Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở, hộ nông dân đưa nông sản lên tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Nam Định.
>>>Nam Định: Đấu giá 14 mỏ cát để phát triển hạ tầng
Xu thế thời đại
Bắt nhịp xu hướng kinh doanh trong thời đại công nghệ, hiện nay, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước đưa các sản nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đó, góp phần mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT): Đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở, hộ nông dân đưa nông sản lên tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số của ngành, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế số của tỉnh.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Thời gian qua, tỉnh đã đưa ra rất nhiều giải pháp. Trong đó, nhiều giải pháp của ngành chức năng, chính quyền địa phương được triển khai đồng loạt góp phần đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trên môi trường điện tử.
Việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông sản Nam Định. Theo ông Nguyễn Xuân Hưng – GĐ Công ty nông sản Việt: Khi tham gia sàn TMĐT, doanh nghiệp được cơ quan chức năng hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT, đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch trên sàn TMĐT, thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hộ sản xuất nông sản tác nghiệp trong quá trình kết nối mua, bán.
Theo ông Hưng việc nông sản được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên kênh phân phối mới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đăc biệt khi sản phẩm được lên sàn TMĐT doanh nghiệp bắt buộc phải công khai niêm yết giá, chất lượng tới người tiêu dùng.
Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin liên quan đến nông sản như thị trường nông sản, phân bón…; dự báo nhu cầu tiêu thụ, năng lực sản xuất nông sản, tình hình thời tiết; cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Được biết, từ năm 2021, ngành Thông tin và Truyền thông (TT và TT), NN và PTNT đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại Voso.vn (Viettel) và PostMart.vn (Bưu điện tỉnh); Sở Công Thương khởi tạo, quản lý sàn thuongmainamdinh.vn nhằm kết nối các nhà cung ứng và các sản phẩm trong tỉnh với các khách hàng ở trong, ngoài nước.
Tham gia sàn giao dịch TMĐT, các cơ sở sản xuất được hướng dẫn, đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng kết nối mua bán trực tuyến, hoạt động trên môi trường số; được hỗ trợ đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và thực hiện thành thục các quy trình thanh toán trực tuyến.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sau khi triển khai bán hàng trên các gian hàng trực tuyến, các doanh nghiệp tăng nhanh số đơn đặt mua sản phẩm, doanh thu tăng trên 30% so với trước khi tham gia sàn TMĐT.
Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh đưa nông sản lên tiêu thụ trên sàn TMĐT vẫn chưa nhiều; người bán hàng còn gặp nhiều khó khăn khi giao dịch, quản lý sản phẩm trên sàn TMĐT. Nguyên nhân của những bất cập kể trên chủ yếu do quy mô của đại đa số hộ cá thể, hợp tác xã tham gia tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT còn nhỏ, thiếu nhân lực, kỹ năng kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.
Hướng dẫn đồng hành
Nắm bắt kịp thời những khó khăn đó của nông dân, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương tăng cường phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn các tổ chức, cơ sở, hộ sản xuất nông nghiệp xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá trực tuyến trên mạng xã hội; triển khai thiết lập các gian hàng trên các sàn TMĐT; chú trọng hoạt động chăm sóc người tiêu dùng sau bán hàng để gia tăng sức thu hút cho sản phẩm.
Sở NN và PTNT đã đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của nông sản; phổ biến ứng dụng công nghệ số để quản lý sản xuất, thiết lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm (triển khai các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như GAP, HACCP, ISO…); theo dõi sản xuất bằng nhật ký điện tử; sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 150 cơ sở sử dụng phần mềm định danh điện tử để quảng bá sản phẩm, phục vụ truy xuất thông tin nguồn gốc sản phẩm; 33 cơ sở thiết lập nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất. Sở cũng hỗ trợ cho trên 100 cơ sở với 250 sản phẩm kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử lớn.
Sở Công Thương duy trì hoạt động của sàn TMĐT Nam Định tại địa chỉ thuongmainamdinh.vn và liên tục hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung kiến thức, kỹ năng giao dịch điện tử, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch. Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” thông qua nhiều việc làm cụ thể như: Rà soát, đưa thông tin sản phẩm và thông tin hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn. Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên. Phát triển mạng lưới cộng tác viên, đại lý bán hàng với mục tiêu tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn 3 cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm, dịch vụ của Bưu điện Việt Nam. Xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân, chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Theo Sở Thông tin & Truyền thông: Sở đẩy mạnh củng cố, nâng cấp hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ số trong mua bán, giao dịch thương mại; tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập huấn cho hơn 2.000 tổ Công nghệ số cộng đồng với hơn 16 nghìn thành viên ở thôn, xóm trên địa bàn tỉnh làm hạt nhân hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số và đặc biệt là những nền tảng phục vụ TMĐT như ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
Cùng với các ngành chức năng, các huyện, thành phố cũng nỗ lực đưa gần 200 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trên địa bàn tham gia sàn giao dịch TMĐT, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của các địa phương.
Trong đó, huyện Vụ Bản đưa 14 sản phẩm OCOP mới được công nhận gồm: mật ong Tân Khánh (xã Tân Khánh); kẹo lạc Nga Giáp (xã Kim Thái); giò lụa Vũ Chuyên (xã Liên Minh); thịt bò (thị trấn Gôi); rượu men lá (xã Tam Thanh); gạo Bốn Thuận (xã Hợp Hưng)…
Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh có trên 1.700 hộ dân với gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp đã tham gia sàn TMĐT Voso.vn và Postmart.vn. Ngoài ra các cơ sở sản xuất đã tiếp cận khai thác các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook và các sàn thương mại lớn khác làm kênh mua bán nông sản, góp phần mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại, bền vững thông qua nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Có thể bạn quan tâm