Hải Phòng: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số vào quản lý logistics để giảm chi phí
Thời gian qua các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng đã tập trung ứng dụng vào quản lý, điều hành Logistics để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập kinh tế, quốc tế.
>>>Hải Phòng: Hỗ trợ chuyển đổi số cho thanh niên khởi nghiệp
Đưa nền tảng công nghệ vào quản lý, điều hành
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logicstics Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp từ 2-17 dịch vụ logistics khác nhau. Trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Hiện 50%-60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tuỳ theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logsitics đã được chứng minh trong thực tế như tại các công ty trong lĩnh vực cảng biển, sau khi áp dụng công nghệ điều hành quản lý sản xuất tiên tiến đã giúp giảm trên 50% thời gian tàu nằm bến, giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hoá.
Còn tại Hải Phòng, logistics được xem là ngành dịch vụ thiết yếu, mũi nhọn; là nền tảng cho phát triển thương mại. Để phát triển ngành dịch vụ này, 3 trọng tâm logistics của Hải Phòng là dịch vụ cảng; kho bãi, xử lý; trung chuyển - dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp.
Hiện nay, trước tình trạng cạnh tranh và bùng nổ kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng đã phần nào nhận thức, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh. Qua đó, tối ưu hoá trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Theo ông Cáp Trọng Cường - Giám đốc Công ty CP Cảng xanh VIP: Chỉ có chuyển đổi số thì các nhà hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động trong chuỗi cung ứng logistics mới có thể giảm chi phí được. Nếu chúng ta số hoá được thì sẽ tiến tới chuyển đổi số tốt. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ việc này bởi vì chúng ta sẽ tiết kiệm được nhân lực, thời gian.
Hỗ trợ để phát triển
Theo ông Bùi Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hiếu nghĩa cho biết: Hiện nay việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics đang gặp không ít các khó khăn. Hầu hết các vấn đề cản trở sự chuyển động của ngành logistics là sự thiếu tính kết nối trong hệ thống, chất lượng dịch vụ không cao. Ngoài ra, khoảng hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Mạnh Cương - Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Hải Phòng: “Công tác chuyển đổi số bao hàm rất lớn, rộng chứ không đơn thuần chỉ dùng máy tính hay điện thoại để chuyển đổi số. Chúng tôi đã ý kiến lên cấp lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, đặc biệt là thông qua cầu nối Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng làm thế nào để tạo điều kiện cho phía doanh nghiệp có nhiều buổi toạ đàm, chia sẻ, thậm chí là nhiều buổi để được đi truyền thông trực tiếp từ các doanh nghiệp với các doanh nghiệp. Bởi qua những buổi thực tế đó, chúng tôi sẽ hiểu rõ hơn về việc chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số”.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng: Nhằm giúp gia tăng hiệu quả xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp kho, bãi, cảng hoàn thiện phương án quản lý và điều hành khai thác, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công ty Smarthub Logistics Technology tổ chức Hội thảo về Phát triển nền tảng công nghệ vào quản lý, điều hành Logistics. Tại buổi hội thảo có hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở, ngành chức năng; Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng; các doanh nghiệp khai thác cảng, kho bãi, vận tải hàng hóa, sản xuất...tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, Công ty Smarthub Logistics Technology đã giới thiệu về Hệ sinh thái công nghệ Vietnam Smarthub Logistics (VSL) kết nối các thành phần hoạt động logistics, gồm: cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp thương mại sản xuất, cơ quan Nhà nước…để tạo nên một Trung tâm điều hành điện tử tập trung, xử lý dịch vụ, giám sát lưu thông hàng hóa, luồng dữ liệu luân chuyển giữa các Cảng theo quy trình nghiệp vụ đặc thù; chia sẻ, tận dụng hạ tầng bến/bãi. Hoạt động tích hợp mô hình công nghệ ứng dụng kinh tế chia sẻ, sàn giao dịch. Truyền nhận dữ liệu phục vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước…
Ông Nguyễn Anh Việt - CEO Công ty Smarthub Logistics Technology, cho biết: Các đơn vị vận tải khi tham gia vào VSL sẽ khai thác hiệu quả hơn phương tiện vận tải của đơn vị bởi có thể tìm được các chuyến hàng chiều về khi giao hàng đến cảng. Cụ thể là tính năng gọi xe container theo mô hình Grab/Uber, giúp chủ xe có thêm chuyến về, chủ hàng cũng giảm chi phí, đồng thời giúp hạn chế lưu lượng xe chạy không, giảm thiểu kẹt xe tại các tuyến đường huyết mạch khu vực cảng.
Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu giúp cơ quan nhà nước nâng cao vai trò quản lý, có thông tin chính xác để thông kê hàng hóa, mật độ giao thông và đưa ra các quyết định liên quan đến quản lý xây dựng hạ tầng cảng biển...
Theo ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định, cảng biển và logistics là một trong những trọng tâm trong phát triển của Hải Phòng. Thành phố luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số thành công, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và góp phần sự phát triển chung của thành phố. Đối với ứng dụng VSL, thành phố Hải Phòng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng, Phó Chủ tịch cũng đề nghị Công ty Cổ phần Smarthub Logistics Technology có các phần mềm dùng thử, demo để hỗ trợ các cảng và doanh nghiệp vận tải, logistics tại Hải Phòng.
Hải Phòng là thành phố cảng, thành phố công nghiệp và là đầu mối giao thông của cả nước; mỗi ngày, có hàng vạn lượt phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa từ Hải Phòng đi các tỉnh thành trong cả nước, các nước trong khu vực, thế giới và ngược lại.
Hiện, TP Hải Phòng quản lý gần 250.000 ô tô, trong đó hơn 16.000 xe đầu kéo; trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động vận tải. Chi phí logistics tại Hải Phòng cũng được đánh giá còn khá cao so với các nước trong khu vực, trong khi sự liên kết chưa có chiều sâu, thiếu chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Có thể bạn quan tâm