Mô hình mua sắm kiêm giải trí lan rộng

QUÂN BẢO 25/11/2023 02:00

Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon vừa khai trương một trung tâm mua sắm mới, trong đó rất chú trọng vào vui chơi giải trí cho khách chứ không chỉ để mỗi mua sắm.

>>Mô hình đồ ăn nhanh đang sụp đổ?

Aeon vừa khai trương một trung tâm mua sắm mới ở Vũ Hán. Trung tâm mua sắm này có diện tích sàn 288.000 mét vuông và là một trong những trung tâm mua sắm lớn nhất ở châu Á của Aeon.

Aeon Mall Vũ Hán có khoảng hơn 260 cửa hàng bao gồm các chuỗi thương hiệu Nhật cùng các thương hiệu bản địa của Trung Quốc. Nhưng diện tích lớn nhất trong trung tâm mua sắm lại dành cho khu vui chơi giải trí với 12.000 mét vuông gồm đường đua xe go - kart, bắn cung, thể thao thực tế ảo và vườn thú cưng trong nhà.

Ý tưởng mới của Aeon là nhằm để xóa tan hình ảnh các trung tâm mua sắm chỉ là nơi để mua sắm và thu hút nhiều khách hàng hơn. Một khách hàng nữ tại buổi khai trương cho biết cô chỉ mua sắm trực tuyến nhưng cũng thật thú vị khi thấy đa dạng các cửa hàng, khu vui chơi khác nhau đề trải nghiệm.

Xu hướng mới

Khách hàng ngày càng có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trực tiếp kể từ sau đại dịch Covid. Một khách hàng ở Bắc Kinh trong độ tuổi 20 cho biết cô thấy mua đồ ở các cửa hàng vật lý đắt hơn và thật mệt mỏi khi phải đi bộ xung quanh để tìm đồ để mua. Khi mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên dễ dàng, với nhiều ưu đãi về giá cả và chất lượng cũng tương tự như khi mua trực tiếp, thì các nhà bán lẻ, các trung tâm mua sắm ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Có lẽ đó là lý do khiến nhiều nhà bán lẻ, trung tâm thương mại triển khai mô hình mới tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Khiến khách hàng thấy rằng mua sắm trực tiếp là một trải nghiệm thú vị, và cũng là lợi thế khác biệt so với khi mua trực tuyến.

Với mô hình bán lẻ trực tiếp kết hợp tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, khách hàng có thể xem phim, chụp ảnh, ăn uống thỏa thích trước rồi mới đến mua sắm. Trước mắt là để thu hút càng nhiều khách hàng đến trung tâm mua sắm đã còn họ chưa nhất thiết phải lập tức mua hàng ngay.

Ngay tại Trung Quốc có trung tâm mua sắm mới của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Dalian Wanda Group ở Bắc Kinh, khai trương vào cuối tháng 9. Khách hàng được chào đón bằng thang cuốn dài 64 mét, trải dài từ tầng một đến tầng sáu. Trong suốt chuyến đi kéo dài hai phút, một màn hình có kích thước bằng sáu sân tennis sẽ giúp khách hàng trí bằng hình ảnh kỹ thuật số. Từ “mua sắm” không hề xuất hiện trong tài liệu quảng cáo của Wanda về trung tâm mua sắm mới trên mạng xã hội. Hầu hết khách hàng sẽ thấy trong trung tâm này đầy ắp các quầy trưng bày, chụp ảnh, giải trí là chính.

Năm 2021, thương hiệu bán lẻ đồ chơi Mỹ Toys R Us đã trở lại với một cửa hàng vừa để mua sắm vừa để vui chơi sau khi hứng chịu thua lỗ nặng nề. Cửa hàng mới của Toys R Us không chỉ để mua sắm mà còn để giải trí với các điểm nhấn như cầu trượt hai tầng, tiệm kem và quán cà phê Geoffrey the Giraffe. Nhờ cửa hàng này mà Toys R Us cũng thuyết phục được chuỗi bán lẻ truyền thống Macy's có kế hoạch mở 400 cửa hàng bán đồ chơi Toys R Us tại các cửa hàng bách hóa ở Mỹ vào năm 2022.

Tại Việt Nam chuỗi bán lẻ mẹ bé Con Cưng cũng thực hiện mô hình tương tự vào đầu năm ngoái. Super Center mới của Con Cưng là khu phức hợp gồm cửa hàng buôn bán các sản phẩm của Con Cưng, khu vui chơi, nhà sách cho trẻ em, quán cà phê cho gia đình vào buổi tối. Ngoài ra Con Cưng còn dành một tầng cho dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, sinh sản và chăm sóc con cái.

Theo CEO của Con Cưng, Super Center chính là một nước cờ nhắm đến thế hệ người mua hàng Gen Z từ 1995 tới 2000. Bởi vì, khách hàng thuộc lứa tuổi này mong muốn những địa điểm đẹp, phong cách, vừa có thể “ăn chơi” vừa có thể mua sắm. Khi chăm sóc và nuôi dưỡng con cái cũng vậy. Nếu có một địa điểm vừa có thể mua sắm các món đồ mẹ và bé, vừa có thể ăn uống, vui chơi, thì chắc chắn sẽ được lòng Gen Z.

Còn cả Lotte Mall Tây Hồ mới khai trương đầu tháng 8 cũng là một ví dụ điển hình. Trung tâm thương mại này kể từ khi ra mắt đã trở thành địa điểm check in hot rần rần của cả giới trẻ lẫn những gia đình có con nhỏ. Ngoài khu mua sắm, trung tâm này có các khu giải trí nhiều hơn, riêng một tầng rộng cho việc xem phim, một tầng hầm cho khu ẩm thực đa dạng. Lotte có cả khu vui chơi riêng và thủy cung để khách vui chơi giải trí. Hiện tại Lotte Mall Tây Hồ vẫn là địa điểm thu hút không chỉ giới trẻ mà còn cả các gia đình. Trên các mạng xã hội cũng xuất hiện rất nhiều bài review về Lotte Mall như một điểm vui chơi nên đến với đồ ăn ngon và nhiều khu giải trí thay vì một trung tâm mua sắm.

Như vậy là

Việc tập trung đầu tư cho trải nghiệm khách hàng có vẻ là một trong những nỗ lực để phục hồi các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại sau một thời kỳ khó khăn bởi đại dịch. Tuy hiệu quả đến đâu còn chưa rõ ràng, nhưng trước mắt những mô hình trung tâm mua sắm kết hợp trải nghiệm vui chơi giải trí vẫn đang thu hút được khách hàng nhiều hơn. Nó chính là điểm khác biệt để cạnh tranh với những mô hình xưa cũ, trong tương lai có thể chúng ta sẽ thấy nhiều hơn nữa những mô hình mua sắm kết hợp giải trí tương tự từ các trung tâm thương mại lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Boeing: Hãng hàng không giá rẻ sẽ trở thành mô hình thống lĩnh

    Boeing: Hãng hàng không giá rẻ sẽ trở thành mô hình thống lĩnh

    08:57, 13/11/2023

  • Nhờ mô hình độc đáo, Wonder nhận 100 triệu đầu tư từ Nestle

    Nhờ mô hình độc đáo, Wonder nhận 100 triệu đầu tư từ Nestle

    00:30, 10/11/2023

  • Mô hình

    Mô hình "Kim cương thép"

    01:00, 02/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mô hình mua sắm kiêm giải trí lan rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO