CẢM XÚC XUÂN: Bạn đã sống đúng nghĩa?

TRẦN QUỐC HÙNG (03.03 chung cư Riva Park, số 504 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TP.HCM) 19/01/2022 05:00

Sống hiểu theo nghĩa ở đây là cách sống trải nghiệm, chứ không phải theo nghĩa đen là tồn tại!

>>“CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp

Tôi gọi những người ấy là bạn chứ không phải là họ, mặc dù trong số những người ấy, có người thực sự là bạn bè, là người nhà của tôi và những người tôi chưa từng gặp mặt, chưa từng quen biết.

Những người ấy là những người đi đầu trong cuộc chiến sinh tử: Chống đại dịch COVID-19!

Bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM chuẩn bị vào ca trực chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Đào Xuân

Bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM chuẩn bị vào ca trực chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Đào Xuân 

Trong cuộc sống muôn màu, tùy theo điều kiện và môi trường sống của mỗi người, có nhiều người chọn cách sống khác nhau: sống an toàn, sống phiêu lưu, sống hưởng thụ, sống buông bỏ… Quan điểm sống của mỗi người như thế nào, đó là quyền cá nhân của họ. Tôi tôn trọng quyền cá nhân của mỗi người. Tôi thích sự khác biệt ở mỗi người.

Nhưng cuộc sống có trải nghiệm là cuộc sống sâu sắc nhất. Jean Jacques Rousseau (nhà triết học người Pháp) đã nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”

Đặc biệt, trải nghiệm qua dấn thân vào cuộc chiến sinh tử, đồng hành cùng những người trên tuyến đầu trong cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 lại càng tuyệt vời hơn nữa. Không thể có từ nào diễn tả hết cuộc trải nghiệm có một không hai này.

Những người đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19; là các tình nguyện viên đồng hành cùng công tác phòng chống dịch; những người làm công tác từ thiện xã hội không ngại virus của đại dịch rình rập tấn công mình bất cứ lúc nào…

Tham gia nơi tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 là các bạn phải bỏ thời gian, công sức, tính mạng… để dồn nguồn lực vào tuyến đầu. Sự trải nghiệm của các bác sĩ, điều dưỡng đôi khi vắt cạn đến hơi tàn, lực kiệt. Một bác sĩ, điều dưỡng không phải chăm sóc 5 - 10 bệnh nhân như giai đoạn bình thường mà chăm sóc đến cả 100 bệnh nhân mắc COVID-19. 

Bác sĩ Thái Xuân Đào, Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM tự tin trước ca trực chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Đào Xuân

Bác sĩ Thái Xuân Đào, Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM tự tin trước ca trực chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Đào Xuân 

>>CẢM XÚC XUÂN: Tết đơn giản trong suy nghĩ giản đơn

Sự trải nghiệm của các bạn tình nguyện viên có khi phải dấn thân vào những “vùng đỏ” căng thẳng, nguy cơ virus chết người có thể tấn công bất cứ lúc nào. Sự trải nghiệm của những người nơi tuyến đầu nhiều khi phải gác lại những ấm áp tình thân gia đình hằng ngày, bởi tham gia công tác chống dịch, các bạn phải hoàn thành cách ly y tế xong mới được trở về với vòng tay người thân, thậm chí có những bạn đã mãi mãi ra đi.

Tham gia nơi tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 là phải chạy đua với thời gian. Có những bạn quen ngủ đúng giờ, nay phải thức thâu đêm để tập trung cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19. Có những bạn quen ngồi phòng máy lạnh, nay miệt mài bước chân giữa trưa nắng gắt để kịp đem bình oxy đến cho các bệnh nhân. Còn những bạn không kịp ăn đúng bữa thì nhiều vô kể vì sự sống của các bệnh nhân COVID-19 luôn trông chờ sự chăm sóc của các bạn từng phút, từng giây.

Rất khó phải kể một câu chuyện cảm động về những hy sinh thầm lặng của những người nơi tuyến đầu, bởi trong đại dịch COVID-19 đã có hàng nghìn câu chuyện như thế. Vô số câu chuyện, hình ảnh xúc động đã được lên mặt báo, mạng xã hội. Điều quan trọng hơn việc ngồi kể lại câu chuyện đã thấy là chúng ta tri ân tất cả những người bạn đã dũng cảm nơi tuyến đầu để xã hội có cuộc sống yên bình ngày hôm nay.

Tất cả những người nơi tuyến đầu đều có chung một tấm lòng nhân hậu, một trái tim nhân ái, sẵn sàng quên mình lao vào những điểm nóng của đại dịch để cứu chữa bệnh nhân; lao vào nơi khó khăn nhất để chia sẻ cho bà con nghèo khó những bình oxy, bịch gạo, thùng mì, bó rau, chai nước tương…

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM vẫn tự tin trước ca trực chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Đào Xuân

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM vẫn tự tin trước ca trực chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Đào Xuân 

Chúng ta không cổ súy, ủng hộ cho cách sống liều lĩnh hay liều mạng. Nhưng cuộc sống an lành, yên bình như ngày hôm nay có một phần đóng góp rất lớn của những người bạn nơi tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19. Những người bạn ấy đã sống nghĩ đến xã hội, nghĩ đến đồng loại. Những người bạn ấy đã có trải nghiệm sống quý giá trong cuộc đời mình mà không dễ gì có được lần thứ hai. Sự trải nghiệm quý giá ấy không chỉ tạo ra lối sống tích cực, giúp người, giúp đời mà còn lan tỏa tâm hồn tốt đẹp đó cho bạn bè, người thân,…

Chúng ta đã trải qua hai cái Tết (2020, 2021) gồng mình trong đại dịch COVID-19. Chúng ta đang chuẩn bị đón Tết nguyên đán thứ ba (2022) khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa giảm hẳn.

Tết Nguyên đán là dịp sum vầy, đoàn tụ của gia đình. Không cứ người đi học, đi làm xa quê mới đoàn tụ mà ngay cả các thành viên sống trong một nhà hằng ngày mới có dịp dành nhiều thời gian cho nhau hơn vào dịp Tết. Tết Nguyên đán 2022 năm nay, có lẽ một vài gia đình thiếu vắng tiếng cười, lời chúc của một thành viên nào đó, bởi sự ra đi của họ trong đại dịch COVID-19. Đặc biệt, sự ra đi của người nơi tuyến đầu lại càng đem đến cho chúng ta nỗi xúc động không thể tả, lời cảm ơn không bao giờ đủ. Sự ra đi đầy ý nghĩa của các bạn ấy là hình ảnh đẹp nhất của gia đình, của xã hội.

Đại dịch không thể kéo dài. Công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay đã ở mức cao hơn so với giữa năm 2021: Tiêm vaccine phòng ngừa đã phủ nhiều hơn với dân số; miễn dịch cộng đồng đã cao hơn; các biện pháp 5K vẫn duy trì thường xuyên. Cuộc sống rồi sẽ hồi sinh ở những nơi vùng dịch đi qua. Một năm mới đến đang đem lại nhiều hy vọng cho mỗi người về cuộc sống sẽ bình yên, công ăn việc làm ổn định, học sinh lại cắp sách đến trường.

Trong cuộc đời mỗi người, chắc chắn có một thời điểm nào đó, họ sẽ có được sự trải nghiệm đáng nhớ với cuộc sống của mình. Chỉ qua trải nghiệm thử thách, tâm hồn và tính cách của mỗi người mới hình thành rõ nét hơn. Với tôi, những người bạn đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là những người đáng trân trọng. Sự trải nghiệm sống của các bạn không chỉ là cách sống của riêng mình mà còn lan tỏa nhiều tâm hồn cao đẹp, sống vì đồng bào, vì đồng loại.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.

Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

TRẦN QUỐC HÙNG (03.03 chung cư Riva Park, số 504 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TP.HCM)