Mô hình kinh doanh độc đáo: Dịch vụ làm… Robinson (Phần 2)
Khó khăn nhất trong việc phát triển kinh doanh là tìm thêm đảo mới. Ngày càng khó kiếm được nơi nào, thậm chí là đảo hoang, mà chưa có tác động từ thế giới hiện tại.
>>Mô hình kinh doanh độc đáo: Dịch vụ làm… Robinson (Phần 1)
Trải nghiệm làm Robinson trên đảo hoang
Hiện nay, Docastaway cung cấp các dịch vụ đưa khách đến những hòn đảo tại Polynesia, Indonesia, Philippines và Nam Mỹ, với giá dao động từ 90 đến 380 euro mỗi đêm (xấp xỉ từ 3,8 triệu đến 10 triệu đồng). Mỗi hành trình thường kéo dài tầm một tuần. Khách sẽ tự túc di chuyển đến địa phương nơi gần hòn đảo. Sau đó, xe và ca nô của Docastaway đưa và thả khách tại đảo, để khách trải nghiệm cảm giác làm Robinson.
Về phần lợi nhuận, Cerezo cho biết lợi nhuận không đáng là bao, “sẽ không bao giờ giàu được” nếu chỉ dựa vào mô hình kinh doanh này. Hay nói cách khác, Cerezo chỉ làm Docastaway vì đam mê, cũng như là cơ hội để ông tiếp tục hành trình khám phá những hòn đảo.
Trong suốt 13 năm hoạt động, Cerezo đón tiếp đến cả nghìn khách hàng. Họ thuộc nhiều tầng lớp, ngành nghề, từ doanh nhân, sinh viên, cho đến những tỷ phú, những người muốn thử thách khả năng sinh tồn của bản thân sau những năm tháng sống sung sướng.
Khi đăng ký dịch vụ với Docastaway, khách hàng có hai lựa chọn:
Gói “Sống sót”: Khách sẽ được thả trên đảo mà không có bất kỳ thứ gì kèm theo (trong một vài trường hợp, khách được đưa dao rựa, súng giáo). Khách sẽ phải tự làm tất cả để sinh tồn
Gói “Thoải mái”: Khách sẽ có đoàn hỗ trợ thực phẩm, nước uống, chỗ trú ẩn và các nhu yếu phẩm khác.
Theo dữ liệu thực tế, gói “Sống sót” lại được các du khách yêu thích hơn. Một khi đã được nhân viên của Cerezo đưa lên đảo, du khách phải tự làm tất cả để kiếm ăn, dựng chỗ ở, tìm nước uống. Dĩ nhiên trước đó Cerezo đã chắc chắn rằng hòn đảo ông đưa khách đến có những thứ này. Nhưng có là một chuyện, cách thức có được lại là chuyện khác. Khách thường sẽ phải bắt cá, bắt cua, leo cây dừa lấy trái. Một số người thậm chí phải ăn những thứ trôi dạt vào bờ, chẳng hạn đồ ăn đóng hộp hoặc nông sản bị rơi từ các thuyền địa phương.
Cũng bởi vì mức độ thử thách của trải nghiệm này, tất cả khách hàng đều phải ký giấy tự chịu trách nhiệm cho những trường hợp bị thương hoặc thiệt mạng. Tuy nhiên Cerezo cho biết tình huống này chưa bao giờ xảy ra. Đôi khi khách cũng phải kết thúc hành trình sớm hơn vì nhiều lý do, chẳng hạn nắng quá gắt, bị bệnh, sợ hãi, hoặc thậm chí là nhàm chán.
Ngành du lịch khám phá đảo hoang
Docastaway không phải là bên duy nhất cung cấp các dịch vụ khám phá đảo hoang. Desert Island Survival, một công ty có trụ sở ở Anh, cũng bán các dịch vụ tương tự và thường hướng đến các nhóm khách hàng.
