“Kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam 74 tỉ đô la vào năm 2030”

LÊ HÀ 18/10/2021 21:08

Đây là nhận định của bà Tenzin Dolma Norbhu – Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Chính sách công Đông Nam Á của Google Châu Á Thái Bình Dương tại hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”.

Toàn cảnh của Hội thảo

Toàn cảnh của Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" diễn ra chiều ngày 18/10 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức.

Các chuyên gia chỉ ra rằng nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.

Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi số 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhận định, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, tham mưu đề xuất các vấn đề lớn về cơ chế, chính sách nhằm định hướng phát triển, tối ưu nguồn lực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế số.  

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo.

Phân tích thêm về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế số, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng số hoá là cách tốt nhất tăng năng suất lao động, giúp vận hành nền kinh tế hiêụ quả. Việt Nam đã vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 và đạt được những điểm sáng về chuyển đối số, hiện có khoảng 60% doanh nghiệp sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến đã làm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam.

Trong thời gian tới một số ngành nghề, lĩnh vực có thể biến mất, thị trường lao động có thể điều chỉnh. Việc áp dụng chuyển đổi số trong một số ngành nghề  hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao, Việt Nam cần tập trung ưu tiên để khai thác chuyển đổi số: Nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận và chia sẻ dự liệu.

Ba trụ cột hành động 

Bên cạnh những tiềm năng, nước ta phải đối mặt với một số “rào cản” trong khai thác lợi ích từ công nghệ số như gỡ bỏ những trở ngại pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số, cần phải nâng cao chất lượng lãnh đạo, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, cung cấp thông tin một cách minh bạch và cập nhật về xu hướng thay đổi của các ngành nghề, sự điều chỉnh của thị trường lạo động 

Nghiên cứu do Liên minh Internet Á châu thực hiện cho thấy các quy định về nội địa hoá dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối chậm, tốc độ băng thông rộng trung bình của Việt Nam ước tính chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. 

Để vượt qua những “rào cản”, nắm bắt tối đa cơ hội số, Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” khuyến nghị về 3 trụ cột hành động. 

Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước. Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn. 

Thứ hai, nâng cao kỹ năng số cho người lao động và sinh viên.

Thứ ba, cần hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mở phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Google, và các doanh nghiệp, doanh nhân

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Google, và các doanh nghiệp, doanh nhân

Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động nghiêm trọng của COVID-19. Ước tính, khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam (tương đương giá trị 1,216 triệu tỷ đồng khoảng 52 tỷ USD) có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy. 

Có hai cuộc tọa đàm diễn ra tại buổi hội thảo, gồm “Đòn bẩy chính sách để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số Việt Nam” và “Thách thức và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tham gia thị trường toàn cầu”, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Tập đoàn Google, Học viện Chính sách và Phát triển cùng các diễn giả là lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: FPT Telecom, Haravan, Clever Group, eDoctor, BambuUp… đã đem đến những góc nhìn về các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch FPT Telecom, Chính phủ chính là người dùng lớn nhất về công nghệ thì xã hội sẽ phát triển. Bài học thành công và không thành công của Chính phủ sẽ được các doanh nghiệp nhìn vào, Chính phủ sẽ tạo ra sức lan toả lớn nhất trong công tác chuyển đổi số.

Nhấn mạnh vai trò thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cho biết trong thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục đồng hành bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển về công nghệ số.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nhân Đinh Thị Thúy: Chuyển đổi số là

    Doanh nhân Đinh Thị Thúy: Chuyển đổi số là "vaccine" hữu hiệu cho doanh nghiệp

    07:00, 18/10/2021

  • Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi

    Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp phục hồi

    11:00, 17/10/2021

  • VCCI đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số

    VCCI đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số

    08:24, 16/10/2021

  • Chuyển đổi số - “áo giáp” cho doanh nghiệp SME thời dịch

    Chuyển đổi số - “áo giáp” cho doanh nghiệp SME thời dịch

    07:48, 16/10/2021

  • Chuyển đổi số: Từ nhận thức đến hành động

    Chuyển đổi số: Từ nhận thức đến hành động

    05:00, 16/10/2021

LÊ HÀ