Hàng nghìn du khách vãn cảnh chùa Keo chiêm ngưỡng bảo vật Quốc gia

KHÁNH LINH 04/02/2022 15:32

Trong sáng 4/2, đã có hàng nghìn du khách đổ về chùa Keo vãn cảnh, bái vọng, cầu ước những điều tốt lành trong năm mới Nhâm Dần 2022.

 >>>CẢM XÚC XUÂN: Tranh Hàng Trống và thú chơi tranh ngày Tết của người Hà Nội

Ngày 4/2 (mùng 4 Tết), do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND huyện Vũ Thư không tổ chức lễ hội chùa Keo mùa Xuân nhưng tập tục thổi xôi dâng Phật, Thánh và lễ mở cửa đền Thánh vẫn được thực hiện, duy trì tập tục truyền thống bao đời nay tại quần thể di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Sau phần nghi lễ, chùa Keo mở cửa cho phật tử và khách thập phương đến dâng hương lễ Phật, Thánh. Người dân đi lễ thực hiện 5K, quyét QR hoặc khai báo y tế phòng chống dịch.

Nghi lễ mở cửa đền Thánh

Nghi lễ mở cửa đền Thánh

Có mặt tại Di tích đặc biệt Quốc gia chùa Keo sáng 4/2, sau phần nghi lễ theo phong tục truyền thống là kéo lửa thổi xôi cúng Phật, Thánh và mở cửa đền Thánh cổng chùa mới được mở để du khách vào dâng hương. Theo ghi nhận, lượng khách đổ về chùa Keo khá đông, tất cả thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng chống dịch.

Ông Vũ Ngọc Khuê, đại diện Ban Quản lý di tích chùa Keo cho biết, ngay trong sáng 4/2, đã có hàng nghìn du khách đổ về đây vãn cảnh, bái vọng, cầu ước những điều tốt lành trong năm mới Nhâm Dần 2022.

Chùa là một công trình vĩ đại về mặt kiến trúc và mỹ thuật; được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962 (đợt xếp hạng di tích quốc gia đầu tiên); năm 2012, chùa Keo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; năm 2017, lễ hội chùa Keo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chùa Keo thờ Phật và thờ Thánh Dương Không Lộ.

Tháp chuông chùa Keo

Tháp chuông chùa Keo

Điểm nhấn của Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo phải kể đến gác chuông, với chất liệu gỗ dựng theo kiểu chồng diêm ba tầng, 12 mái với kết cấu gần 100 đầu voi, tạo vẻ trầm mặc, thâm nghiêm. Đây cũng là biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình.

Trải qua biến cố lịch sử, mưa nắng thời gian, chùa Keo Thái Bình vẫn bảo tồn, lưu giữ được 17 công trình kiến trúc như tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, khu tăng xá, vườn tháp…

Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, được công nhận Bảo vật Quốc gia ngày 25-12-2021

Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, được công nhận Bảo vật Quốc gia ngày 25-12-2021

Điểm đặc biệt, Ngày 25-12-2021, Hương án chùa Keo Thái Bình cùng với 22 hiện vật ở các tỉnh, thành khác trên cả nước đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2189/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (Đợt 10).

Hương án chùa Keo có dạng hình hộp chữ nhật được kết cấu 3 phần chính: mặt, thân và chân, được tạo tác từ chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng. Hiện vật có kích thước lớn: Dài 227,0 cm; rộng 156,0 cm; cao 153,0 cm; có hình dáng đặc biệt (chân quỳ dạ cá), được trang trí hoa văn dầy đặc với các họa tiết “ lưỡng long chầu nguyệt”, “long ẩn vân’, “long giáng” cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu...; người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, trổ thủng để tạo khối nổi, khối chìm,tạo ra tầng tầng, lớp lớp hoa văn, sau đó sơn son, thếp vàng để tạo ra một Hương án sang trọng, đặt ở nơi thờ tự tôn nghiêm - đền thờ Thánh chùa Keo Thái Bình.

>>CẢM XÚC XUÂN: Nhớ mùi bùn non sớm Xuân nay...

Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, có kích thước lớn và nặng lên dưới chân Hương án có gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy để di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ Hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên. Có lẽ chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm (từ thế kỷ XVII đến nay) Hương án chùa Keo Thái Bình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Với các giá trị về lịch sử, khoa học và thẩm mỹ đó, ngày 25 tháng 12 năm 2021 Hương án chùa Keo Thái Bình cùng với 22 hiện vật thuộc các tỉnh khác đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2189/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (Đợt 10); đây là hiện vật thứ hai của tỉnh Thái Bình được công nhận là bảo vật quốc gia, trước đó Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng, niên đại thế kỷ XVII là hiện vật thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Bình đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2019.

Hàng nghìn du khách đến chùa Keo mùng 4 Tết lễ Phật, Thánh và chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia Hương án chùa Keo

Hàng nghìn du khách đến chùa Keo mùng 4 Tết lễ Phật, Thánh và chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia Hương án chùa Keo

Du khách đến chùa Keo thực hiện nghiêm 5K phòng chống dịch Covid-19

Du khách đến chùa Keo thực hiện nghiêm 5K phòng chống dịch COVID-19

Có thể bạn quan tâm

  • CẢM XÚC XUÂN: Tranh Hàng Trống và thú chơi tranh ngày Tết của người Hà Nội

    CẢM XÚC XUÂN: Tranh Hàng Trống và thú chơi tranh ngày Tết của người Hà Nội

    03:02, 04/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Nhớ mùi bùn non sớm Xuân nay...

    CẢM XÚC XUÂN: Nhớ mùi bùn non sớm Xuân nay...

    16:54, 03/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Thanh tịnh Tam Chúc những ngày đầu năm

    CẢM XÚC XUÂN: Thanh tịnh Tam Chúc những ngày đầu năm

    11:00, 03/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Cá nướng Thái Xuyên… vị của Tết

    CẢM XÚC XUÂN: Cá nướng Thái Xuyên… vị của Tết

    04:00, 03/02/2022

KHÁNH LINH