Hải Phòng: Trường học không phải là “công cụ” đấu tố

PHƯƠNG NGÂN 20/07/2021 07:10

Bất chấp dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ở Hải Phòng người ta vẫn "đấu tố" nhau trong trường học. Vụ "hiệu trưởng lạm thu" đã và đang làm "nóng" mạng xã hội.

Một buổi sáng tôi ngồi chờ một đối tác tại một cửa cơ quan, bỗng có mấy bác xe ôm nói chuyện vu vơ: “Các ông có nghe gì về vụ trường THCS Ngô Quyền không nhỉ?”, một bác khác chẹp môi: “Ôi dào, vụ tố hiệu trưởng lạm thu chứ gì? Lại là "đấu tố", các ông bà ấy bây giờ có nghĩ đến cảm xúc của học sinh đâu”.

Đó chính là một câu thốt lên rất thật của người dân. Họ không quan tâm câu chuyện đúng sai trong một nhà trường, cái mà họ thực sự mong mỏi là khi con em mình bước chân đến trường được học tập trong môi trường bình yên, lành mạnh.

Trường học là nơi các em học sinh được học tập và vui chơi

Trường học là nơi các em học sinh được học tập và vui chơi

Bất kể một ngôi trường nào trên lãnh thổ Việt Nam đều có một khẩu hiệu rất to treo trang trọng ngay chính nhà trường, đó là: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Điều đó khẳng định, bất kể một cá nhân, một thành viên nào của trường học khi đến trường thì mục tiêu quan trọng nhất là vì học sinh.

Câu chuyện trường THCS Ngô Quyền (TP Hải Phòng) mà người dân bàn tán chính là lùm xùm trên các diễn đàn mấy ngày nay về việc “đấu tố” hiệu trưởng của trường có “dấu hiệu” lạm dụng chức quyền để lạm thu tiền. Nhưng chúng ta hãy tạm gác câu chuyện của trường THCS Ngô Quyền lại để phân tích về thực trạng của giáo dục hiện nay.

Chắc hẳn, trong chúng ta đã từng biết đến “người đương thời” Đỗ Việt Khoa nổi lên như một người hùng những năm 2006, 2007 vì đấu tranh chống tiêu cực trong nhà trường. Đó là "phát súng" đầu tiên để chúng ta hiểu rằng vốn dĩ giáo dục không hề “lành” như ta vẫn quan điểm.

Và chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ cô giáo bị phụ huynh bắt quỳ xin lỗi năm 2018 ở Long An. Cũng trong năm 2018, cả nước lại xôn xao về việc cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau bảng tại Hải Phòng. Đó có lẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh về thực trạng của “tảng băng chìm” trong ngành giáo dục những năm vừa qua.

Tôi nhớ những năm 90, chúng tôi đi học vui lắm, thầy cô và học trò ríu rít như tình thân. Trong suy nghĩ của chúng tôi, hình ảnh thầy cô giáo đơn thuần và mộc mạc lắm. Tôi cũng không thể quên được hình ảnh cô giáo của mình mặc chiếc áo hoa và quần âu đạp chiếc xe đạp cũ, trên giỏ xe là bó hoa học sinh tặng nhân ngày nhà giáo Việt Nam, mặt cô rạng rỡ và hạnh phúc. Những năm tháng sau này, chúng tôi vẫn mãi nhớ về cô giáo của mình, cứ mỗi dịp kỷ niệm chúng tôi lại về thăm cô.

Trường THCS Ngô Quyền, TP Hải Phòng

Trường THCS Ngô Quyền, quận Lê Chân, TP Hải Phòng

Quay trở lại câu chuyện của trường THCS Ngô Quyền được người dân đang bàn tán, đó là việc “có người” đã làm đơn tố cáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương lạm dụng chức quyền lạm thu trong năm học 2019-2020. Trong lúc dịch COVID-19 đang căng thẳng ở TP Hồ Chí Minh thì sự việc trường THCS Ngô Quyền dường như còn "nóng" hơn cả dịch bệnh.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND quận Lê Chân, TP Hải Phòng đã 2 lần “khẩn trương” về trường xác minh và kiểm tra những thông tin nhận được. Xoay quanh câu chuyện này, các bài báo, các diễn đàn cùng nhau “mổ xẻ”. Thậm chí có học sinh lên trang cá nhân của mình viết về cảm xúc với cô hiệu trưởng để “minh oan” cho cô nhưng cũng bị đẩy đi quá xa và thành một đề tài cho báo chí đưa tin.

