Quảng Ninh: Đưa sản phẩm OCOP hội nhập quốc tế
Trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây-Đà Nẵng 2019 (từ ngày 2-7/8), Quảng Ninh đưa hơn 100 sản phẩm OCOP của 6 doanh nghiệp giới thiệu rộng rãi.
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh được trưng bày, giới thiệu chủ yếu là những sản phẩm xếp hạng từ 3 đến 5 sao của các đơn vị, doanh nghiệp như: Ruốc hàu, ruốc trai của Công ty TNHH sản xuất thương mại thuỷ sản Quảng Ninh; nước mắm sá sùng của Công ty nước mắm sá sùng Vân Đồn; rượu mơ Yên Tử, rượu ba kích của Công ty TNHH Thăng Long …
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Quảng Ninh có cơ hội kết nối tiêu thụ, giới thiệu thị trường Indonesia, đồng thời cùng các nhà phân phối trao đổi thông tin, nhu cầu về sản phẩm và các cơ chế trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại thị trường khu vực miền Trung. Quảng Ninh đã kết nối và ký kết hợp đồng nguyên tắc với một số siêu thị đặc sản miền Trung, siêu thị đặc sản Đà Nẵng, cửa hàng đặc sản Thiên Phú... cùng một số đơn vị khác có nhu cầu. Đặc biệt, các mặt hàng sản phẩm của Quảng Ninh đã được một số công ty Lào nhập về để giới thiệu tại thị trường nước này.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh này đã tổ chức 5 hội chợ xúc tiến thương mại tại địa phương, thu hút gần 200 nghìn lượt khách đến tham quan mua sắm, đồng thời giới thiệu sản phẩm OCOP trên sàn giao dịch thương mại điện tử Bưu điện Việt Nam, tham gia Hội chợ quốc tế “Mỗi xã một sản phẩm” 2019 tại TP.Hồ Chí Minh với hơn 100 sản phẩm của 5 doanh nghiệp. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thẩm định chấp thuận cho 78 sản phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia OCOP, nâng tổng số sản phẩm lên 402 sản phẩm, trong đó 138 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao và tư vấn hướng dẫn 19 đơn vị sản xuất mới tham gia OCOP, nâng tổng số đơn vị là 148 đơn vị.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Phát hiện hàng nghìn sản phẩm hàng lậu, không rõ nguồn gốc
15:28, 03/08/2019
Thủy sản Quảng Ninh chật vật bước vào thị trường Trung Quốc qua “cửa hẹp”
11:23, 03/08/2019
Quảng Ninh: Đề nghị đưa 2 nhà máy xi măng ra khỏi quy hoạch
06:22, 02/08/2019
Ông Đinh Bá Trinh, Trưởng Phòng nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, tháng 6 vừa qua, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh đã tiến hành kiểm tra 27 sản phẩm, tương ứng với 100% sản phẩm phải đăng ký cấp lại sao của 22 đơn vị sản xuất tại 10 địa phương. Quá trình kiểm tra đã phát hiện một số sản phẩm không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu sản phẩm, như: Trà hoa vàng Came Gold của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh; nước mắm sá sùng Cái Rồng của Công ty CP Thủy sản Cái Rồng... Ban chỉ đạo OCOP tỉnh đã đề nghị tạm dừng cấp lại chứng nhận để xem xét nhãn hiệu đối với 2 sản phẩm này.
Theo thông tin từ Sở KH&CN Quảng Ninh, mới có trên 250/402 sản phẩm OCOP đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Một số địa phương, như huyện Đầm Hà có 11/28 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu; huyện Hoành Bồ có 20/29 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn với số sản phẩm OCOP hiện có của Quảng Ninh.
Hiện nay, để giữ vững thương hiệu cho các đơn vị, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành xác định danh mục sản phẩm OCOP để làm căn cứ đề xuất, đăng ký bổ sung với Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, yêu cầu các địa phương hướng dẫn các đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh thực hiện việc đăng ký bảo hộ, ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.