abramovich bán lại 73% cổ phần tại Sibneft cho tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom, đổi lấy 13 tỷ USD.
- Đại gia Đông Âu kín tiếng Nguyễn Đức Chi và loạt dự án nghìn tỷ
- Kết nối chuỗi cung ứng
Từ năm 2003, gương mặt Roman Abramovich trở nên quen thuộc trên toàn thế giới, khi thường xuyên hiện diện trên các khán đài bóng đá Anh. Tài phiệt Nga mua lại hầu hết những công ty sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, đội rất yếu thời điểm ấy với giá 233 triệu USD. Chelsea là đội bóng có giá trị thứ sáu trên thế giới và được Forbes định giá lên tới 2,6 tỷ USD vào năm 2019. Dưới triều đại của ông, câu lạc bộ khởi sắc trở lại và người ta thấy Abramovich đến cổ vũ đội bóng của mình trong hầu như mọi trận đấu.
Báo chí Nga thông tin Abramovich đóng góp cho các tổ chức từ thiện nước này nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử. Hàng triệu USD được ông rót vào xây dựng trường học, bệnh viện trong khi hàng tỷ USD khác dành cho phúc lợi xã hội và hạ tầng tại một số thành phố của Nga.
Tỷ phú Nga còn được biết đến với vai trò chính trị gia. Năm 1999, Abramovich được bầu vào Duma quốc gia Nga, đại diện khu vực Chukotka, một tỉnh hẻo lánh phía Đông đất nước. Tại đây, ông mạnh tay rót tiền cho những kế hoạch cải tổ. Từ năm 2000 đến 2008, Thống đốc Abramovich chi gần 1 tỷ USD cho phúc lợi xã hội tại Chukotka. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, với nhiều nhà đầu tư đổ bộ, nhiều trường học và bệnh viện được xây cất.
Vì sao lại là ông Abramovich?
Quay trở lại cuộc hòa đàm Nga - Ukraine, một người phát ngôn của ông Abramovich lần đầu xác nhận ông đang tham gia hỗ trợ quá trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.
“Tôi có thể xác nhận ông Roman Abramovich đã được phía Ukraine liên hệ để nhờ hỗ trợ trong việc đạt được giải pháp hòa bình. Kể từ khi đó, ông ấy đang cố gắng giúp đỡ”, phát ngôn viên của ông cho biết. Người này cũng tiết lộ ông Abramovich đã tới Belarus để cố gắng hỗ trợ hòa đàm.
Ông Alexander Rodnyansky, một nhà làm phim sinh ra tại Kyiv và là cha một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết giới chức Ukraine đã liên hệ với ông Abramovich qua cộng đồng người Do Thái nói tiếng Nga.
“Người Ukraine cố gắng tìm ai đó ở Nga có thể giúp đỡ trong việc tìm kiếm thỏa thuận hòa bình”, ông Rodnyansky nói với Financial Times. “Họ liên hệ và Roman là người quyết định hỗ trợ, vận động ủng hộ giải pháp hòa bình”.
Một nguồn tin của Wall Street Journal cho biết chính ông Rodnyansky là người liên lạc với ông Abramovich. Hai người từng quen nhau qua việc tài trợ các hoạt động nghệ thuật tại Nga, người này tiết lộ.
Các nguồn tin cũng cho biết ông Abramovich dành khá nhiều thời gian cho việc hỗ trợ đàm phán hòa bình. Máy bay riêng của ông đã di chuyển qua lại giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trong những tuần qua, theo các nền tảng theo dõi hàng không.
Khi hai bên chuyển sang đàm phán trực tuyến, ông Abramovich chuyển trọng tâm sang vấn đề nhân đạo, cũng như sắp xếp các cuộc gặp với những người trung gian từ nước ngoài. Ông đã gặp cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder và trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky tại Moscow, Financial Times cho biết.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, vị tỷ phú người Nga gặp ông Ibrahim Kalin, cố vấn cấp cao của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trong khi đó, một quan chức Israel cho biết ông Abramovich không đóng vai trò nào trong sự tham gia của Israel vào quá trình hòa đàm.
Ông Rodnyansky cho biết ông Abramovich là người Nga duy nhất đồng ý giúp đỡ và phía Ukraine “biết ơn” nỗ lực này.
Về phần mình, giới chức Kyiv sớm xác nhận sự tham gia của ông Abramovich vào nỗ lực đàm phán với Nga. Ông David Arakhamia, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, ca ngợi vai trò “tích cực” của vị tỷ phú Nga và cho biết hai người đã gặp nhau tại Gomel, Belarus.
Đích thân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng đề nghị Washington không trừng phạt ông Abramovich vì ông có thể đóng vai trò quan trọng trong đàm phán với Nga, Wall Street Journal đưa tin hôm 23/3.
Trong khi đó, Điện Kremlin cũng đã xác nhận vai trò của ông Abramovich trong giai đoạn đầu của hòa đàm.
“Ông ấy đã tham gia vào giai đoạn đầu”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 24/3. “Giờ đây, các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai đoàn Nga và Ukraine”.
Financial Times tiết lộ đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận sự tham gia của ông Abramovich sau khi nhận được lời đề nghị. Sau đó, vị tỷ phú đã gặp một quan chức cấp cao trong Văn phòng Tổng thống Ukraine để giúp khởi động hòa đàm.
Wall Street Journal cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã soạn thảo một gói trừng phạt nhằm vào ông Abramovich từ đầu tháng 3, nhưng hoãn lại do yêu cầu từ Nhà Trắng.
Dù vậy, vị tỷ phú này vẫn phải đón nhận các biện pháp trừng phạt từ Anh và Liên minh châu Âu (EU). Hôm 10/3, giới chức London công bố lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại với 7 nhà tài phiệt Nga, trong đó có ông Abramovich.
Bốn hôm sau, đến lượt EU áp đặt lệnh cấm vận lên ông Abramovich. Ngoài ra, ông cũng bị Canada trừng phạt.
Có thể bạn quan tâm
Ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch FLC và Bamboo Airways
09:49, 31/03/2022
Nhà sáng lập FedEx "giã từ vũ khí"
13:45, 30/03/2022
Ông Trịnh Văn Quyết sở hữu những gì?
01:49, 30/03/2022
Đại gia Đông Âu kín tiếng Nguyễn Đức Chi và loạt dự án nghìn tỷ
03:00, 28/03/2022
Kết nối chuỗi cung ứng
01:00, 26/03/2022
Warren Buffett lại "chơi lớn"
00:51, 24/03/2022