Bản thân cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương cũng làm các kiến nghị để giải trình những thắc mắc xoay quanh sự việc. Bà Thu Hương chia sẻ:“Tôi rất bất ngờ khi biết tin những đồng nghiệp của tôi kiến nghị về việc tôi lạm thu, vì qua các cuộc họp chi bộ, họp hội đồng, hội nghị cha mẹ học sinh năm học 2019-2020 thì không hề có bất kỳ một ý kiến nào nhưng lại lặng lẽ đưa vượt cấp lên bên trên. Nhà trường có Ban giám hiệu, có chi bộ Đảng, nếu thấy tôi làm việc chưa đúng hay thỏa đáng thì trước tiên nên đưa ra cuộc họp chứ không nên đưa vượt cấp như vậy. Bao cố gắng xây dựng khối đoàn kết trong trường bị ảnh hưởng trầm trọng”.

Bên cạnh đó là ý kiến của ông Lưu Kim Sơn - Trưởng ban đại điện Hội cha mẹ phụ huynh học sinh trường: “Tôi làm nhiệm vụ này cũng đã 8 năm. 8 năm qua năm nào cũng thu chi như thế, minh bạch như thế nhưng năm học vừa rồi tự nhiên có đơn tố cáo. Mà tố cáo cái gì, tố cáo khoản tiền mà phụ huynh chúng tôi tự nguyện đóng góp. Chúng tôi không ý kiến gì thế mà giáo viên lại ý kiến hiệu trưởng, trong khi chúng tôi mới là người quyết định tiền của mình làm gì”.

Có lẽ tâm tư đó của ông Sơn cũng là tâm tư của rất nhiều phụ huynh đang cho con học ở trường THCS Ngô Quyền nói riêng và các trường học nói chung.

Tục ngữ xưa có câu:

“Dạy con từ thuở tiểu sinh

Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi

Học cho "cách vật trí tri"

Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông”.

Tất cả phụ huynh đều muốn các con mình khi đến trường ngoài việc học kiến thức ra còn được các thầy cô chỉ dạy về văn hóa, về ứng xử, về đối nhân và đạo của một người quân tử như thế nào.

Đã đến lúc các cấp chính quyền cần vào cuộc để chấm dứt và bình ổn việc này. Không có gì quan trọng hơn việc học sinh đến trường phải thấy an tâm và yêu mến ngôi trường mình đang học. Xin đừng để con trẻ non nớt bị cuốn vào vòng xoáy “đấu đá” của những người mà các con đã rất yêu quý và kính trọng gọi hai tiếng “thầy cô”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển các dự án du lịch

    Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển các dự án du lịch

    20:19, 19/07/2021

  • Hải Phòng

    Hải Phòng "tung" giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch COVID-19

    12:31, 19/07/2021

  • Hải Phòng: Kiểm tra, xử lý doanh nghiệp xây tường bao, lấp kênh thuỷ lợi

    Hải Phòng: Kiểm tra, xử lý doanh nghiệp xây tường bao, lấp kênh thuỷ lợi

    12:05, 19/07/2021

  • Hải Phòng: Ngành logistics kiệt quệ sau “bão” COVID-19

    Hải Phòng: Ngành logistics kiệt quệ sau “bão” COVID-19

    05:20, 19/07/2021

  • Hải Phòng: Tìm và giải quyết vì sao người dân không chọn đi xe buýt?

    Hải Phòng: Tìm và giải quyết vì sao người dân không chọn đi xe buýt?

    01:04, 19/07/2021

PHƯƠNG NGÂN