Hải Phòng: Kết nối cung cầu, chuyển giao khoa học công nghệ
Hải Phòng đang chú trọng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong cung cầu công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hiện thực hoá mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.
>>>Hải Phòng: Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nước ngoài
Mở rộng hợp tác quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng động doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng. Tại Hải Phòng, địa phương này được đánh giá là điểm sáng của cả nước trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối cung cầu công nghệ.
Để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển, từ năm 2020 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng đã tổ chức gần 20 sự kiện kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài đến từ: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Hà Lan… Mới đây nhất, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc). Tại phiên kết nối này, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp công nghệ đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã giới thiệu và tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực: công nghệ bán dẫn, Internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, thủy sản, nông nghiệp, thực phẩm, máy nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thiết bị, công cụ…
Ông Lã Minh Tuấn - Trưởng đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), tại phiên kết nối cung cầu, các doanh nghiệp Đài Loan đã mang đến những công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là lĩnh vực thuỷ sản, cá giống và một số lĩnh vực khác. Phía các doanh nghiệp hy vọng những lĩnh vực này sau này sẽ đầu tư tại Hải Phòng.
>>>Hải Phòng: Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp năm 2023
Thực tế hiện nay, trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng còn nhiều hạn chế. Điều này đã khiến hàng hóa, sản phẩm mất đi cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, việc tổ chức phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đài Loan được cho là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp của 2 bên gặp gỡ, trao đổi thông tin và tiến tới đàm phán, chuyển giao công nghệ.
Bà Phạm Thị Sen Quỳnh – Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng cho biết: “Để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của thành phố, việc mở rộng hợp tác, quy tụ, tập hợp lực lượng, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực của các các cơ tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh, phát triển hoạt động KH&CN là hết sức quan trọng, cần thiết. Sự kiện kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp Đài Loan và doanh nghiệp Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm trong hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ của Sở KH&CN. Đây cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Đài Loan được gặp gỡ, nắm bắt nhu cầu, trao đổi thông tin, tìm hiểu về thiết bị công nghệ và nhu cầu đặt hàng của phía đối tác, tiến tới đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán công nghệ, thông qua đó thúc đẩy hoạt động chuyển giao, làm chủ công nghệ tiếp nhận từ ngoài nước vào Hải Phòng”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản Việt Nam: “Hầu hết các công ty của Đài Loan đều có những điểm để chúng tôi có thể học hỏi và tham khảo, cập nhật. Và đặc biệt, có 4 đơn vị nghiên cứu là viện nghiên cứu và các trường đại học có chuyên môn rất tương đồng với chúng tôi là về khoa học biển và khoa học thuỷ sản. Chúng tôi tin rằng, các hoạt động, các kết nối của chúng tôi sẽ mở rộng hơn rất nhiều sau lần kết nối này”.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Được biết, trong kế hoạch phát triển giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo của vùng Bắc Bộ; trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ biển của cả nước vào năm 2025; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển vào năm 2030.
Do vậy, nhu cầu đổi mới công nghệ, chuyển đổi số đang trở lên cấp thiết đối với các doanh nghiệp tại Hải Phòng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, TP Hải Phòng đang đưa ra các giải pháp để kết nối các doanh nghiệp với nhau, đưa công nghệ mới vào để giúp cho doanh nghiệp có thể tận dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Về phía Sở KH&CN, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện hỗ trợ 15 sản phẩm, tiếp tục nâng số lượng sản phẩm được hỗ trợ kết nối trên Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia năm 2023 và thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp. Cùng với đó, tập trung cao thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; triển khai thí điểm Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020; nghiên cứu triển khai thử nghiệm Bộ chỉ số đo lường kinh tế số tại Hải Phòng.... Đặc biệt, Sở KH&CN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, học tập kinh nghiệm, xúc tiến trong nước và nước ngoài…
Còn theo bà Phạm Thị Sen Quỳnh, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, nhiệm vụ của ngành KH&CN Hải Phòng là hết sức nặng nề. Thời gian tới, phía Sở KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ sâu hơn sau các phiên kết nối, giúp doanh nghiệp từng bước xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm