[CẢM XÚC XUÂN] Tết giữa non ngàn
Tết là dịp mặc đẹp đi thăm thú anh em, họ hàng khắp làng trên bản dưới, uống với nhau bát rượu, ăn chung nồi thắng cố... kẻo lâu không gặp lại nhớ mặt quên tên...
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Mùng ba cúng gà nướng nồi đất
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Cái Tết của người Tày
Ngược Tây Bắc trong những ngày cuối năm giá lạnh, khi mà người Kinh dưới xuôi vẫn còn đang tất bật chạy ngược chạy xuôi giữa bộn bề công việc, đua với thời gian cố gắng “thanh toán” nốt những cái gạch- đầu- dòng đã được lên lịch từ mùa xuân trước vẫn còn dang dở; khi mà có người còn bấm đốt ngón tay thở dài ngao ngán: “Chỉ còn hơn tháng nữa thôi, Tết “đến đít” rồi...”, rồi lại bù đầu vào công việc, đặng kiếm thêm chút lương- thưởng cuối năm để có thể thanh thản đón cái Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, kẻo để vắt sang năm mới sẽ bị “dông cả năm”.
Tâm lý người Việt mình bao đời nay đã vậy, giờ vẫn không thay đổi. Nhiều người còn gắng làm việc tới tận chiều 29- 30 Tết, ngẩng lên nhìn, thấy đường phố thênh thang khác hẳn với cái cảnh ồn ã, chen lấn, xô bồ, náo nhiệt thường ngày, mới giật mình, quáng quàng chạy vội ra chợ sắm sanh vài thứ cho đủ lệ bộ, kịp về “tống cựu nghinh tân” cho phù hợp với xu thế chung. Đợi đến giao thừa, cúng ông bà xong, sau đó là ngủ vùi ba ngày Tết như để bù lại suốt một năm “chạy marathon” bận rộn với cả những việc có tên và không tên. Tết, vì vậy, với một số người, giờ chỉ còn trong tâm tưởng, như những ẩn ức đẹp. Tết- giờ chỉ còn tồn tại như một thứ nghi lễ bắt buộc, ở góc độ nào đó có thể gây phiền toái, nhưng không thể bỏ (?)
Tôi bắt chuyến xe khách duy nhất trong ngày xuất phát từ bến xe thị xã Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải. Chiếc xe già nua và cũ kĩ như một lão già ho hen chất lên mình cơ man nào là hàng hóa, nhu yếu phẩm. “Để phục vụ bà con mình trên đó đón Tết!”- gã lơ xe nháy mắt cười, đoạn thò đầu qua cửa xe gõ phành phành: “Ai đi Mù Cang Chải lên xe đi ngay...”. Xe lượn quanh thị xã, qua chợ Mường Lò mấy vòng chóng mặt, đặng bắt thêm khách. Một đôi cô gái Thái đứng bên đường rụt rè đưa tay vẫy. “Xe này có đi Trạm Tấu không?”. “Có, nhưng về nhà anh, rồi mai anh đưa em đi Trạm Tấu...”- gã lơ xe cười khơ khơ, giơ tay vẫy vẫy. “Nói vậy chứ xe Trạm Tấu đi sau, các em ạ! Tới luôn, bác tài...”
Bỏ lại sau lưng cái thị xã vùng cao ồn ào chẳng khác gì dưới xuôi mình, chiếc xe ậm ạch bắt đầu ù ì leo dốc. Hiện ra trước cửa kính xe con đường mảnh như sợi chỉ, ngoằn ngoèo lúc lên cao, khi xuống thấp. Một bên vách đá dựng đứng, một bên là miệng vực, chốc chốc lại hiện ra những chân ruộng bậc thang đã qua mùa thu hoạch được coi là đẹp nhất vùng Tây Bắc, mềm mại như những xéo lụa xếp khéo, chỉ còn trơ lại những gốc rạ căm căm. Xe như trôi đi trong sương, qua nhiều núi đồi, qua những eo đèo trên cả ngoạn mục. Ông già người mông đi trên xe chốc chốc lại lôi điếu cày ra rít. Trời hanh hao nắng lạnh, câu chuyện ấm dần lên...
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Mùa xuân trong hoài niệm
>>>[CẢM XÚC XUÂN] Người dân TP.HCM nhộn nhịp đón xuân!
Trên những chuyến xe dọc đường Tây Bắc, đi nhiều, tôi đã không ít lần bắt gặp cái cảnh các cô cậu học trò người dân tộc vẫy xe đi nhờ mấy chục cây số để đến trường; nhưỡng người đàn bà Mông cắp nách con lợn, con gà xin quá giang đi chợ. Chưa bán được “hàng”, họ chưa có tiền trả, xin hẹn hôm sau. Ngay trên chuyến xe này cũng vậy! Một phụ nữ Mông bán con gà của mình cho gã lơ xe. Hỏi sao không bán ở chợ, chị cười, ríu rít thổ âm, khiến tôi không tài nào hiểu được. Gã lơ xe trở thành người phiên dịch bất đắc dĩ. Có gì đâu, con gà đáng ra giá 50.000 đồng nhưng ở chợ chỉ có người trả đến 49.999 đồng thì cũng không bán, người phụ nữ Mông này sẵn sàng mang còn gà về nuôi một tuần sau lại mang xuống chợ.
Chưa hết, trong cái tù mù hôi khắm của khói thuốc lào, ông già người Mông, miệng vừa phun khói khào khào vừa bán trứng. Vì không biết tính toán nên ông lão bán 10 xâu trứng (trứng gà được xâu trong chùm lá tranh buộc túm hai đầu) làm... 10 lần cho khách, có nghĩa là người mua phải trả tiền... 10 lần. Cứ bên này đưa trứng thì bên kia đưa tiền. Đưa tiền chẵn ông già người Mông sẽ... trả lại, chẳng thà mang trứng về bản cho gà ấp còn hơn...
Người dân tộc ở những vùng núi cao và mây mù Tây Bắc của tổ quốc bao giờ cũng ăn Tết sớm. Khi hoa đào, hoa mai, hoa mận e ấp bung những cánh đầu tiên, rập rờn cành nâu nụ biếc ven những cung đường núi hay trong vườn nhà, những mùa hoa sung mãn. Khi vụ lúa nương duy nhất trong năm đã được thu hoạch xong, thóc đã nằm im trong bồ, ngô sắn phần được cân cho cánh lái buôn đánh hàng theo những chuyến xe tải về xuôi lấy tiền sắm sánh tiêu Tết còn lại đã phơi mình trên gác bếp... thì đồng bào các dân tộc rục rịch sửa soạn đón cái Tết riêng theo truyền thống của dân tộc mình.
Tùy theo từng dân tộc mà Tết đến sớm hay muộn hơn: người Hà Nhì tính theo lịch mặt trăng, bao giờ cũng ăn Tết sớm vào khoảng cuối tháng 10 đầu thứng 11 âm lịch; người Mông ăn Tết vắt từ đầu tháng chạp năm nay sang tận cuối giêng năm sau, khi mà đã uống rượu hết ở các nhà trong bản, rượu rót tràn ra bát, liên tu bất tận... “Vất vả cả năm rồi, đã đến lúc phải được nghỉ ngơi. Con trâu, cái cày, cái cuốc, thửa ruộng bậc thang... cũng cần được nghỉ. Tết là dịp mặc đẹp đi thăm thú anh em, họ hàng khắp làng trên bản dưới, uống với nhau bát rượu, ăn chung nồi thắng cố... kẻo lâu không gặp lại nhớ mặt quên tên...”- cái lý của người Mông bao đời nay vẫn hồn nhiên đến vậy.
Người miền núi ở những vùng Tây Bắc của tổ quốc đón cái Tết cổ truyền của dân tộc như một thứ nghi lễ, trong không khí trang trọng, thành kính và thiêng liêng. Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu. Sau khi đã thực hiện đầy đủ nghi lễ cúng trời, đất, tổ tiên, ông bà... cỗ bàn được dọn ra trên 5 chiếc mâm dài chạy dọc theo ngôi nhà...
Nãy giờ nghồi nghe người già trong nhà nói chuyện xưa, anh bạn người bản địa mới như sực tỉnh, vội rót thêm rượu vào bát và tiếp cho tôi món Tết. Đó là một khúc dồi lợn dài và đen, nhìn giống như thứ xúc xích của người Tây, ở thành phố ta vẫn thường thấy khi đi ăn ở các nhà hàng. Dồi lợn từ Tết năm ngoái để trên gác bếp khiến nó đen màu bồ hóng, người Mông gọi là món Tết. Lần đầu tiên, cho phải phép, tôi nhắm mắt nuốt kèm theo bát rượu ngô xé họng. Xong rồi thấy ngọt và bùi. Muốn ăn thêm mà không dám xin, sợ mình lỗ mãng!
Bữa rượu kéo dài từ đêm hôm trước, đến tận sáng hôm sau vẫn chưa dứt, bên bếp lửa bập bùng. Ai say thì tự tìm chỗ nằm, tỉnh lại dậy uống tiếp. Đám thanh niên, có tí men rượu, bắt đầu thổi khèn và hát những bài dân ca Mông đẫm tình: “Anh ơi!/ Chim khuyên có gọi mùa, mùa mới về/ Chim khuyên có gọi năm, năm mới tới/ Tháng giếng là mùa ra sấm mới/ Con chim khuyên khôn, hãy đến hót ở đỉnh đồi nhà em/ Em ở đây- cách xa chín ngọn núi/ Em ở đây- cách xa tầm chim bay/ Anh có thương thì hãy làm cây ký zàng (loài chim báo mùa hạ tới)/ Hãy cùng em đi qua mùa Lấu chua(loài chim báo mùa thu tới, mùa lúa chín)/ Anh có yêu hãy đến đón em về...”
Trên đường du xuân tôi bắt gặp cái cảnh những chàng trai cô gấi cứ giằng co nhau. Những chàng trai ngật ngưỡng men rượu xuân, tìm được người thường thì nhảy vào... vỗ mông. Một kiểu tỏ tình đầy bản năng và đáng để người miền xuôi như tôi phải thòm thèm và mơ ước...
Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần. Trân trọng cảm ơn! |
Có thể bạn quan tâm