“Ông trùm” truyền thông Rupert Murdoch
Thật đáng kinh ngạc, dù tiếp quản công việc khi rất trẻ nhưng Murdoch đã biến một tờ báo thất bại, The Adelaide News, thành một tờ báo thành công.
>>Truyền thông bán lẻ "dậy sóng"
Trên thế giới rất ít người không biết đến Rupert Murdoch, một “ông trùm” thực sự trong giới truyền thông, người đã biến tin tức thành một đế chế thực sự từ The Wall Street Journal đến 20th Century Fox hay là Fox News.
Các tổ chức truyền thông của ông có thể làm lung lay các quan điểm chính trị, nâng tầm các nhân vật chính trị nhất định và định hình các câu chuyện tin tức trên toàn cầu. Và sức mạnh đó đi kèm với khối lượng tài sản kếch xù, theo Forbes, giá trị tài sản Murdoch vào khoảng 12 tỷ USD, ông là cá nhân giàu thứ 96 trên thế giới. Nói cách khác, tài sản của ông còn lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Madagascar, một quốc gia 27 triệu dân.
Sinh ra ở vạch đích
Cha của Murdoch, Ngài Keith Murdoch, sở hữu một số tờ báo ở Úc. Ông đã gửi con trai của mình đến Đại học Oxford ở Anh, nhưng Murdoch trẻ tuổi đã phải trở về quê hương của mình vào năm 1953 khi cha của ông qua đời. Mới 22 tuổi, nhưng Murdoch đã bắt buộc trở thành một người đứng mũi chịu sào khi được giao nhiệm vụ điều hành công việc kinh doanh của gia đình.
Thật đáng kinh ngạc, dù tiếp quản công việc khi rất trẻ nhưng Murdoch đã biến một tờ báo thất bại, The Adelaide News, thành một tờ báo thành công. Sau đó, ông bắt đầu xây dựng đế chế truyền thông của mình với tờ The Australian, tờ báo quốc gia đầu tiên ở nước này. Mười lăm năm sau, ông bắt đầu trở thành một tập đoàn truyền thông quốc tế khi mua News of the World ở London vào năm 1968.
Năm 1986, các cuộc đàm phán đổ vỡ giữa những người làm báo và Murdoch, người đang tìm cách chuyển phần in ấn và biên tập các ấn phẩm định kỳ của News International đến một cơ sở mới. Ông trùm này muốn hiện đại hóa hoạt động in ấn của mình và giảm bớt nhân viên, đồng thời yêu cầu các công đoàn từ bỏ quyền đình công và mở cửa hàng cho những người không thuộc công đoàn. Các công nhân đã đình công để ngăn cản hành động này, nhưng kế hoạch của họ bị phản tác dụng, Murdoch đã sa thải 6.000 người trong số họ.
Mặc dù tên tuổi của Murdoch gắn liền với truyền thông chính thống, nhưng rất ít người biết, Murdoch chính là người đã giúp đưa những tờ báo lá cải trở thành xu hướng chính thống vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Như The Economist đã từng nói: "Murdoch đã phát minh ra tờ báo lá cải hiện đại - nơi chứa đựng sự nhuốm màu tình dục, sự phẫn nộ về đạo đức và sự hung hăng chính trị”.
Ngay cả những phương tiện truyền thông truyền thống của Murdoch cũng nổi tiếng là ít tập trung vào tin tức và hướng nhiều hơn vào việc cạnh tranh với các phương tiện thể thao và giải trí. Các tờ báo như Fox News đã trở nên thành công khi tập trung vào thông tin giải trí để thu hút người xem.
Những thất bại đau đớn
Thành công là vậy, nhưng Murdoch cũng đã từng gặp những thất bại đau đớn. Năm 2005, ông mua lại MySpace với giá 580 triệu USD. Bất chấp lời hứa ban đầu khi tiếp quản, trang mạng xã hội này không bao giờ có thể cạnh tranh với Facebook. Năm 2008, trang web có hơn 100 triệu người dùng, nhưng đến năm 2011, con số đó chỉ còn 30 triệu. Cuối cùng, Murdoch buộc phải chấp nhận thất bại ê chề khi bán lại cho Justin Timberlake và các nhà đầu tư khác với giá chỉ 35 triệu USD.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Murdoch đã buộc phải đóng tờ báo đầu tiên của mình, News of the World, vào năm 2011. Tin tức cho hay các phóng viên và biên tập viên trên tờ The Sun và News of the World của ông đã hack thư thoại của gia đình nạn nhân và các nhân vật chính trị bị sát hại, lôi kéo giới truyền thông. Điều này đã khiến hình ảnh của Murdoch trở nên xấu xí và đáng kinh tởm trong mắt công chúng. Sau này, chính Murdoch đã phải đến gặp các gia đình để xin lỗi về hành vi của các nhân viên của mình.
Công việc là vậy, trong hôn nhân Murdoch cũng gây ra những scandal khá tốn kém giấy mực. Năm 1999, cuộc ly hôn của ông trùm truyền thông với Anna Murdoch Mann đã trở thành cuộc ly hôn tốn kém nhất thời đại. Murdoch và vợ đã ly thân sau 32 năm chung sống, và Anna đã được đền bù một khoản tiền kếch xù lên đến 1,7 tỷ USD.
Trong cuộc sống của mình, Murdoch được nhiều người yêu mến nhưng cũng không ít những kẻ thù hằn, ông đã từng bị một người “ốp” cả cái bánh kem vào mặt trong buổi điều trần tại Hạ viện sau vụ bê bối hack điện thoại của News Corporation. Đáng chú ý, đã từng có lần ông bị hacker đột nhập vào trang web của tờ The Sun và đăng … cáo phó. Những tin tặc này tung tin rằng Murdoch đã ăn phải một kim loại hiếm và chết trong vườn cây cảnh. Vụ hack này được coi là lần đầu tiên các hacker đã vượt qua bảo mật của một tờ báo lớn.
Dù có nhiều tranh cãi xung quanh cuộc sống cá nhân, nhưng các nhà quan sát đều nhất trí rằng, Murdoch là một huyền thoại. Ông là người đã biến truyền thông thành công cụ hoàn hảo của một đế chế thực sự, một đế chế mà ở đó ông là vua và có những quyền năng to lớn, có thể thay đổi cuộc đời của một số chính trị gia hoặc biến một thể chế chính trị trở thành quá khứ.
Có thể bạn quan tâm