Doanh nghiệp truyền thống và startup 'bắt tay' để đổi mới sáng tạo
Các doanh nghiệp đang rất cởi mở đón nhận giải pháp, ý tưởng mới của các startup. Đây là tiền đề để Việt Nam hướng đến đổi mới sáng tạo.
>> Khởi nghiệp sáng tạo lưỡng dụng: Tiềm năng và lợi thế
Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) vừa tổ chức nhằm kết nối các Quỹ đầu tư với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Bình Định.
Theo ông Trần Mạnh Trúc, Giám đốc đầu tư Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, hành trình gọi vốn của một doanh nghiệp gồm nhiều bước trong đó có xác định giá trị công ty; lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng; tiếp cận và gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng; đàm phán… Do đó, ông Trúc cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần xác định và chuẩn bị thật kỹ các bước sẽ là điều kiện tiên quyết để thành công.
Từ kinh nghiệm của mình, bà Phạm Thị Thu Hằng, Chủ tịch HĐQT nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp đang rất cởi mở đón nhận giải pháp, ý tưởng mới của các startup, và đây là tiền đề để Việt Nam hướng đến đổi mới sáng tạo.
Bà Hằng cho rằng, đã có một sự dịch chuyển về đổi mới sáng tạo, từ nội tại doanh nghiệp sang các sáng kiến, ý tưởng bên ngoài để làm giàu cho nguồn tài nguyên của doanh nghiệp. Với ứng dụng từ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có thể tăng gấp 5 lần tốc độ, tăng gấp 3 lần năng suất lao động trong khi tiết kiệm từ 20-30% mức đầu tư. Đây chính là lợi thế mà đổi mới sáng tạo mở mang lại so với đổi mới sáng tạo truyền thống.
>>Phát triển khởi nghiệp nông nghiệp là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước
>>Kết nối Mentor cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022
Dẫn chứng cụ thể, bà Hằng cho biết, các kỳ lân tại Singapore đều có mối liên hệ chặt chẽ và cung ứng các dịch vụ đổi mới sáng tạo cho chính doanh nghiệp truyền thống tại Singapore. Chẳng hạn, nền tảng Trax chuyên phân tích dữ liệu cho các mảng bán lẻ, bằng cách đưa ra các ứng dụng công nghệ giúp quản lý hàng hóa trong siêu thị, điểm bán lẻ một cách tự động. Từ đó tiết kiệm được chi phí nhân sự, chi phí quản trị cho các doanh nghiệp. Kỳ lân công nghệ này có mức định giá 1,3 tỷ USD cho lần gọi vốn gần nhất trong năm 2021.
Một ví dụ khác là Patsnap - kỳ lân công nghệ phát triển và lưu trữ dữ liệu về bằng sáng chế, nơi các doanh nghiệp trao đổi bằng sáng chế để từ đó đưa về khai thác dịch vụ của mình. Các dẫn chứng cho thấy ở những quốc gia đi trước như Singapore đã đẩy mạnh và chứng minh được những lợi ích từ đổi mới sáng tạo mở thông qua mối liên hệ giữa các startup và các doanh nghiệp truyền thống. Từ đó mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc phát triển và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) cho rằng, việc quản lý quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần thực hiện các mục tiêu quan trọng bao gồm việc xem xét kỹ lưỡng các hạng mục để tối ưu hóa các năng lực quản lý đổi mới; đảm bảo các mục tiêu đổi mới sáng tạo phức tạp với quy mô lớn cần phải được chia nhỏ thành các mục tiêu để có thể quản lc và các nhóm tham gia khác nhau có thể tập trung tham gia.
Cùng với đó, các yếu tố để đáp ứng từ thị trường, các nhà đầu tư cũng cần tập trung vào tính gắn kết giữa nhân viên - khách hàng, văn hóa và chiến lược số của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật và đổi mới quy trình thông qua việc áp dụng công nghệ và phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn...
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra hai lễ công bố “Hợp tác triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp” và “Hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định”.
Có thể bạn quan tâm