VCCI đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số

DUY NGUYỄN 16/10/2021 08:24

Trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số.

Phản hồi đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, trên cơ sở nghiên cứu và tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số.

VCCI cho rằng dự thảo đặt ra chỉ tiêu đạt “100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số” trong giai đoạn 2021-2025. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ theo mục tiêu dự thảo đưa ra là khá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số doanh nghiệp tính đến hết năm 2020, đó là chưa tính đến các đối tượng là hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Nếu tính ra số lượng từng năm cho mỗi địa phương trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì con số thực hiện hàng năm còn nhỏ hơn nữa. 

Do đó, VCCI yêu cầu, cơ quan soạn thảo nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và nêu rõ các mức độ hỗ trợ; ngoài ra, bổ sung các chỉ tiêu lượng hóa có liên quan vào nội dung dự thảo, như: tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tỷ lệ tận dụng các ưu đãi thuế quan theo các FTA; tỷ lệ tăng trưởng xuất nhập khẩu...

Cũng theo VCCI, trong dự thảo, các quan điểm, định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) khá rõ ràng, hợp lý và đã xác định được những vấn đề cốt lõi để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và phù hợp với tình hình mới, như: tiếp tục hướng tới cải cách thể chế, cải cách về môi trường kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19…; đồng thời, bắt kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế trong nước và quốc tế, như: thí điểm chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong nền kinh tế; khuyến khích phát triển, ứng dụng các nền tảng công nghệ…

Tuy nhiên, để thể hiện quan điểm, định hướng toàn diện hơn, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý” là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, “nguyên tắc quản lý rủi ro” được áp dụng và đã cho thấy hiệu quả trong quản lý nhà nước. Vì vậy, mong muốn cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nguyên tắc này trong cơ chế quản lý thời gian tới, cụ thể như: “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý”.

Trong gần 2 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Từ cuối tháng 9/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế từng bước được khôi phục trở lại trong trạng thái bình thường mới. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ để phục hồi hoạt động.

Dự thảo đã đề cập đến quan điểm, định hướng “hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng”, song nội dung này vẫn chưa đủ rõ ràng và thể hiện được tinh thần này. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi nội dung theo hướng: “Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và vượt qua các hệ quả của đại dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy chuyển đổi số, qua đó tạo đà tăng trưởng mới…”.

Ngoài ra, theo VCCI, dự thảo cần hướng đến hai nhóm giải pháp lớn về phát triển xanh và bền vững, giảm phát thải carbon, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhóm giải pháp hình thành phát triển chuỗi giá trị hàng hóa trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh. Vì đây sẽ là xu hướng chủ đạo của thế giới, nếu doanh nghiệp Việt Nam không được định hướng và hỗ trợ thì sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Hơn nữa, bài học đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến doanh nghiệp đứt gãy dòng tiền và mất thanh khoản hay doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vừa qua đã cho thấy rất rõ cần có chính sách, giải pháp mới phù hợp với tình hình mới của nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, cần thích nghi và sống chung với COVID-19.

Về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng tầm quản trị hơn nữa theo xu hướng chung là có trách nhiệm với xã hội và môi trường và chính là điều kiện thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển dịch rất lớn hiện nay trên thế giới. Đây là những vấn đề chưa được đề cập hoặc thể hiện rõ trong dự thảo, VCCI cũng đề nghị cần được nghiên cứu và bổ sung thêm. 

Dự thảo cũng đặt ra chỉ tiêu “Lũy kế đến năm 2025, sẽ có hơn 2,1 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập; trong đó có khoảng 710 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2021-2025”.

Theo VCCI, việc đặt ra chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thuận lợi, nhất là về các thủ tục gia nhập thị trường. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đang hoạt động có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy và tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động. Hơn nữa, Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Do đó, VCCI cũng đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn 2021 – 2025 vào dự thảo.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số: Từ nhận thức đến hành động

    05:00, 16/10/2021

  • Tái thiết quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới

    17:42, 15/10/2021

  • Doanh nghiệp thích ứng chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu

    15:08, 15/10/2021

  • Cách thức để bảo vệ thương hiệu và kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài

    14:55, 15/10/2021

  • Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững

    16:15, 14/10/2021

  • Diễn đàn Doanh nghiệp cộng hưởng các nguồn lực để phụng sự cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp

    13:35, 13/10/2021

  • Vị thế doanh nhân trong bối cảnh mới

    11:05, 13/10/2021

  • Hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân

    04:00, 13/10/2021

  • Người dân, doanh nghiệp là trung tâm trong mọi quyết sách!

    20:29, 12/10/2021

  • Xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong tình hình mới

    18:46, 12/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VCCI đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO