Điện toán đám mây: Ở đâu có Amazon, ở đó có Alibaba

Cẩm Anh 06/05/2019 15:14

Hai đại gia công nghệ đang nỗ lực xây dựng chuỗi trung tâm dữ liệu để phủ sóng Trung Quốc và Đông Nam Á.

Amazon và Alibaba luôn là đối thủ của nhau trên mọi mặt trận

Amazon và Alibaba tiếp tục đối đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây

Amazon đang đặt cược rằng họ có thể mở rộng hoạt động điện toán đám mây của mình ở Trung Quốc, mặc dù tháng trước, tập đoàn này vừa đưa ra thông báo rằng họ sẽ đóng cửa các hoạt động bán lẻ trực tuyến của mình ở đất nước này. 

Theo đó, chi nhánh điện toán đám mây của họ, Amazon Web Services (AWS) đã thâm nhập vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương với việc mở một trung tâm dữ liệu tại Hồng Kông. Đây là chi nhánh thứ tám của họ tại thị trường này.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp có vượt qua được tiêu chuẩn khắt khe của Amazon?

    00:06, 23/04/2019

  • Amazon thâu tóm startup robot Canvas Technology

    04:26, 18/04/2019

  • Amazon hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán lẻ trực tuyến

    00:15, 13/04/2019

  • Apple, Amazon, Qualcomm đến Việt Nam tìm hiểu cộng đồng startup công nghệ

    04:26, 18/03/2019

"Việc kinh doanh tại Trung Quốc đang diễn ra rất tốt và chúng tôi đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở đó", Giám đốc tài chính của Amazon Brian Olsavsky cho biết. Quý tài chính vừa qua, AWS toàn cầu đạt doanh thu 29,7 tỷ USD. Tăng trưởng của công ty này đạt 45% vào quý IV/2018 so với quý cùng kỳ 2017.

AWS Đông Nam Á hiện đã có văn phòng tại nhiều quốc gia ASEAN như Malaysia, Philipines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore, với đội ngũ nhân viên hỗ trợ và thực hiện nhiệm vụ nội địa hóa các sản phẩm và dịch vụ. Hiện nay, AWS cho ra đời hơn 5.000 tính năng và dịch vụ mới.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ hy vọng hoạt động mới tại Hồng Kông sẽ giúp công ty vươn lên trong cuộc chiến giành thị trường dịch vụ đám mây của khu vực. Tập đoàn này cũng đang chú ý mở rộng thêm những chi nhánh tại các quốc gia khác ở châu Á và tự tin rằng điều này sẽ tạo ra ưu thế đi đầu trước các đối thủ trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong khi Amazon đang lạc quan về nhu cầu dịch vụ đám mây trong khu vực, thì công ty này đang phải đối mặt với một đối thủ quen thuộc: Tập đoàn Alibaba, công ty nắm giữ thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc.

Dịch vụ điện toán đám mây Alibaba Cloud đang chiếm 19,6% thị trường, so với 11% của AWS và 8% cho Microsoft. Hệ sinh thái kinh doanh mà Alibaba tạo ra trong những năm qua là một trong những ưu thế lớn của tập đoàn này. Theo CrunchBase, Alibaba đã đầu tư vào hơn 157 công ty tại Trung Quốc, với tổng trị giá hơn 12,8 tỷ USD.

Những khoản đầu tư đã giúp Alibaba nhanh chóng xây dựng một đế chế kinh doanh bao trùm nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp với mục tiêu cho phép các doanh nghiệp nhỏ tận dụng sự đổi mới và công nghệ để phát triển.

Điều này đã tạo ra một cơ sở khách hàng khá lớn cho Alibaba Cloud, trở thành một lựa chọn ưa thích của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty mà Alibaba đầu tư. Đồng thời, với lợi thế sân nhà, những quy định của chính phủ Trung Quốc đã vô hình chung tạo ra rào cản cho các công ty nước ngoài như Amazon khi gia nhập cuộc chơi tại thị trường này.

Việc Amazon và Alibaba tăng tốc mở rộng đã tạo ra một môi trường cạnh tranh có lợi, thúc đẩy các công ty hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ của họ. Mặc dù vậy, ít nhất cho đến thời điểm này, chỉ dựa vào giá cả sẽ không phải là yếu tố quyết định ai là người chiến thắng ở thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường dịch vụ đám mây lớn thứ 2 vào năm 2019, trị giá 10,5 tỷ USD. Đất nước này cũng sẽ trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, dự kiến sẽ đạt mức 44,9%/năm trong 5 năm tới.

Nhưng một khu vực đáng chú ý khác là Đông Nam Á cũng đang trở thành mảnh đất tiềm năng, và nếu nhanh chân hơn, Amazon chắc chắn có nhiều hy vọng. Mặc dù Alibaba Cloud hiện có mạng lưới rộng hơn, với 15 trung tâm dữ liệu bên ngoài Trung Quốc. Nhưng hiện tại, công ty này mới thành lập các trung tâm dữ liệu địa phương ở Indonesia và Malaysia.

Các công ty đang ngày càng quan tâm đến việc nghiên cứu và cân nhắc phương thức áp dụng điện toán đám mây hiệu quả nhất cho hoạt động kinh doanh. Amazon cũng tuyên bố, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực kinh doanh lớn nhất của AWS và là một trong những cơ hội dài hạn lớn nhất cho công ty.

Đây cũng sẽ là thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn là sân chơi thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các công ty lớn khác như Microsoft, Google... trong lĩnh vực điện toán đám mây trong thời gian tới để cạnh tranh với sự hiện diện của các ông lớn công nghệ Trung Quốc như ZTE, Alibaba hay Tencent, chuyên cung cấp sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ nhận định, về cơ bản, những "ông lớn" của Mỹ thật sự không nổi trội bằng những đối thủ đến từ Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ở các mảng thanh toán điện tử, điện toán đám mây và thậm chí là mạng 5G.

Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với nguồn dữ liệu khổng lồ là rủi ro chiến lược dễ thấy nhất đối với Đông Nam Á. Hầu hết qua các dự án đầu tư của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã cho thấy lợi thế về dữ liệu so với các công ty Mỹ và phương Tây. 

Cùng với đó, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về việc nhượng bộ điện toán đám mây vào thỏa thuận thương mại giữa hai bên để giúp các công ty nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc. Theo đó, các cuộc thảo luận bao gồm loại bỏ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán từ xa hình thành liên doanh với các công ty địa phương. 

Nếu điều này xảy ra, sự cạnh tranh giữa các tập đoàn công nghệ của Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện toán đám mây: Ở đâu có Amazon, ở đó có Alibaba
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO