Quảng Ninh: Tăng cường “mở” cánh cửa thương mại điện tử
Tỉnh Quảng Ninh đang tăng cường nhiều giải pháp, giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thương mại điện tử (TMĐT) để thúc đẩy kinh doanh và phát triển theo hướng hiện đại.
>>>Quảng Ninh: Mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 2 tỷ USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo
>>>Quảng Ninh: Ẩm thực tạo điểm nhấn hút khách
Mở cánh cửa TMĐT
Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán đang trở thành kênh quảng bá, giới thiệu hiệu quả cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tại tỉnh Quảng Ninh, để phát triển kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã và đang tập trung đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bán hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Hiện địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 156 website về TMĐT, trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT.
Đặc biệt, không chỉ tiên phong trong chương trình OCOP, Quảng Ninh còn là địa phương đi đầu trong giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các sàn TMĐT. Tính đến nay, sàn TMĐT OCOP tỉnh Quảng Ninh đang giới thiệu 535 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 322 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (tương đương 96% sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh). Tất cả sản phẩm OCOP đạt chuẩn được đưa lên các sàn TMĐT đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đầu năm 2023 đến nay có khoảng 180.016 nghìn lượt khách truy cập vào website về TMĐT. Số lượng đơn hàng đã đặt là trên 300 đơn.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công, một trong những giải pháp mới và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông, đặc sản hay các sản phẩm OCOP của địa phương chính là việc phân phối tiêu thụ hàng hóa qua các kênh TMĐT. Để TMĐT trở thành một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến tại Quảng Ninh, Cục TMĐT sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong việc thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, phát triển bán lẻ trực tuyến trong thời đại công nghệ 4.0.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Đồng thời, 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử...
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với những chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, cũng như TMĐT xuyên biên giới. Địa phương này cũng đang đẩy mạnh phát triển TMĐT gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại điện tử do (FTA) với Việt Nam. Theo đó, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh.
Theo đại diện Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, phía công ty đang tích cực tiếp cận với các hình thức thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp thúc đẩy, quảng bá các sản phẩm của công ty, tiếp cận với nhiều bạn hàng, thị trường mới hơn trong thời gian tới.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ TMĐT xuyên biên giới. Để tận dụng được lợi thế này, Quảng Ninh cần có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.
Cũng theo ông Thành, Quảng Ninh cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới, nâng cao tuyên truyền phổ biến pháp luật TMĐT và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua TMĐT, TMĐT xuyên biên giới.
Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số
Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022, do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố, Chỉ số TMĐT của Quảng Ninh năm 2022 xếp hạng 11 trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được khảo sát. Doanh số TMĐT nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch TMĐT của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Thực tế, phát triển TMĐT được cho là cơ sở để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh.
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển của các công cụ TMĐT sẽ là nền tảng giúp mang lại những đóng góp lớn cho tăng trưởng nền kinh tế. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp bán lẻ có thể tiếp cận, giữ chân khách hàng một cách hiệu quả. Thời gian tới, phía trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia vào sàn và các sàn TMĐT uy tín. Cùng với đó, tiếp tục lồng ghép sàn TMĐT tại các hoạt động hội chợ, triển lãm.
Được biết, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào TMĐT, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung phát triển hạ tầng thương mại số gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại. Địa phương này cũng đã có nhiều cuộc kết nối, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các kênh TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso… Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm