“Bùng nổ” điện toán đám mây
Thị trường điện toán đám mây (ĐTĐM) của Việt Nam chỉ mới phát triển, mức chi tiêu cho thị trường này vẫn còn tương đối thấp. Tuy nhiên, thị trường này được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong vài năm tới.
Xét về con số tuyệt đối, mức chi tiêu bình quân đầu người cho ĐTĐM của Việt Nam còn rất thấp (khoảng 1,7 USD năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia...
Thị trường còn bỏ ngỏ
Theo Viettel IDC, khi sử dụng dịch vụ Private Cloud, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 40% chi phí đầu tư ban đầu, giảm từ 4 - 6 tuần triển khai và loại bỏ hoàn toàn chi phí nhân sự vận hành bảo trì hệ thống so với việc tự đầu tư tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp lại chưa mặn mà với việc chuyển đổi số với ứng dụng ĐTĐM. Bởi nhiều doanh nghiệp vẫn cảm thấy khá khó khăn vì phải đầu tư khoản tiền lớn để thay đổi cấu trúc công nghệ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn của phần lớn các doanh nghiệp khi chuyển đổi số là không biết phải bắt đầu từ đâu. Tại Techday FPT 2019 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn này cho biết, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp chưa bắt đầu còn khá lớn, gấp khoảng 1,5 lần so với thế giới.
Sau khi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, FPT nhận thấy hơn 70% doanh nghiệp nhận thức rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và cần phải triển khai. Nhưng cũng có tới 70% trong số các doanh nghiệp nói trên không biết chính xác hiện trạng hệ thống công nghệ của doanh nghiệp mình.
Có thể bạn quan tâm
Alibaba công bố chip AI nhằm thúc đẩy kinh doanh điện toán đám mây
12:28, 26/09/2019
Viettel IDC tăng trưởng 85% điện toán đám mây
14:57, 06/08/2019
Tencent, Alibaba và trận chiến "Điện toán đám mây"
06:00, 15/07/2019
Điện toán đám mây: Ở đâu có Amazon, ở đó có Alibaba
15:14, 06/05/2019
Kỳ vọng từ sự hợp tác
Hiện nay, rào cản sử dụng ĐTĐM ở Việt Nam đã hạ thấp hơn so với trước đây. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 90% doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các doanh nghiệp này không có năng lực giống như các doanh nghiệp lớn để có thể tự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, thì có thể sử dụng ĐTĐM để tiếp cận những cơ sở hạ tầng tốt nhất.
Do dịch vụ ĐTĐM của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn một số hạn chế, nên có khá nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ ĐTĐM của các tập đoàn nước ngoài như Amazon, Microsoft, Google, Alibaba… với chi phí vẫn tương đối cao. Tuy nhiên, khó khăn này sẽ được giải quyết khi VNG Cloud và VNPT-IT bắt tay hợp tác.
Sự hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp tận dụng thế mạnh của hai doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam để mang tới các dịch vụ ưu việt dành riêng cho doanh nghiệp với chi phí hợp lý trong thời gian tới.
Ông Vũ Minh Trí - Phó Tổng giám đốc VNG, Tổng giám đốc VNG CLOUD cho biết, chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp Việt Nam thu hẹp khoảng cách, thậm chí vươn lên không chỉ so với các doanh nghiệp trong nước, mà cả vởi các doanh nghiệp nước ngoài. “Sự hợp tác giữa VNG Cloud và VNPT – IT được kỳ vọng sẽ tạo ra một liên minh đem đến lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số”, ông Trí nhấn mạnh.