Công nghiệp hỗ trợ bị "tắc" bởi phụ thuộc đầu vào từ bên ngoài, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài,... do đó, cần được "khơi thông" để phát triển.
>>Thúc đẩy mạng lưới khởi nghiệp tại Đà Nẵng
Ngành công nghiệp - đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Địa phương miệt mài kêu gọi đầu tư
Tại Quảng Nam, công nghiệp hỗ trợ manh nha được hình thành khá sớm. Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã phát triển ở một số lĩnh vực như cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất và lắp ráp ôtô, dệt may- da giày, điện- điện tử và hóa chất… đã góp phần vào phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, nguyên vật liệu như sợi, chỉ may cùng với linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử,… Năm 2019, ước tính có khoảng 25 dự án hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp FDI (16 doanh nghiệp).
Ông Lương Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cho hay trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 dự án hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, tập trung trong các khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là hơn 4.800 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 5.000 lao đông.
Theo vị này, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô với thế mạnh là Tập đoàn THACO, đây là điểm sáng và tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Hiện nay,THACO đã có 7 nhà máy lắp ráp ô, trong đó có 2 nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với các nhà máy lắp ráp ô tô, THACO đã đầu tư xây dựng 12 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng trên diện tích đất 93ha, với tổng vốn đầu tư là 1.690 tỷ đồng.
“Ngoài Tập đoàn THACO, những năm gần đây tỉnh cũng đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư trong lĩnh vực này như Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô CTR Vina với vốn đầu tư 27 triệu USD (Hàn Quốc), Nhà máy phụ trợ ô tô bằng đùn chất dẻo với vốn đầu tư 10,3 triệu USD (Hàn Quốc), Nhà máy sản xuất vải túi khí của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với vốn đầu tư 35 triệu USD (Hàn Quốc), Nhà máy sản xuất mô tơ phanh bơm chân không bằng điện tử của xe ô tô với vốn đầu tư 5 triệu USD (Hàn Quốc)…. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang triển khai xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai trình Thủ tướng”, ông Quang thông tin.
Tại Đà Nẵng, thành phố cũng đã có kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng và năng lực, có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao. Trong đó, Đà Nẵng tập trung vào các sản phẩm như linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Được biết, tính tới hiện tại Đà Nẵng đã thu hút được 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD. Thành phố này hiện có khoảng 110 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó các doanh nghiệp FDI đa số đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết thành phố này đã thực hiện nhiều chủ trương khuyến khích công nghiệp hỗ trợ, cùng với công nghệ thông tin và công nghệ cao thành ba trụ cột công nghiệp. Đà Nẵng cũng đang thúc đẩy doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tăng về số lượng, có khả năng tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tập trung vào các sản phẩm linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp.
“Đà Nẵng hướng tới thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh vào thành phố để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, tạo động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, thúc đẩy liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ.
“Tắc” ở đâu?
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) các ngành công nghiệp đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển đất nước. Vị này cho rằng công nghiệp đang có tỉ lệ đóng góp lớn nhất với ngân sách và là ngành xuất khẩu chủ đạo. Hiện đã hình thành được một số tập đoàn tư nhân lớn và giải quyết nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.
“Tuy nhiên, nội lực nền công nghiệp trong nước hiện còn yếu so với yêu cầu của một nước công nghiệp. mặc dù được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của nền công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay còn thấp so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Cùng với đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, trình độ nguồn nhân lực và kỹ thuật sản xuất còn rất thấp,…”, ông Phạm Tuấn Anh nói.
Ngoài ra, nền công nghiệp hiện nay đang phát triển không cân đối, phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Công nghiệp nặng - nền tảng các ngành công nghiệp hiện chiếm tỉ trọng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc đầu vào từ bên ngoài, giá trị gia tăng thấp, dễ bị tổn thương trước các biến động bên ngoài.
“Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, dẫn đến tình trạng “một quốc gia, hai nền kinh tế”, ông Phạm Tuấn Anh nói thêm.
Theo ý kiến các chuyên gia, việc phát triển công nghiệp hiện vẫn chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp. Trong đó, các địa phương hiện nay không có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong phát triển công nghiệp, cạnh tranh xuống đáy thay vì hợp tác để thu hút đầu tư nên thường bị các nhà đầu tư lợi dụng để đàm phán có lợi cho mình.
Đó còn chưa kể đến các hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Rằng chưa có một đạo Luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, các hạn chế về hiệu lực, hiệu quả trong hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hiện nay,…
Có thể bạn quan tâm
Dấu mốc quan trọng hợp tác giao thương Việt Nam - Uganda
21:58, 25/11/2022
Sứ mệnh VinFast với ngàn chiếc xe điện Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ
21:20, 25/11/2022
Đề xuất thành lập Trung tâm y tế lao động khu công nghiệp
12:00, 21/11/2022
Thúc đẩy hợp tác công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản
05:00, 21/11/2022