Bình Dương xin được tiêm vắc xin Nano Covax cho công nhân
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương đã “xung phong” xin được tiêm vắc xin Nano Covax sản xuất trong nước.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc xin tham gia chương trình tiêm thí điểm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3 (được triển khai từ giữa tháng 6/2021 và dự kiến kết thúc trong tháng 8/2021).
Đáng chú ý, số lượng vắc xin mà Bình Dương đăng ký thử nghiệm lên tới 200.000 người; chiếm khoảng 16% trong tổng số hơn 1,2 triệu người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trong toàn tỉnh.
Lý giải về đề xuất này, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc đăng ký thử nghiệm vắc xin Nano Covax từ văn bản đề xuất của Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục phức tạp.
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, đề xuất đăng ký thử nghiệm tiên vắc xin Nano Covax số lượng lớn dù vắc xin này chưa chính thức được cấp phép vì ông và các thành viên Liên đoàn có niềm tin vào hiệu quả của vắc xin được sản xuất trong nước.
"Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí để tiêm vắc xin trong nước cho người lao động của mình. Giải pháp vắc xin vẫn là giải pháp tốt nhất để phòng chống COVID-19, rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm cũng như thiệt hại gây ra nếu người lao động bị nhiễm COVID-19", ông Mai Hữu Tín chia sẻ.
Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong toàn tỉnh, gồm các doanh nghiệp lớn và đại diện của tất cả các Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề trong địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bình Dương có nhiều người nhập cư, đóng góp hầu hết lực lượng lao động tại các nhà máy, xí nghiệp. Tính tới tối 2/8, tỉnh Bình Dương đã có 17.796 ca nhiễm và dự kiến số ca nhiễm có thể tăng lên 20.000 ca trong thời gian tới.
Mặc dù Bình Dương là địa bàn nóng thứ hai cả nước về COVID-19, chỉ sau TP.HCM, nhưng hiện nay lượng vắc xin vẫn còn rất thiếu. Hiện Bình Dương có kế hoạch tiêm vắc xin cho trên 95% công dân trên 18 tuổi (tổng nhu cầu 3,2 triệu liều), nhưng tới nay mới có 97.600 liều được tiêm và đang triển khai tiêm tiếp 285.000 liều từ nguồn phân bổ của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 1/8, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế, Học viện Quân y và Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký tham gia thử nghiệm đợt 3 vắc xin Nano Covax.
Theo UBND tỉnh này, Khánh Hòa là một trong các tỉnh, thành phố đang có tình hình dịch bệnh phức tạp. Tính đến 12h ngày 1-8, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này đã ghi nhận 2.226 ca mắc COVID-19.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và người dân Khánh Hòa đang tập trung triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để khoanh vùng, khống chế dịch bệnh, trong đó có phương án tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo số lượng được phân bổ.
"Với mong muốn góp phần đưa vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax sớm đi vào phục vụ người dân cả nước phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh Khánh Hòa kính đề nghị Bộ Y tế xem xét, đồng ý cho phép tỉnh Khánh Hòa tham gia thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3. Sau khi có ý kiến đồng ý và chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh Khánh Hòa cam kết sẽ lựa chọn các tình nguyện viên đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của Bộ Y tế tham gia thử nghiệm", văn bản của tỉnh Khánh Hòa nêu.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 28-7, toàn tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 4. Theo đó, tỉnh tiếp nhận 42.000 liều vắc xin Moderna và 5.850 liều vắc xin Pfizer từ Bộ Y tế để tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ.
Được biết, trong ngày 2/8, GS TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về rà soát tiến độ, thúc đẩy quá trình thử nghiệm lâm sàng, đôn đốc báo cáo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1, 2, 3 (a,b) của vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen sản xuất.
Công ty đang triển khai theo đề cương nghiên cứu. Cụ thể, pha 3 được thử nghiệm trên 13.000 người, chia làm 2 giai đoạn nhỏ (3a: 1.000 người và 3b: 12.000 người).
Kết quả D42 của 1.000 người pha 3a được thu thập cho thấy 100% đối tượng được tiêm Nanocovax có kháng thể trung hòa Surrogate trên ngưỡng 30%. 99,2% đối tượng chuyển đổi huyết thanh của kháng thể IgG kháng Protein S gấp 4 lần so với nền. Công ty tiếp tục theo dõi 1.000 đối tượng giai đoạn 3a và 12.000 đối tượng pha 3b theo đề cương nghiên cứu.
Song song với việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện, Công ty Nanogen cũng kiến nghị Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia xem xét việc triển khai nghiên cứu giai đoạn 3c (tiêm cho khoảng 500.000 - 1.000.000 người). Đồng thời, nghiên cứu trên trẻ em từ 12 đến 18 tuổi, sau khi được cấp phép.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ Y tế đề nghị Công ty Nanogen trước ngày 15/8, phải gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu pha 2 và bước đầu pha 3, từ đó Bộ Y tế có số liệu gửi Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công an bắt tạm giam cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam
21:02, 27/07/2021
Bình Dương bùng dịch do không kiểm soát được nguồn lây
05:03, 14/07/2021
Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin mRNA phòng COVID-19
19:19, 02/08/2021
TP.HCM sẽ tiêm cả 3 loại vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 5
16:01, 19/07/2021
Phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc
11:13, 10/07/2021