"Chán" thung lũng Silicon, gen Z Mỹ đầu quân cho startup công nghệ khí hậu
“Sứ mệnh của gen X là tạo ra và làm cho Internet trở nên phổ biến. Còn với Gen Z, chúng tôi sẽ tạo ra dấu ấn công nghệ, chống biến đổi khí hậu…”
>>Sau Thung lũng Silicon, đâu sẽ là trung tâm công nghệ mới của thế giới?
Jonathan Strauss, cựu sinh viên trường Đại học Pennsylvania chia sẻ, thời còn đi học, hầu hết mọi người đều muốn trở thành một chủ ngân hàng đầu tư sau khi ra trường. Dần dà, ước mơ của họ là được làm việc ở Google, Facebook... Họ mong chờ vào những hứa hẹn của các công ty, như được đãi ngộ tốt, được thỏa sức sáng tạo, thay đổi thế giới và làm những điều có ý nghĩa.
Trong thời điểm hiện tại, các công ty công nghệ lớn không còn là "bến đỗ" phù hợp với nhiều bạn trẻ. Một lĩnh vực mới đã xuất hiện, nhận được nhiều sự quan tâm và thu hút các khối óc thông minh, sáng tạo. Đó chính là công nghệ khí hậu.
Nhiệm vụ của Gen Z là tạo dấu ấn chống biến đổi khí hậu
Từng làm việc tại Yahoo, sau đó trở thành nhà đồng sáng lập của một công ty truyền thông xã hội, giờ đây, Jonathan Strauss không còn tha thiết với công việc tại thung lũng Silicon. Năm ngoái, anh sáng lập Climate Draft - công ty kết nối các tài năng công nghệ hàng đầu với các công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu. "Chúng ta mới chỉ đang ở điểm khởi đầu của công nghệ khí hậu. Mọi cơ hội đổi mới đều có tác động mạnh và lớn hơn nhiều", anh nói.
Strauss không phải là người duy nhất tin vào điều này. Justin Hardin - đồng sáng lập, kiêm Giám đốc Công nghệ của Climatebase, một công ty chiêu mộ nhân tài về công nghệ khí hậu - cũng có câu chuyện tương tự. Justin từng bỏ sự nghiệp ổn định của một kỹ sư phần mềm tại Slack để thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình sau khi chứng kiến bầu trời ở Bay Area rực màu cam lửa trong một trận cháy rừng.
Từ khi Climatebase ra mắt vào năm 2020, hơn 500 nghìn người đã sử dụng trang web này để tìm kiếm và ứng tuyển các công việc về công nghệ khí hậu. Hardin cho biết, mối quan tâm của các kỹ sư phần mềm đang dần thay đổi. Ngay cả những người có tầm ảnh hưởng như Chris Sacca và Bill Gates cũng đã bắt đầu thực hiện những ý tưởng đầu tư liên quan đến khí hậu. Mike Schroepfer gần đây đã từ bỏ vị trí Giám đốc công nghệ của mình tại Meta - công ty mẹ của Facebook - để dồn toàn lực vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Strauss nói: "Chúng tôi không làm những công việc này với mục đích từ thiện. Công nghệ khí hậu hiện đang trở thành lĩnh vực thú vị nhất trong ngành công nghệ".
Ít ai biết rằng, Malak Abu Sharkh - người đứng đầu hoạt động cung ứng và vận hành tại Charm Industrial - một công ty khởi nghiệp về loại bỏ khí carbon - lại từng là Giám đốc chuỗi cung ứng tại Apple. "Tôi cảm thấy công việc ở Apple không có gì thú vị cả. Ngược lại, khi ở Charm Industrial, công việc giảm thiểu khí carbon rất vui và ý nghĩa", cô chia sẻ. Nhiệm vụ của cô tại Charm là mở rộng quy mô công nghệ, giúp loại bỏ khí carbon.
"Tôi nghĩ mỗi thế hệ đều có một tư tưởng riêng. Đối với gen X, sứ mệnh của họ là tạo ra và làm cho Internet trở nên phổ biến. Còn với Gen Z, chúng tôi sẽ tạo ra dấu ấn trong việc giải quyết các vấn đề về khí hậu", Strauss nói.
Giải bài toán "khủng hoảng mục đích sống" tại thung lũng Silicon
Strauss từng nói chuyện với hàng trăm người đang có sự cân nhắc hoặc đã "đổi nghề" để họ hiểu hơn về mục đích sống của bản thân. "Khi làm việc trong lĩnh vực công nghệ, bạn có thể tự hào về những gì mình đang làm và không xấu hổ về điều đó".
Còn Hardin lại bày tỏ: "Đối với những người rời khỏi các công ty công nghệ lớn để tìm đến con đường mới, họ giống như đang từ bỏ vị trí vốn là niềm mơ ước của bao người để làm một công việc có phần hão huyền”.
Cassandra Xia đã từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm tại Google ngay thời điểm diễn ra đại dịch. Cô luôn phải tự nhủ rằng, không có mình, "ông lớn" công nghệ này vẫn hoạt động bình thường để có thể an tâm thực hiện sứ mệnh mới ở vị trí trưởng bộ phận kỹ thuật của Evergrow - một công ty khởi nghiệp fintech khí hậu. Cô cảm nhận được tính cấp bách và cần thiết của các vấn đề về biến đổi khí hậu để luôn có ý thức và trách nhiệm công việc của bản thân.
Khi Xia nộp đơn xin từ chức tại Google, họ gợi ý cho cô làm việc trong một số dự án nội bộ về khí hậu. Nhưng cô nghĩ rằng, những dự án này sẽ không thể lan rộng vì cuối cùng chúng vẫn không thuộc về một phần trong mô hình kinh doanh cốt lõi của Google. "Nói ra thì có vẻ hoài nghi, nhưng đó là cách họ giữ chân nhân viên ở lại", cô chia sẻ về những nỗ lực trong việc quản lý bộ máy nội bộ của Google.
Không phải công việc "từ thiện"
Thực chất, số tiền được trả cho những người làm việc tại các công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu ngang bằng với mức thù lao tại các công ty công nghệ có quy mô tương tự. Thậm chí, mức lương của nhân viên tại Climatebase còn ngang bằng với các vị trí tại 4 công ty công nghệ hàng đầu.
Một ngày nào đó, những người mạo hiểm đặt cược vào các startup công nghệ khí hậu cũng sẽ kiếm được khoản tiền lớn sau khi công ty "tiến hóa" thành kỳ lân. Strauss cho biết: "Mức tăng vốn chủ sở hữu có thể rất lớn, và cao hơn so với việc tham gia vào một công ty khởi nghiệp phần mềm dạng dịch vụ đã quá cũ và bão hòa. Tôi nghĩ, việc giải quyết các vấn đề khí hậu sẽ hữu hình hơn, thực tế hơn, nhưng vẫn gắn bó và không thể tách rời khỏi các lợi ích tài chính".
Abu Sharkh cũng đồng ý với điều đó. Với cô, ngay cả những nơi đã cam kết và xác thực về nguyện vọng giảm thiểu khí carbon trong chuỗi cung ứng như Apple, quy trình sản xuất các sản phẩm của họ vẫn thải một lượng carbon ra ngoài không khí. Đây là một điều khó tránh khỏi do mô hình kinh doanh của công ty là tập trung bán đồ điện tử gia dụng. Dù có thế nào, thứ họ quan tâm nhất vẫn chỉ là doanh số bán hàng, chứ không phải giảm được bao nhiêu lượng khí carbon. Rất may cho cô, đây không phải thực trạng diễn ra tại Charm.
Có thể bạn quan tâm