Trên nền chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Đinh, chùa Tam Chúc mới được xây dựng tọa lạc trong một khung cảnh thơ mộng giữa non nước hữu tình, không gian yên bình, khoáng đạt.
Chùa Tam Chúc cách Hà Nội khoảng 1,5 tiếng chạy xe ô tô, cách chùa Hương khoảng 8km và gần với chùa Bái Đính (Ninh Bình) tạo nên một quần thể tâm linh Hà Nội – Hà Nam – Ninh Bình. Bởi vậy, các vị khách thường ghé thăm cả ba điểm trong khoảng thời gian 2 – 3 ngày.
Thoát khỏi con đường cao tốc Quốc lộ 1 vốn tập nập xe cộ, xuôi theo đường 21, Tam Chúc đã thấp thoáng xa xa. Quần thể chùa Tam Chúc Ba Sao Hà Nam thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Choáng ngợp, là cảm giác đầu tiên của bất cứ ai khi đến Tam Chúc. Một kỳ quan về Phật giáo được xây được xây dựng trong quần thể rộng đến 5000 ha với khuôn viên hồ nước, núi đá vôi, rừng tự nhiên. Hãy sẵn sàng một đôi giày đế mềm, một tâm hồn thanh tịnh và bước vào thế giới của yên bình qua cánh cổng Tam Quan. Nếu đi thuyền, bạn sẽ mất khoảng 20 – 25 phút vì thuyền đi khá chậm. Nhưng bù lại bạn sẽ có thể ngắm cảnh quan hồ nước mênh mông, chim muông bay rợp trời, và tham quan đình Tam Chúc ở giữa hồ. Ngồi trên thuyền cảm giác sẽ khá thi vị. Trong khi đi xe điện thì chưa đến 10 phút là đến đến trước cổng Tam Quan nội. Tuy nhiên, nếu đi xe điện bạn sẽ không tham quan được đình Tam Chúc.
Chùa Tam Chúc là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới. Tam Chúc sở hữu khung cảnh non nước hữu tình ngoạn mục với hồ nước trong sanh rộng đến cả ngàn ha. Truyền thuyết kể rằng 7 ngọn núi phía sau chùa chính là 7 nàng tiên trên trời xuống dạo chơi dưới nhân gian và bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của vùng núi non Tam Chúc đến quên lối về. Nhà trời đã sáu lần mang chuông xuống rung gọi các nàng về trời, nhưng lần nào tiếng chuông cũng rơi xuống lòng hồ, thấm vào đá núi, vào mênh mang hạ giới. Sự tích “Tiền lục nhạc – Hậu thất tinh” khởi nguồn từ đó, với 6 mỏm núi trên mặt hồ trước mặt chùa tượng trưng cho 6 quả chuông của Nhà trời, và phía sau chùa là 7 ngọn núi đẹp toả sáng như 7 nàng tiên kiều diễm.
>>CẢM XÚC XUÂN: Tết đơn giản trong suy nghĩ giản đơn
Vườn Cột Kinh nằm ngay sau cổng Tam quan. 99 cột bằng đá, mỗi cột đá có trọng lượng lên tới 200 tấn và cao 13,5m. Những lời Phật dạy được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức.
Một trong những công trình chủ đạo của Chùa Tam Chúc là Điện Tam Thế. Trong sảnh chính của điện là ba pho tượng Phật – Tam Thế bằng đồng đen đại diện cho QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI và VỊ LAI. Mỗi pho tượng có trọng lượng khoảng hơn 80 tấn và phía sau mỗi bức tượng là một cánh sen dát vàng.
Điện Tam Thế rộng đến mức khoảng 1.500 Phật tử có thể cử hành lễ cùng một lúc. Đứng trước Điện thờ rộng lớn, con người bỗng trở nên thật nhỏ bé. Không gian và dòng chảy thời gian của mỗi đời người đều phải đi qua. Chiêm nghiệm về cuộc đời trong hương trầm phảng phất và không gian trang nghiêm, tĩnh lặng, hãy ngồi lại nơi điện thờ, tĩnh tâm thiền định về quá khứ, hiện tại và vị lai của chính mình.
Điện Pháp Chủ nằm dưới điện Tam Thế ấn tượng với 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn. Với các Phật tử, nơi đây là hành trình nhìn lại cuộc đời của Đức Phật và giác ngộ. Với những vị khách đến chùa, họ sẽ hiểu rõ hơn về Đức Thích Ca với các điển tích nổi bật nhất về cuộc đời của Ngài.
Điện Quan Âm thờ Phật nghìn tay nghìn mắt, là một kho tàng phong phú với những tích chuyện về tấm lòng từ bi, nhân hậu của Đức Phật, thể hiện qua các lần ứng thân trải qua vô số kiếp luân hồi.
Chùa Ngọc có chiều cao 15m được xây dựng bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn.
Đình Tam Chúc hiện nay là một công trình kiến trúc được phục dựng giữa lòng hồ Tam Chúc. Đình làng Tam Chúc nằm trên một hòn đảo nhỏ với một lối đi vào bằng đường bộ mang kiến trúc đặc trưng của đình đền Bắc Bộ. Đình làng Tam Chúc xưa thờ Hoàng hậu nhà Đinh Dương Thị Nguyệt, Đinh Tiên Hoàng Đế và thần Bạch Mã. Sự tích kể rằng khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, đã đến vùng Kim Bảng ngày nay chiêu mộ binh mã, tích trữ lương thảo đã tiến đến đền thần Linh Lang Bạch Mã cầu đảo. Khi lên ngôi Hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng lệnh cho dân Kim Bảng lập đền thờ Thần Linh Lang Bạch Mã.
Trong khuôn viên rộng lớn của Tam Chúc còn có 12.000 bức tranh đá về cuộc đời Đức Phật do người những người thợ Indonesia tạc từ đá núi lửa sau đó chuyển sang Việt Nam.
Đi chùa cầu bình an những ngày đầu năm mới vốn là nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam. Vào những ngày này, rất đông Phật tử đến Tam Chúc. Do dịch bệnh nên chùa không tổ chức Lễ hội nhưng vẫn mở cửa cho du khách tham quan. Thực hiện 5K và các yêu cầu chống dịch và dành thời gian ở nơi thanh tịnh, cho một năm cũ qua đi và một năm mới hi vọng đang đến. Ở góc điện, tiếng kinh kệ khe khẽ. Trầm mặc và an bình.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phát động diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” khởi tạo không gian để bạn đọc viết lên những cảm xúc chất chứa tâm tư tiễn đưa năm cũ, đón năm mới; nguyện vọng, sáng kiến, hiến kế để thích ứng tốt hơn với dịch bệnh; phản ánh cô đọng các vấn đề của cuộc sống địa phương cũng như đất nước.
Bài viết có thể dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, bút ký, tùy bút, tản văn,… gửi về địa chỉ email camxucxuan@dddn.com.vn.
Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.
Trân trọng cảm ơn.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 24/01/2022
04:00, 23/01/2022
03:00, 23/01/2022
06:31, 22/01/2022
05:00, 22/01/2022
04:00, 21/01/2022
05:00, 19/01/2022
05:00, 18/01/2022
04:04, 16/01/2022
02:00, 09/01/2022