Xu hướng nào cho công nghệ giáo dục trực tuyến?
Lấy người học làm trung tâm là cốt lõi của công nghệ giáo dục trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Theo bà Trương Lê Quỳnh Tương - Đại diện ClassIn tại Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã dẫn tới phong trào giáo dục trực tuyến lớn nhất trong lịch sử. Không thể phủ nhận đại dịch đã mang lại cơ hội vàng và không lường trước được để nhiều người có thể trải nghiệm việc học tập trực tuyến hơn.
Tuy nhiên, phải thừa nhận đa số chúng ta chưa có nhiều sự chuẩn bị cho những việc dạy học trực tuyến trước đó, bao gồm cả kỹ năng lẫn sự chuẩn bị về nền tảng công nghệ một cách kỹ lưỡng.
Bà Quỳnh Tương cũng đưa ra 3 lý do mà việc học trực tuyến dù là nhu cầu thiết yếu của hiện tại nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả tương xứng, gồm: Thứ nhất, đội ngũ giáo viên chưa có sự chuẩn bị đầy đủ kỹ năng để giảng dạy trực tuyến. Thứ hai, chưa có nhiều nội dung bài giảng được thiết kế cho việc dạy online - thực tế, các đơn vị giáo dục vẫn đơn giản là mang học liệu offline lên dạy online. Thứ ba, các công cụ sử dụng để giảng dạy trực tuyến không được thiết kế cho giáo dục.
Tuy nhiên, bà Trương Lê Quỳnh Tương cho rằng, sau dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều chính sách cởi mở khiến nhiều trường đại học, trường phổ thông và các đơn vị giáo dục chuyển dịch nhiều hơn trong đào tạo trực tuyến.
“Việc chuyển đổi này không nên chỉ nhằm mục đích phòng ngừa dịch bệnh xảy ra lần nữa, mà ngành Giáo dục Việt Nam nên xem đây là bước phát triển dài hạn trong tương lai. Để làm được điều này, giáo dục và công nghệ cần có tiếng nói chung, hướng đến mục tiêu đặt hiệu quả đào tạo làm ưu tiên”, bà Quỳnh Tương chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Hoa Sen cho rằng, dù áp dụng công nghệ, thì giáo dục trực tuyến cũng phải đặt người học làm trọng tâm. Phần lớn các sinh viên hiện đã sẵn sàng để làm quen và tiếp cận với việc học tập trực tuyến. Thậm chí, trong một số trường hợp, việc học tập trực tuyến nếu kết hợp với công cụ mới còn hiệu quả và tạo nên hứng khởi hơn cho học sinh, sinh viên.
“Để việc đào tạo trực tuyến hiệu quả, cơ sở hạ tầng công nghệ nói chung nên được đầu tư và cải thiện, các trường nên chọn LMS (hệ thống quản lý học tập) tốt và có thể kết hợp nhiều công cụ công nghệ vào giáo dục và đào tạo”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác trong giáo dục trực tuyến, chính là khảo thí. Theo ông Đỗ Văn Nhẫn – Giám đốc chiến lược của ClassIn, với giáo dục trực tuyến, công nghệ đánh giá chất lượng đầu ra cũng đã thay đổi và cải thiện hơn rất nhiều. Các bài thi trắc nghiệm “online” ngày nay có thể triển khai nhờ vào việc ứng dụng AI trong việc giám sát qua webcam, đảm bảo tính trung thực của kết quả thu được.
“Tương lai của công nghệ giáo dục sẽ là các ứng dụng dành riêng cho đào tạo, nền tảng di động và mô hình giáo dục kết hợp giữa “online” và “offline”, giúp nâng cao trải nghiệm học tập”, ông Nhẫn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm