Chuyện chép ở "thiên đường du lịch"
Bán cho người nước ngoài bao giờ người bán hàng cũng không “hét” cao như bán cho người Việt.
>>>Tiếng khèn nghiêng ngả đêm tình Sapa
Một lần dẫn mấy người bạn nước ngoài đi du lịch, tôi tình cờ nghe được mẩu đối thoại ngắn trước cửa một khách sạn ở Sa Pa giữa một nhóm du khách nước ngoài với chủ khách sạn và hai du khách Việt Nam: “Bao nhiêu tiền một người?” - vị khách ngoại hỏi. “Năm đô!”. “Ba đô thôi!”. “Bốn đô?”. “Không! Ba đô!”. “OK! Sang ơi, dẫn mấy thằng “khoai tây” này lên phòng!”. “Sao bọn nó chỉ có ba đô một phòng mà bọn em là khách Việt chị lại lấy hai trăm (hai trăm ngàn)? Gì mà chặt chém nhau thế!”- khách Việt phản ứng.
“Mấy thằng “khoai tây” này ở ghép em ạ, phòng cũng chẳng ra gì! Chị xếp cho em phòng đẹp, đảm bảo miễn chê luôn...”. Hai người khách Việt vẫn còn hậm hực, tỏ ra chưa cảm thấy hài lòng với lời giải thích của chủ khách sạn, định phản ứng tiếp thì bất ngờ một trong số những khách ngoại lên tiếng (tiếng Việt hẳn hoi, nói rất sõi): “Khoai tây”? - anh chỉ vào ngực mình - Còn đây là “khoai ta”? - chỉ vào người khách Việt - Lạ thật! - vị khách người nước ngoài lẩm bẩm - Chưa từng nghe thấy bao giờ...”. Nhưng anh vẫn cười đầy ý nhị, rồi nhún vai đi lên phòng mặc cho hai khách Việt đang còn đứng "há hốc mồm" vì ngạc nhiên. Chị chủ khách sạn nhìn theo nói như trấn an: “Kệ đi, chị đón nhiều khách như thằng này rồi, chúng nó chỉ đến một lần thôi! Bọn tây balô làm gì có tiền, đi du lịch bằng tiền trợ cấp nên chúng nó “ranh” lắm...”.
>>>Giữ một nét gì rất Huế...
Warren rủ tôi ra đường. Đêm Sa Pa sương giăng mờ mịt, đi cách nhau vài bước cũng không thấy rõ mặt người. Vào một đại lý ven đường, Warren lấy một chai nước suối, không cần hỏi giá anh đưa tờ 10.000 đồng và đứng chờ người bán hàng trả lại 4.000 đồng. Tình cờ hai người khách Việt Nam tôi gặp ở cửa khách sạn lúc sáng cũng ghé vào đây mua chai nước. “10.000!”- người bán hàng lạnh lùng thu tiền. Đợi cho hai người khách đi khỏi, tôi hỏi chị ta: “Sao chị bán cho khách nước ngoài chỉ 6.000 đồng mà bán cho khách Việt lại lấy 10.000 đồng?”. Chị bán hàng thản nhiên: “Bọn “khoai tây” nó biết rất rõ giá vì có cả trong cuốn cẩm nang du lịch của bọn nó rồi, bán cho bọn nó chỉ lãi tí ti thôi, đắt chúng nó không mua nữa mà bỏ sang hàng khác. Bọn chị chủ yếu bán cho khách Việt là chính, đi du lịch nên chẳng mấy khi họ kỳ kèo một vài nghìn làm gì cho mệt. Ở đây hàng nào cũng thế cả! Không tin em cứ đi chỗ khác mà xem...”
Không biết từ bao giờ những người làm du lịch ở Sa Pa (và rất nhiều nơi khác nữa, ngay cả ở thủ đô Hà Nội văn minh thanh lịch cũng thế) gọi du khách, những “thượng đế” của mình như vậy? Còn giá cả tại các điểm du lịch, bán cho người nước ngoài bao giờ người bán hàng cũng không “hét” cao như bán cho người Việt.
Hỏi họ, tôi đều nhận được câu trả lời kiểu “việc tất nhiên nó phải thế”! Chẳng hay ho gì khi đề cập đến những chuyện có phần tế nhị như thế này nhưng nó đã để lại một ấn tượng xấu, thật xấu đối với du khách, cả Tây lẫn ta.
Có thể bạn quan tâm