Thị trường smartphone cạnh tranh khốc liệt thế nào?
Việc LG đóng cửa mảng smartphone là minh chứng cho sự khốc liệt của thị trường điện thoại thông minh khi phải cạnh tranh với hai ông lớn Apple và Samsung.
Trong thông báo ngày thứ hai vừa qua, tập đoàn công nghệ Hàn Quốc LG đã tuyên bố từ bỏ mảng điện thoại di động “cạnh tranh cao”, chấm dứt một đế chế từng đứng top đầu thị trường.
Bước đi này của LG một phần nào đó minh hoạ cho những khó khăn dữ dội khi phải cạnh tranh với Apple và Samsung, đặc biệt tại Hoa Kỳ - thị trường điện thoại di động thông minh lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Châu Á Thái Bình Dương).
Trong quá khứ, LG từng nằm trong top 5 đơn vị dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên tập đoàn này đã không giữ vững vị trí của mình, để Apple và Samsung nắm giữ thị trường cũng như để Huawei và Xiaomi chiếm luôn thị phần ở nước ngoài.
Cụ thể, trong quý 4 năm 2020, tại Hoa Kỳ, Apple chiếm 65% thị phần và Samsung chiếm 16%, là hai công ty điện thoại thông minh duy nhất có chỉ số tăng trưởng dương trong cuối năm 2020. Trong khi đó thị phần của LG chỉ là 9%. Trên thế giới, Apple vẫn giữ vị trí số 1 trong quý 4/2020 với thị phần 23,4%. Đứng thứ hai là Samsung với 19,1%
Samsung và LG từng là 2 đối thủ lâu năm trong mảng thiết bị điện và điện tử gia dụng, thế nhưng trong ngành điện thoại di động, Samsung có những ưu thế vượt trội LG.
Samsung tiến vào thị trường điện thoại từ năm 2012, trực tiếp cạnh tranh với Apple khi lĩnh vực này vẫn còn khá mới mẻ. Tập đoàn Hàn Quốc gây sốt với siêu phẩm Galaxy S3 đánh bại iPhone 4S để trở thành chiếc điện thoại thông minh bán chạy nhất 2012.
Màn ra mắt ấn tượng của Galaxy S3 định hình thị trường trở thành cuộc chiến song mã giữa Apple và Samsung. Những tờ báo lớn như The New York Times, Vanity Fair hay The Guardian cũng liên tiếp lên những bài báo về cuộc chiến này.
Tại thời điểm ấy, không có một chiếc điện thoại Android nào phổ biến bằng Galaxy S3. Nó đưa dòng Galaxy S nổi tiếng, trở thành đối thủ của iPhone nhiều năm về sau.
Các nhà sản xuất Android khác đơn giản là không theo kịp mặc dù đã cố gắng đổi mới. Chẳng hạn năm 2013 HTC One M7 nhận về nhiều phản hồi tích cực với đánh giá vượt trội hơn mọi điện thoại Android có mặt trên thị trường cả về chất lượng lẫn thiết kế. Tuy nhiên doanh số bán hàng lại không hề tương xứng với những nhật xét này. Cuối cùng HTC phải bán một phần mảng kinh doanh điện thoại thông minh của mình cho Google vào năm 2018.
Hay như dòng Moto X từ năm 2013 của Motorola cũng đi trước thời đại với chế độ điều khiển giọng nói và nhận về phản hồi tích cực. Thế nhưng Google cũng phải bán tháo mảng điện thoại của Motorola cho Lenovo năm 2014 và chật vật để tăng cường sự hiện diện trên thị trường điện thoại.
Thậm chí Google - đơn vị sản xuất hệ điều hành Android - cũng đã có thời gian khó khăn với mảng điện thoại thông minh. Gã khổng lồ này từng sản xuất và ra mắt dòng Pixel giá rẻ để cạnh tranh với iPhone và Galaxy S (sau khi không bán nổi điện thoại giá cao).
Và LG cũng lâm vào bước đường tương tự. Điện thoại LG cũng có những tính năng đi trước thời đại, chẳng hạn camera góc rộng. Thế nhưng mảng điện thoại của họ đã phải chịu lỗ tổng cộng 4,5 tỷ USD trong 6 năm.
Trong thông báo, LG cho biết họ không tìm được đơn vị mua lại phù hợp. Vingroup từng mong muốn mua lại mảng này, thế nhưng thương vụ không thành công do không thỏa thuận được về giá. LG sẽ đóng cửa mảng kinh doanh này và tập trung vào những mảng khác như thiết bị gia đình thông minh, robot, trí tuệ nhân tạo,...
Dĩ nhiên Apple và Samsung chưa phải là toàn bộ ngành điện thoại thông minh (dù cũng chiếm kha khá). Những thương hiệu điện thoại Trung Quốc giá mềm hơn như Huawei, Xiaomi, Oppo, OnePlus cũng dần trở nên phổ biến hơn. Mảng điện thoại cao cấp có lẽ đã ‘chết tên’ với Apple và Samsung. Những năm tới, có lẽ cuộc chiến sẽ diễn ra ở phân khúc giá rẻ với những cái tên của Trung Quốc nói trên.
Có thể bạn quan tâm