Hải Dương: Tích cực lan tỏa cộng nghệ số cộng đồng
Ngày 26/3/2022 là Ngày Chuyển đổi số của Hải Dương, sau 1 năm triển khai thực hiện đã có sự chuyển biển tích cực. Trong đó, điểm nhấn là xây dựng lan tỏa các tổ công nghệ số cộng đồng.
>>>Hải Dương: Tiềm năng phát triển hạ tầng Khu công nghiệp
Từ mắt xích cơ sở...
Từ trước tới nay, ông Trần Trọng Chính, sinh năm 1945 ở TP Hải Dương phần lớn dùng điện thoại thông minh để đọc tin tức từ một số báo điện tử. Còn với ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID, ông Chính gặp không ít khó khăn. "Lớp người cao tuổi như chúng tôi tương đối hạn chế trong tiếp thu, tiếp nhận công nghệ mới. Không nắm rõ các bước kích hoạt tài khoản định danh điện tử", ông Chính nói.
Ông Chính không phải trường hợp duy nhất gặp khó khăn khi toàn tỉnh thực hiện triển khai công tác cấp, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử. Để hướng dẫn người dân, các tổ công nghệ số (CNS) cộng đồng khu dân cư đã tích cực vào cuộc. Nổi bật nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên.
Không chỉ hướng dẫn người dân tiếp cận các nền tảng số, điểm nhấn trong triển khai nhiệm vụ chuyển đối số (CĐS) của các tổ công nghệ số cộng đồng TP Hải Dương năm vừa qua là việc số hóa thông tin giới thiệu về gần 20 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Hạt nhân cũng là lực lượng đoàn viên, các tổ công nghệ số thành phố đã biên soạn nội dung, thiết kế hình ảnh, dịch song ngữ, gắn mã QR tại các di tích.
Theo chị Nguyễn Thị Lệ - Bí thư Thành đoàn Hải Dương chia sẻ: Thông qua việc quét mã QR, thông tin, hình ảnh, nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của di tích sẽ hiển thị. Du khách có thể nắm bắt nhanh chóng mà không cần hướng dẫn viên. Đây là cách quảng bá trên không gian số hiệu quả, nhất là khi có bản dịch tiếng Anh để phục vụ du khách nước ngoài.
Còn theo anh Tăng Văn Nguyên - Bí thư Huyện đoàn Gia Lộc, tổ chức cơ sở đoàn đã thành lập các tổ xung kích tại các xã, hỗ trợ lực lượng công an trong việc kiểm tra, ghi chép thông tin trên hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip, phục vụ các nội dung trong Đề án 06 của Chính phủ, hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm VNeID, dịch vụ công trực tuyến… “Đối với lớp người trung và cao tuổi, đoàn viên chúng tôi không chỉ hướng dẫn tại trụ sở UBND huyện, xã hay nhà riêng mà còn lưu lại số điện thoại để người dân liên hệ bất kỳ khi nào gặp vướng mắc”, anh Nguyên cho biết.
Theo lãnh đạo Hải Dương, đến nay, 12/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thành lập tổ chỉ đạo triển khai tổ CNS cộng đồng cấp huyện, 235 xã, phường, thị trấn đã thành lập 1.340 tổ CNS cộng đồng thôn, khu dân cư với gần 7.000 thành viên. Một năm qua, thành viên các tổ này đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số thông qua nhiều lớp bồi dưỡng cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Tuy nhiên, thành viên các tổ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thậm chí nhiều thành viên còn yếu và thiếu về kỹ năng, kiến thức công nghệ. Hoạt động của các tổ có thể nói phần lớn phụ thuộc vào lực lượng nòng cốt, xung kích là các đoàn viên thanh niên. Theo ông Vũ Đình Lương - Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ CNS cộng đồng thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện), thực tế không ít thành viên các tổ ở thôn, khu dân cư đều đã lớn tuổi, lại xuất phát từ những công việc ít có cơ hội tiếp cận công nghệ. “Bản thân tôi còn chưa thành thạo thì khó có thể hướng dẫn người khác”, ông Lương nói.
Một rào cản khác chính là không ít người dân là nông dân thuần túy, chỉ quen với ruộng đồng nên không có nhu cầu sử dụng công nghệ. Thậm chí họ cũng không sử dụng điện thoại thông minh. Thay đổi tư duy của nhóm người này không phải chuyện một sớm, một chiều.
Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ CNS cộng đồng. Ngoại trừ một số lượng rất ít thôn, khu dân cư bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ, thành viên các tổ này chủ yếu hoạt động trên tinh thần tự nguyện.
...đến 1 năm hành trình thực hiện chuyển đổi số
Ngày 26/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU (Nghị quyết 06) về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hải Dương là địa phương thứ 2 trên cả nước ban hành nghị quyết về CĐS. Ngay sau nghị quyết này, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thúc đẩy quá trình CĐS. Ngày 26.3 hằng năm cũng được quyết định là Ngày CĐS của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Cao Thắng – Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Hải Dương: Ngày 26/3/2022, lần đầu tiên Hải Dương tổ chức Ngày CĐS với chủ đề “Chuyển đổi số - Hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh Hải Dương”. Tại sự kiện này, tỉnh đã ra mắt Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu cả nước như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS… đồng thời thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai CNS cộng đồng của tỉnh.
Theo ông Thắng, năm qua, với sứ mệnh là đơn vị tham vấn chuyên môn, xây dựng bài toán CĐS trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu tổ chức hàng loạt sự kiện liên quan. Đáng kể nhất như hội nghị chuyên đề “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức”, “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương - Chuyển đổi số để bứt phá”, hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh… Qua đó giúp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận rõ hơn, tiếp cận dễ dàng hơn với CĐS.
Cũng từ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành. Thông qua “chợ giải pháp số” từ Viettel, VNPT, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy nền tảng số phù hợp, nhất là các nền tảng điện toán đám mây. Với người dân, việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Voso… bước đầu ghi nhận kết quả tích cực, phát sinh gần 36.000 lượt giao dịch trực tuyến. Có thể nói 3 trụ cột về CĐS của tỉnh, gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số một năm qua ghi nhận nhiều kết quả tích cực cụ thể.
Hiện nay, Hải Dương có tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 53,51%, xếp thứ 12 cả nước. Kinh tế số lan tỏa ngày một mạnh mẽ hơn, thanh toán điện tử dần trở thành thói quen của người dân. Hạ tầng viễn thông 3G, 4G mở rộng, phủ khắp các địa phương trong tỉnh. Viettel Hải Dương đã bước đầu thí điểm lắp trạm phát sóng 5G tại một số khu vực trên địa bàn TP Hải Dương. Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (DTI) năm 2021 (công bố tháng 8.2022), Hải Dương duy trì vị trí 14 cả nước, điểm giá trị cao hơn mức trung bình cả nước.
Dù vậy, hành trình CĐS của tỉnh trong năm qua còn vướng một số hạn chế, rào cản nhất định. Các thỏa thuận về CĐS được ký kết giữa tỉnh với nhiều doanh nghiệp công nghệ chưa được khai thác triệt để, mới dừng lại ở một số hội nghị chia sẻ thông tin, triển khai một số tính năng cơ bản của ứng dụng phục vụ người dân như Hải Dương ID. 3 dự án về Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh; Trung tâm Dữ liệu; Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng chậm triển khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng, cơ sở dữ liệu. Nguồn nhân lực nội bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong CĐS còn hạn chế, thiếu và yếu về kỹ năng. Hạ tầng CNS còn lạc hậu, nhất là ở nhiều xã trong tỉnh, ảnh hưởng tới việc số hóa hồ sơ, nhất là giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến…
Theo ông Nguyễn Cao Thắng – Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông: Năm 2023 được xác định là năm về dữ liệu số. Hải Dương sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho Trung tâm Dữ liệu của tỉnh, xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và an toàn thông tin để đáp ứng điều kiện kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06. Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở của tỉnh. Thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của các cấp chính quyền. Tập trung triển khai các dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến. Rà soát, nghiên cứu nhu cầu để cung cấp nền tảng số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng.
CĐS hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp từ những nền tảng, lợi ích thiết thực. Song muốn CĐS phải có công dân số. Muốn có công dân số, trước hết mỗi người, từ cán bộ, đảng viên cho đến các tầng lớp nhân dân cần chủ động tiếp cận công nghệ, mạnh dạn trao đổi với thành viên các tổ công nghệ cộng đồng để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Có thể bạn quan tâm