14 lô cát nằm tại khu vực ven biển vừa được tỉnh Nam Định lên kế hoạch đấu giá khai thác, phục vụ việc san lấp mặt bằng các công trình, dự án đã, đang và sẽ triển khai ở địa phương.
>>>Nam Định: Thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2023. Theo ước tính (giai đoạn 2025 - 2030) cần từ 80 - 100 triệu m3 khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường để san lấp cho các công trình tại địa phương. Nhằm đáp ứng nhu cầu về cát trong hoạt động xây dựng hạ tầng của địa phương, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành QĐ số 2066/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2023.
Theo Quyết định được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, vị trí các lô mỏ cát được đấu giá nằm tại khu vực ven biển 2 huyện, tổng cộng là 14 lô cát chưa thăm dò khoáng sản, trong đó tại huyện Giao Thủy có 6 lô, tại huyện Nghĩa Hưng có 8 lô, tổng diện tích là 1.400ha, tổng trữ lượng quy hoạch là 52.700.000m3.
Theo UBND tỉnh Nam Định, một trong những mục đích của việc đấu giá trên là nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp cát san lấp các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: Dự án xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN): Bảo Minh mở rộng, Hồng Tiến, Trung Thành, Giao Thịnh, Hồng Thuận, Hải Long);
Các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình; các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện; Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, công trình phục vụ dân sinh, công trình xây dựng nông thôn mới; kế hoạch triển khai các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh giai đoạn 2025-2030. Được biết, hiện nay nhu cầu cát san lấp cho các công trình ước tính cần khoảng 80.100 triệu m3.
Theo kế hoạch, các mỏ cát khu vực ven biển huyện Giao Thủy để phục vụ các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, thành phố Nam Định và một phần huyện Hải Hậu. Các mỏ cát khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng để phục vụ các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện: Nghĩa Hưng, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc và một phần huyện Hải Hậu.
Các yêu cầu được nêu trong kế hoạch là vị trí các mỏ cát đấu giá quyền khai thác khoáng sản nằm trong diện tích quy hoạch khai thác cát đã được HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh phê duyệt. Theo kế hoạch: "Thuộc khu vực ít có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hệ thống đê biển và khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy, khu sinh thái Rạng Đông". Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá, về khoáng sản; tổ chức các cuộc đấu giá minh bạch, công khai, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.
Về phương thức tiến hành đấu giá theo các quy định hiện hành, thời gian, trình tự thực hiện; giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, UBND các huyện có liên quan; ấn định thời gian hoàn thành đấu giá trong quý III/2024. Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát của chính quyền tỉnh Nam Định ban hành trong bối cảnh nhiều công trình, dự án ở tỉnh và ở nhiều tỉnh, thành khác gặp khó khăn về nguồn vật liệu san lấp mặt bằng; hoạt động khai thác cát lậu diễn biến phức tạp.
Theo tỉnh Nam Định: trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã cấp phép các giấy phép thăm dò cát sông và cát biển làm vật liệu san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, các cơ sở khai thác cát trên địa bàn tỉnh thường áp dụng các phương thức khai thác cát truyền thống; công nghệ cũ và lạc hậu nên luôn tiềm ẩn sự cố dò rỉ dầu mỡ ra môi trường nước mặt, tiếng ồn của máy nổ. Việc khai thác không tuân thủ thiết kế làm ảnh hưởng đến dòng chảy.
Trong quá trình bốc xúc, tập kết cát lên bãi chứa, vận chuyển cát chưa thực hiện tốt việc xử lý bụi, còn thường xuyên để cát bay, rơi vãi dọc đường; việc neo đậu tàu thuyền khai thác ở các khu vực gần bãi tập kết cát cũng đang gây ra khá nhiều bức xúc trong nhân dân. Công tác quản lý khai thác cát trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân được xác định một phần do địa phương chưa nghiêm túc thực hiện kiểm kê, đánh giá trữ lượng khoáng sản còn lại sau khai thác hằng năm tại các dự án khai thác cát, dẫn đến khó kiểm soát khối lượng thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tính đến nay tỉnh có hàng trăm bến bãi tập kết, kinh doanh cát và các loại vật liệu xây dựng, điều này không những gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng mà còn là điều kiện thuận lợi cho việc tập kết, mua bán, kinh doanh cát trái phép của chủ bến bãi.
Hầu hết các bến bãi ở mép bờ sông nên chủ bến lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh, giấy phép khai thác được UBND các tỉnh lân cận cấp; lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ của các lực lượng chức năng để hoạt động khai thác cát trái phép. Ngoài ra, với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng đang ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh, cùng với việc khai thác tài nguyên cát mang lại giá trị kinh tế cao, hoạt động khai thác trong lĩnh vực này đã xuất hiện tình trạng khai thác không đúng thiết kế mỏ, khai thác ngoài phạm vi, ranh giới, vượt công suất, thời gian quy định, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cần siết chặt công tác quản lý khai thác cát trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ngăn chặn khai thác cát trái phép. Sở TN và MT căn cứ trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, nhiệm vụ đã được ban hành và tình hình thực tế, yêu cầu các công ty được cấp phép khai thác cát phải chịu trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở có biện pháp giám sát, theo dõi tàu thuyền được phép ra, vào khu vực mỏ; không được khai thác ngoài phạm vi khu vực mỏ đã được cấp phép. Nghiêm chỉnh chấp hành đăng ký phương tiện ra, vào mỏ phục vụ khai thác, vận chuyển cát; đăng ký kế hoạch khai thác với Sở TN và MT.
Giám sát các phương tiện ra, vào khu vực mỏ cấp phép đảm bảo chỉ những phương tiện đã được đăng ký và có sự chấp thuận bằng văn bản của Sở TN và MT mới được phép ra, vào khu vực mỏ phục vụ khai thác, vận chuyển cát. Mọi sự thay đổi về quy trình công nghệ khai thác, phương thức khai thác, phương tiện khai thác, số lượng tàu khai thác phải được đăng ký bổ sung bằng văn bản và được Sở TN và MT chấp thuận mới được tổ chức thực hiện.
Không được khai thác vượt quá công suất, vượt quá độ sâu cho phép. Trong quá trình khai thác yêu cầu phải lập và lưu giữ nhật ký khai thác; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản khai thác.
Thời gian tới, Sở TN và MT sẽ tiếp tục thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về TN và MT trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm soát các bến bãi tập kết cát, kiểm tra nguồn gốc khoáng sản vì đây là khâu quan trọng để chặt đứt đường dây khai thác, tiêu thụ cát trái phép. Về lâu dài, khuyến khích và nghiên cứu để sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cho cát khai thác tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm