Hải Dương: Ứng dụng công nghệ số thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hiện nay, Hải Dương có 234 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng sao. Thời gian qua, các địa phương áp dụng ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
>>>Hải Dương sẵn sàng cho vải thiều “xuất ngoại”
Từ hỗ trợ liên kết ...
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 234 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng. Trong đó có 226 sản phẩm còn thời hạn, các sản phẩm còn lại đã hết hạn được công nhận.
Theo UBND tỉnh Hải Dương: Giai đoạn 2020-2022, tỉnh đã hỗ trợ 9 tỷ đồng cho 15 mô hình liên kết sản phẩm OCOP trên địa bàn Hải Dương. Trong đó hỗ trợ các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: cải bắp, cà rốt, dưa lưới, ổi, gạo bãi rươi, cam Thất Hùng, gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, bột sắn dây…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, hỗ trợ liên kết sản phẩm OCOP ứng dụng công nghệ số sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, "chắp cánh" cho các nông sản vươn xa.
Theo đó, các chương trình liên kết ứng dụng công nghệ số đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công Thương đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Tham dự lớp tập huấn có hơn 150 học viên đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hải Dương. Các học viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng về cung cấp sản phẩm hàng hóa, khai thác hiệu quả lợi thế từ các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Được biết, Hải Dương hiện có hơn 200 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông sản, thực phẩm chế biến… có chất lượng tốt, được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng.
Trong những năm qua, việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm còn hạn chế, việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định và cần được mở rộng tới nhiều thị trường tiềm năng. Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và đang trở thành công cụ hữu hiệu để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh nhất.
...đến ứng dụng công nghệ số xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP
Theo đại diện sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn, thời gian qua khoảng 1.500 mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của Hải Dương được tiêu thụ trên 2 sàn thương mại này. Các sản phẩm của trên 800 nhà cung cấp là các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tốt và có lượng tiêu thụ cao như hành tỏi Kinh Môn, vải sấy khô Thanh Hà, su hào, cải bắp, cà rốt Đức Chính, gà đã qua chế biến...Đây đều là các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc theo hướng an toàn.
Ông Đào Hữu Thuân – GĐ sản phẩm trứng gà Cẩm Đông: Từ đầu tháng 4/2023 đến nay, giá bán buôn trứng gà trên thị trường hạ xuống còn 1.800-1.900 đồng/quả. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP 3 sao "Trứng gà Cẩm Đông” luôn duy trì mức 1.950-2.000 đồng/quả. Theo ông Thuân, sản phẩm trứng gà Cẩm Đông từ ngày đạt OCOP 3 sao, có truy xuất nguồn gốc từ giống đến quy trình sản xuất nên trứng luôn được khách bao tiêu toàn bộ.
Ban đầu hồ sơ OCOP của trứng gà Cẩm Đông có nhiều tiêu chí đạt điểm cao như liên kết trong sản xuất, tăng trưởng doanh thu, sử dụng lao động địa phương. Đến nay, sản phẩm đã đạt thêm nhiều tiêu chí như loại hình sản xuất, kinh doanh, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc trên bao bì, nhãn mác… Từ cuối quý I/2023, các gia trại nhà ông Thuân thử nghiệm thành công và phổ biến cho các thành viên trong HTX Kinh doanh và dịch vụ thương mại Cẩm Đông sử dụng chế phẩm vi sinh Ja Biotic của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gà, nhằm chuyển đổi chủ thể “Trứng gà Cẩm Đông” từ cá nhân sang tập thể.
Ông Nguyễn Đức Thuật - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết: Nhờ có chuyển đổi số mà hơn 20 doanh nghiệp Hàn Quốc đang nhập khẩu trực tiếp cà rốt Đức Chính. Còn ông Vũ Đình Phong, Giám đốc công ty TNHH Chicken P.T chia sẻ: Hành trình xây dựng thương hiệu để sản phẩm của công ty trực tiếp đến được với khách hàng nhờ công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: Địa phương đã triển khai đề án xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản. Trong đó, địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó xây dựng các mã truy xuất nguồn gốc, khẳng định chất lượng nông sản. Xúc tiến hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực, có lợi thế; tham gia các hội chợ, quảng bá, giới thiệu nông sản của huyện...
Bà Hoàng Thị Loan - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng cho biêt: Thời gian qua huyện đã phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cơ quan chuyên môn của tỉnh, các doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa nông sản, sản phẩm OCOP trên các trang thương mại điện tử Hải Dương (http://hdmart.vn/), Voso.vn, thông qua nhiều website, các nền tảng Zalo, Facebook…Hiện Cẩm Giàng cũng đã quy hoạch vùng, xây dựng sản phẩm trọng điểm, thế mạnh đáp ứng các yêu cầu, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP.
Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung bước đầu ứng dụng công nghệ cao, tạo ra chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển, bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo lãnh đạo TX Kinh Môn: Địa phương đang tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm này; Hầu hết các sản phẩm OCOP đều được các chủ thể ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ.
Theo tỉnh Hải Dương: Thời gian qua, địa phương đã phối hợp cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp giới thiệu hàng hóa nông sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ xúc tiến thương mại, trên các trang thương mại điện tử Hải Dương và thông qua các trang thông tin số, các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý và chủ thể sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Trong đó, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP. Phát huy những sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đẩy mạnh chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm