Doanh nghiệp dệt may cần làm gì trong năm 2023?
Mặc dù chịu ảnh hưởng của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao nhưng ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.
>>Năm 2023 ngành dệt may cần “xanh hóa” để dành lợi thế xuất khẩu
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ đạt 45 - 47 tỷ USD (tăng 7 - 11% so với cùng kỳ) trong năm 2023. Nhưng đảm bảo mục tiêu trên sẽ khá thách thức do ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quý IV năm ngoái. Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu cần nỗ lực hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập để có đơn hàng. Nhằm hiểu hơn về những thuận lợi và khó khăn trong của doanh nghiệp trong năm 2023, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, với vai trò là doanh nghiệp may xuất khẩu, ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu hàng dệt may năm 2023?
Tôi cho rằng, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu với 3 kịch bản được đưa ra. Trong đó, kịch bản lạc quan thì nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng nhẹ và bắt đầu tăng trưởng từ cuối quý II-2023; kịch bản thứ 2 là kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm đến giữa năm 2023, sau đó mới phục hồi; kịch bản cực đoan là kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh.
Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga - Ukraine, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế các nước. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cùng lúc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhiều phía như: đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn “leo thang”. Trong khi 3 năm qua, các doanh nghiệp đa phần bị thiệt hại bởi đại dịch COVID-19 nên sức chống chịu giảm dần. Từ quý IV năm 2022 đến nay là giai đoạn cam go nhất của nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may như chúng tôi.
Ngoài ra, xu hướng của một số nhà nhập khẩu là đơn đặt hàng nhỏ hơn, thời gian giao hàng nhanh, có những đơn hàng chỉ cho thời gian sản xuất và giao hàng trong 5-7 ngày, chất lượng đòi hỏi cao hơn, đơn giá bị ép khiến giá xuất giảm... Mặc dù còn khó khăn, nhưng chúng ta vẫn lạc quan về những dấu hiệu khởi sắc trong năm 2023 nhờ duy trì đà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có FTA. Đáng chú ý, năm 2023 một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.
- Từ thực trạng trên ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp may xuất khẩu?
Để ổn định sản xuất trong giai đoàn khó khăn này, trước tiên chúng ta phải cắt giảm những chi phí không cần thiết, triệt để tiết kiệm trên tất cả mọi lĩnh vực, tập trung công tác đào tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động; bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài…
Ngoài ra, cần tận dụng và phát triển thêm những lợi thế ở trong nước, bởi động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, áp dụng công nghệ vào trong kinh doanh, sản xuất như quản trị số, đây sẽ là những điểm cộng để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển thêm các thị trường mới.
>>Dệt may hướng đến "sản xuất xanh"
- Với riêng May 10 sẽ có những giải pháp nào trong năm 2023, thưa ông?
Tổng Công ty May 10 đã sớm quan tâm đến ứng dụng tự động hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công lao động. Dù là khâu cuối cùng của ngành dệt may và khâu tự động hóa thấp nhất trong chuỗi sợi dệt nhuộm may, May 10 đều có các máy móc thiết bị và phần mềm hỗ trợ hiện đại. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, TCT May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng điện từ năng lượng tái tạo sau khi nhận thấy tiềm năng và những lợi ích to lớn của điện mặt trời mái nhà. Do đó, lãnh đạo TCT May 10 đã quyết định hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam triển khai dự án điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng, xí nghiệp may Bỉm Sơn - Thanh Hóa.
Với việc triển khai tiến tới sử dụng năng lượng từ điện mặt trời mái nhà là khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn của May 10, thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, giảm khí thải cacbon để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trước đó, ngày 12/12/2022, TCT May 10 vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu đơn vị 5 sao "Năng lượng xanh 2022" - danh hiệu cao nhất nhờ nhiều hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
- Ông có những đề xuất góp ý nào để thúc đẩy tăng trưởng ngành dệt may, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các Bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp dệt may.
Về lãi suất ngân hàng, Nhà nước có thể cân nhắc để có chính sách giữ mức lãi suất hợp lý nhằm khuyến khích doanh nghiệp duy trì phát triển. Đặc biệt với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm cho người lao động như ngành may mặc.
Như vậy có thể thấy để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững và tận dụng tốt các Hiệp định thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, xanh hóa sản xuất, áp dụng công nghệ số và bảo vệ mội trường. Với thị trường nội địa doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho các khu công nghiệp đạt chuẩn, đây là điều kiện đầu tiên nếu chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Năm 2023 ngành dệt may cần “xanh hóa” để dành lợi thế xuất khẩu
04:00, 13/01/2023
Dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng
03:21, 05/01/2023
Phát triển dệt may xuất khẩu bền vững
11:30, 03/01/2023
Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng
02:00, 31/12/2022
“Xanh hóa” ngành dệt may
18:29, 29/12/2022
Nâng cao khả năng quản trị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
04:00, 01/01/2023