Tom Williams, người sáng lập Desert Island Survival, cho biết trước kia anh làm trong ngành tài chính nhưng rất chán nản. Trong một lần tình cờ biết đến công ty của Cerezo, anh nhận ra rằng mảng du lịch đến những nơi biệt lập vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển.
Vì thế, anh đã lập ra Desert Island Survival. Tuy nhiên, công ty của anh không hẳn là cung cấp trải nghiệm sống một mình trên hoang đảo, mà thiên về dạy các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện hoang dã nhiều hơn.
Mỗi tour của Desert Island Survival kéo dài 8 ngày, trong đó 5 ngày lý thuyết (học các kỹ năng với chuyên gia huấn luyện kỹ năng sinh tồn), và 3 ngày thực hành (được đưa ra đảo hoang). Khách hàng sẽ học cách: Dựng chỗ ẩn náu, bện dây thừng từ các loại sợi thiên nhiên; Tìm nguồn nước và thực phẩm có thể ăn/uống được; Cách tạo lửa bằng cách ma sát; Đan lá cọ thành giỏ, mũ và giường.
Những người tham gia chương trình thường là khách du lịch một mình và được ghép theo từng nhóm. Tuy nhiên Williams cũng tổ chức các hoạt động tương tự cho những hội bạn hoặc các doanh nghiệp.
Giá tua là 3.000 bảng Anh (khoảng 91 triệu) mỗi người. Williams cho biết mỗi năm anh tổ chức được khoảng 50 tua, lợi nhuận 60%. Khó khăn duy nhất trong việc phát triển kinh doanh là tìm thêm đảo mới. Theo anh, ở Philippines đảo đẹp rất nhiều, nhưng nhiều cướp biển. Ở Indonesia, đảo thường có rắn hổ lục. Còn đảo ở New Guinea có rắn mambas cực độc.
Trên website của mình, Williams dành hẳn một trang để đề cập đến các “rủi ro và nguy hiểm” khi tham gia chương trình du lịch sinh tồn, chẳng hạn thằn lằn, lợn rừng, cá mập, sứa, cá nóc, cá đuối gai độc và các sinh vật sống trên đảo khác.
Việc làm ăn của William đôi khi cũng gặp khó khăn vì những chương trình thực tế. Chẳng hạn, khi các chương trình như Survivor hoặc Naked and Afraid cần địa điểm quay hình, họ thường tìm đến các đảo mà anh cũng đã nhắm đến từ trước. Số tiền các chương trình bỏ ra để thuê đảo cũng hậu hĩnh hơn, lên đến hơn 100.000 USD. Vậy nên trong các hợp đồng với chủ đảo, Williams thường phải đưa vào điều kiện có thể cho bên khác thuê nếu tiền thuê nhiều hơn. Cũng vì vậy nên anh cũng phải có một vài hòn đảo “dự phòng” gần đó để đề phòng các thay đổi phút cuối.
Những thành trì cuối cùng
Cả Cerezo và Williams đều hiểu rằng dịch vụ mà họ cung cấp đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ quá trình công nghiệp hóa trên diện rộng. Chẳng hạn, đại dương bị axit hóa nhanh hơn, nước biển bị ô nhiễm với hàng nghìn tấn rác thải. Trong khi đó, ngày càng nhiều hòn đảo vốn hoang sơ bị tư nhân hóa và xây dựng với tốc độ chóng mặt. Hay nói cách khác, ngày càng khó kiếm được nơi nào, thậm chí là đảo hoang, mà chưa có tác động từ thế giới hiện tại.
Cerezo cho biết bản thân đã phải bỏ một vài hòn đảo ra khỏi danh sách vì quá ô nhiễm, hoặc đã có khách sạn dựng ở đó. Tuy nhiên với ông, trải nghiệm một hành trình gian nan đã không còn là điều quá mới mẻ. Ông cho biết bản thân sẵn sàng gắn bó với dịch vụ du lịch đảo hoang suốt phần đời còn lại.
Có thể bạn quan tâm