Nam Định: Tích cực đưa dịch vụ ngân hàng số đến với khách hàng
Thời gian qua, ngành ngân hàng Nam Định đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tích cực áp dụng công nghệ ngân hàng số để phục vụ nhiều hơn các tiện ích hiện đại cho khách hàng trên địa bàn.
>>>Nam Định: Đưa công nghệ số để thúc đẩy sản phẩm OCOP
Tiên phong trong chuyển đổi số
Ngành ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong nền kinh tế. Dịch vụ của các ngân hàng đang thay đổi mỗi ngày với tốc độ số hoá nhanh chóng, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân về dịch vụ tài chính.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ số tiên tiến như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng trí tuệ nhân tạo… để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng.
Theo ông Phạm Quốc Vinh - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Ý Yên cho biết: “Là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước gắn kết chặt chẽ với lĩnh vực “tam nông”, Agribank Chi nhánh huyện luôn quan tâm triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử đến với người dân trên địa bàn. Đây không chỉ là nhiệm vụ kinh doanh mà còn là trách nhiệm chính trị trong việc cung ứng các dịch vụ tài chính thiết yếu cho các hộ dân, giúp cho người dân tiết giảm chi phí, dễ dàng tiếp cận với tiện ích thanh toán hiện đại làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán”.
Bà Đào Thị Giang - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đức Đạt An, xã Yên Hồng cho biết: “Đã gắn bó với Agribank suốt hơn 8 năm nay, công ty luôn hài lòng với chất lượng các dịch vụ tiện tích ngân hàng mà Agribank cung cấp. Trước đây, mỗi lần trả lương cho người lao động, bộ phận kế toán chúng tôi thường phải chuẩn bị một lượng tiền lớn, kiểm đếm vất vả; mất nhiều thời gian vào sổ sách, công nhân cũng phải mất thời gian xếp hàng chờ nhận lương. Hiện tại, mỗi kỳ trả lương, chúng tôi chỉ cần lập danh sách và gửi sang Agribank, đến kỳ thanh toán mọi người đều được nhận lương đúng hạn, chính xác giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian xử lý công việc mà không lo sai sót, giảm thiểu lượng tiền mặt tại kho quỹ cũng như các loại giấy tờ, chứng từ, hóa đơn”.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định: Các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã liên tục đầu tư phát triển, sắp xếp hợp lý và gia tăng chức năng, tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (ATM, POS) với các hình thức phù hợp, hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 215 ATM và 435 POS. Mạng lưới ATM và POS được lắp đặt theo hướng mở rộng đối tượng phục vụ và được phân bổ khá hợp lý.
Bên cạnh đó, các TCTD đã và đang đẩy mạnh triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động như: thanh toán qua QRCode, thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử… Ngoài ra, NHNN Chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các NHTM chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng; tăng cường giám sát hệ thống ATM trên địa bàn theo các quy định của NHNN Việt Nam, do vậy chất lượng dịch vụ hệ thống ATM ngày càng được nâng lên rõ rệt, hoạt động thông suốt, không có sự cố nổi cộm xảy ra; các thắc mắc, khiếu nại được xử lý nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng.
Đặc biệt, ứng dụng Mobile Banking của nhiều TCTD ngày càng phổ biến cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân. Nhiều ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số đạt tới trên 95% giao dịch khách hàng.
Đẩy mạnh kết nối
Thực tế cho thấy việc thực hiện chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã được lan tỏa đến nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng đang từng ngày, từng giờ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn dịch vụ hành chính công, thương mại điện tử, thanh toán tiêu dùng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.
Không chỉ vậy, quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng giúp người dân ngày càng tin tưởng lựa chọn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhờ đó các hoạt động như mua, bán đặt hàng, giới thiệu hàng và giao hàng của doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ được thực hiện nhiều hơn trên nền tảng số.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý mà còn giúp hạn chế rủi ro, dễ dàng quản lý tốt dòng tiền và góp phần gia tăng doanh số. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử VPBank NEO tăng mạnh so với cùng kỳ, giao dịch qua nền tảng số cũng tăng mạnh.
Thông qua số hóa toàn bộ chu trình cho vay có tài sản đảm bảo đối với sản phẩm cho vay mua nhà, ô tô và vay tiêu dùng, từ khâu xử lý thông tin, định giá tới giải ngân, tỷ lệ giải ngân của phân khúc cho vay thế chấp trực tuyến của VPBank đã đạt tới con số 85%. Với nỗ lực đầu tư công nghệ bài bản từ sớm đã giúp Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định giảm thiếu tối đa thời gian và chi phí vận hành. 80% hoạt động nghiệp vụ ngân hàng tại TPBank được thực hiện dựa trên nền tảng phân tích và ra quyết định bằng dữ liệu; 80% sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, AI, Big Data.
Đáng chú ý, TPBank giảm tới 50% chi phí vận hành nhờ sử dụng chat bot và trợ lý ảo. Hiện tại, số lượng khách hàng mới thông qua kênh số của TPBank đang có tốc độ tăng trưởng cao mỗi năm. Số lượng giao dịch qua kênh số chiếm đến 95% tổng số lượng giao dịch của ngân hàng.
Bên cạnh những đột phá, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số, các TCTD cũng gặp không ít khó khăn như: hạ tầng, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn thiếu đồng bộ gây khó khăn trong việc liên thông, kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu. Chuyển đổi số nhanh, mạnh cũng gắn liền với nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn bảo mật thông tin cao hơn khi tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, cho chuyển đổi số còn thiếu hụt, trong đó có nhân lực công nghệ thông tin.
Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu; người dân, doanh nghiệp là trung tâm mục tiêu, động lực của chuyển đổi số; thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục bám sát các mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả. Đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa ngân hàng, TCTD với các ngành, lĩnh vực khác nhằm mang lại lợi ích tổng thể cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số. Tập trung tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả cùng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng nói riêng và của tỉnh nói chung.
Có thể bạn quan tâm