Lợi nhuận từ “giá trị vô hình”
Đầu tư chuyển đổi số là doanh nghiệp bỏ ra khoản kinh phí lớn nhưng chưa nhìn thấy ngay lợi nhuận vì đây là giá trị vô hình.
Chia sẻ với DĐDN, bà Nguyễn Khánh Ly, Phó Tổng giám đốc điều hành công ty in và bao bì Goldsun cho rằng, để chuyển đổi số được thực chất doanh nghiệp cần tìm đối tác hợp tác, “thiết kế may đo” sản phẩm công nghệ theo nhu cầu quản trị của doanh nghiệp.
Bà Khánh Ly cho biết, đầu tư chuyển đổi số là doanh nghiệp bỏ ra khoản kinh phí lớn nhưng chưa nhìn thấy ngay lợi nhuận vì đây là giá trị vô hình. Ở Goldsun chuyển đổi số là quá trình dài và liên tục.
- Sản xuất bao bì là ngành công nghiệp phức tạp. Việc chuyển đổi số không đơn giản, nhất là với doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1 của tập đoàn Samsung đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chính xác rất cao, thưa bà?
Chúng tôi có 3 nhà máy sản xuất bao bì có quy mô lớn, phân tán với hàng ngàn công nhân, cán bộ quản lý, nếu không có giải pháp công nghệ, chắc chắn chúng tôi không thể quản lý công ty cũng như đưa ra quyết định quản trị phù hợp và tức thì. Vì vậy, công ty tiếp tục tìm kiếm các đối tác trong nước để cùng hợp tác, “thiết kế may đo” sản phẩm công nghệ theo nhu cầu quản trị của doanh nghiệp, phù hợp với các yêu cầu đặc thù của ngành như tính toán tự động kế hoạch sản xuất, thống kê các công đoạn sản xuất theo thời gian thực.
- Trong quá trình đổi mới sáng tạo, đâu là những khó khăn của các doanh nghiệp nói chung và của riêng Goldsun, thưa bà?
Tôi cho rằng, để chuyển đổi số thành công, trước hết và quan trọng là cần phải vượt qua rào cản trong nội bộ doanh nghiệp. Đó là rào cản về ý thức hệ khi các bộ phận đã quen làm việc với văn bản giấy tờ có chữ ký “sống” hay cần phải họp hành, bàn thảo mới giải quyết vấn đề.
Thứ hai là nguồn lực gồm nhân lực và tài lực. Chuyển đổi số cần đầu tư kinh phí lớn nhưng chưa nhìn thấy ngay lợi nhuận vì đây là giá trị vô hình. Vì vậy, cần sự đồng hành, quyết tâm và kiên trì của lãnh đạo trong hành trình dài. Chuyển đổi số mang lại những công cụ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhưng tôi cho rằng, các giải pháp phần mềm hiện đại không phải là đôi đũa thần để hoạt động của doanh nghiệp tự động tốt hơn. Chúng tôi luôn định nghĩa bất cứ phần mềm, giải pháp công nghệ nào cũng là thực thể sống, đi theo doanh nghiệp, lớn lên cùng doanh nghiệp và có thể “chết” cùng doanh nghiệp nên phần mềm phải được cập nhật. Ngược lại, các giải pháp phần mềm không trưởng thành cùng doanh nghiệp, không thay đổi theo mục tiêu quản trị của doanh nghiệp thì cũng không thể tồn tại được cho dù giải pháp đó được thiết kế chuẩn mực đến đâu đi nữa.
Cuối cùng, hệ thống quy trình công việc phải biên tập lại một cách cô đọng để chuyển đổi từ môi trường làm việc thủ công, giấy tờ phù hợp với môi trường số.
- “Giá trị vô hình” được doanh nghiệp đầu tư đến nay đã được cụ thể hoá thành hiệu quả kinh tế như thế nào, thưa bà?
Qua nhiều năm cập nhật, hệ thống giải pháp, phần mềm của doanh nghiệp đã được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, thậm chí thay đổi nền tảng công nghệ ban đầu. Với sự thay đổi liên tục của công nghệ như hiện nay, chúng tôi xác định chuyển đổi số không có điểm dừng. Đặc biệt, khi chuyển đổi số đang “thấm” sâu vào các doanh nghiệp sẽ tạo thành cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số, cùng làm việc trên tiêu chí năng lực, trình độ quản lý số thì chắc chắn sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau cũng tốt. Lấy đơn cử, khi Goldsun bán hàng phải quản lý tồn kho thì có thể đấu nối hệ thống với khách hàng để bất cứ lúc nào khách hàng có thể kiểm tra tồn kho tại kho của công ty.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
"Khơi thông" ngành công nghiệp hỗ trợ
03:00, 26/11/2022
Thúc đẩy hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
05:00, 21/11/2022
Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ: Kết nối chuỗi cung ứng
11:00, 26/10/2022
"Bắt tay" cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ
03:45, 07/10/2022
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quyết tâm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa
13:36, 13/10/2022