Vì sao Facebook chìm sâu vào khủng hoảng?
Những bê bối liên tiếp xảy ra đối với Facebook, khiến mạng xã hội này bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Mới đây, trong phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ, cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, bà Frances Haugen đã đưa ra nhiều cáo buộc nghiêm trọng đối với mạng xã hội có nhiều người dùng hàng đầu thế giới. Cụ thể, bà Frances Haugen cho biết, Facebook đã biết các thông tin thù địch, bạo lực và sai lệch được đăng tải trên các nền tảng của họ, song vẫn che giấu việc này.
Trước đó, mạng xã hội Facebook và các nền tảng Instagram, WhatsApp của công ty này đã hồi sinh hôm 5/10 vừa qua sau khi bị sập trong khoảng 7 giờ, gây nhiều hỗn loạn cho người sử dụng và doanh nghiệp dựa vào chúng để giao tiếp, kinh doanh. Trang Tracker Downdetector cho biết đã nhận được ít nhất 10,6 triệu báo cáo về rắc rối do sự cố tại nhiều nơi, trong đó có Mỹ, Châu Âu, Singapore…
Mặc dù Facebook tuyên bố họ đã có những bước cải tiến đáng kể trong giải quyết các nội dung độc hại, song khi được lựa chọn, Facebook lại ưu tiên lợi nhuận thay vì sự an toàn của người dùng. Bà Frances Haugen nhận định, đây có thể là một phần của văn hoá doanh nghiệp tại tập đoàn này.
Liên quan cáo buộc về những ảnh hưởng độc hại của Facebook đối với người sử dụng, bà Frances Haugen tiết lộ, trong phạm vi nội bộ khi Facebook nói về khả năng “gây nghiện” của các sản phẩm, thuật ngữ “cách sử dụng có vấn đề” thường được sử dụng. Bà Haugen cũng khuyến nghị các Thượng nghị sĩ Mỹ tìm kiếm thêm tài liệu để chứng minh rằng, Facebook đã biết về sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh đối với nền tảng của mình.
Bà Haugen tiết lộ thêm, Facebook đã từng thừa nhận rằng, họ chỉ có thể loại bỏ từ 10% đến 20% các nội dung chứa thông tin sai lệch. Đặc biệt, việc hé lộ XCheck, cho phép hàng triệu chính khách và người nổi tiếng vi phạm chính sách cộng đồng của mạng xã hội này đã làm giảm uy tín của Facebook đối với người dùng.
Có thể thấy, với mỗi cuộc khủng hoảng của Facebook, thế giới càng hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ đối với cuộc sống con người.
Chuyên gia Scott Monty, Hiệu trưởng tại Scott Monty Strategies cho biết, mặc dù các cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của Facebook không có gì mới, nhưng gã khổng lồ truyền thông xã hội đã không rút ra được bài học về phản ứng của mình từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Cách phản ứng của Facebook đã thể hiện sự thiếu nhân văn và đồng cảm trong phản ứng chống lại các thông tin tiêu cực và làm danh tiếng của công ty này liên tục bị tổn hại.
Mặc dù tác động trước mắt và lâu dài của cuộc khủng hoảng với Facebook vẫn đang hình thành, nhưng xem xét một số chiến thuật mà Facebook đã sử dụng trong việc chống lại lời khai của bà Haugen, Julianna Sheridan, chuyên gia truyền thông khủng hoảng tại công ty PR và tiếp thị kỹ thuật số Matter Communications nhận định: “Tôi tin rằng những phản ứng từ phía Mark Zuckerberg đã làm tổn hại đến Facebook. Hai yếu tố chính cần có trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Và Facebook đã thiếu cả hai”.
Hiện có năm mối đe dọa liên quan đến Facebook trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, giá cổ phiếu Facebook đã giảm 12% trong 3 tuần qua, mức giảm gấp gần 3 lần so với mức giảm 4,5% của Nasdaq trong cùng giai đoạn thể hiện sự thất vọng của nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư rõ ràng đã bị hoảng sợ bởi những tác động tiềm tàng từ bê bối Cambridge Analytica. Công ty đã mất gần 50 tỷ USD giá trị trong 2 ngày ngay sau khi tin xấu được tung ra. Bên cạnh đó, các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, Facebook sẽ chứng kiến nhiều người dùng từ bỏ nền tảng; các khoản tiền phạt và kiện tụng và sự can thiệp từ phía các cơ quan quản lý Mỹ nếu nền tảng này không có biện pháp giải quyết minh bạch.
Trong số các mối đe dọa này, các nhà quảng cáo ít có khả năng thay đổi hành vi hoặc từ bỏ Facebook nhất, trừ khi có một số thay đổi lớn về cấu trúc trong nền tảng tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các nhà tiếp thị.
Trên thực tế, Facebook vẫn có thể phục hồi và tiếp tục tăng trường như trước đây. Tuy nhiên, mỗi khi khủng hoảng xảy ra, các nhà đầu tư lại có thêm lý do để đặt ra những câu hỏi về tính bền vững của mô hình kinh doanh này.
"Hết lần này tới lần khác, chúng tôi phải đối mặt với những tin tức tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề mới nhất này khiến chúng tôi cảm thấy khác. Facebook và nền tảng mạng xã hội khác không chịu trách nhiệm về các vấn nạn của thế giới, nhưng họ đã làm cho một số trong số đó trở nên tồi tệ hơn. Văn hóa ở Facebook cần phải thay đổi và nếu họ không thể tự khắc phục, có thể sẽ có những biện pháp bắt buộc nhằm vào Facebook. Đó là tin xấu", Jim Cramer của CNBC chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm