Vụ doanh nghiệp du lịch tại Cát Bà kêu cứu: Thủ tướng yêu cầu TP Hải Phòng kiểm tra
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Văn bản nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ nhận được đơn của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải phản ánh một số nội dung liên quan đến việc chính quyền thành phố Hải Phòng ban hành văn bản yêu cầu tháo dỡ các công trình du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường đã được xây dựng từ nhiều năm, đẩy doanh nghiệp đến bên vờ vực phá sản.
Trước đó, sự việc đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận và các cơ quan báo chí, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng có bài phản ánh: Từ việc chưa định danh rõ thế nào là “du lịch sinh thái” đến việc lúng túng trong quản lí Vườn Quốc gia Cát Bà của chính quyền TP Hải Phòng đã đẩy nhiều doanh nghiệp và thế “khốn cùng”.
Sau hơn 10 năm liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà để xây dựng mô hình dịch vụ “du lịch sinh thái”, 6 doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Chưa kịp thu hồi vốn thì mới đây, UBND thành phố Hải Phòng có Thông báo số 309/TB-UBND sẽ tháo dỡ các công trình trên mà không đả động gì đến vấn đề bồi thường thiệt hại.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp căn cứ vào Quyết định số 492 Ngày 24/3/2009 của UBND thành phố Hải Phòng thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo chi phí thường xuyên. Đơn vị này thay mặt Vườn quốc gia Cát Bà để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái… và các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.
Theo đó, 6 doanh nghiệp đã liên kết với Vườn quốc gia Cát Bà để xây dựng mô hình dịch vụ du lịch sinh thái thí điểm, gồm: Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh; Công ty cổ phần thương mại Tùng Long; Công ty cổ phần thương mại Thanh Bình; Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa; Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản TM Thùy Trang; Công ty TNHH Đảo Cát.
Để thực hiện mô hình thí điểm này, các doanh nghiệp đã nhận được một số văn bản ủng hộ của UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà, Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Đồng thời có đơn xin phép và thông báo về việc triển khai trong từng giai đoạn gửi UBND huyện Cát Hải và các ban, ngành liên quan, có đơn gửi UBND thành phố về việc chấp thuận cho các công ty lập dự án đầu tư.
Từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại các điểm: Vườn Vải trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà, Cát Dứa 1, Cát Dứa 2, Bãi Nam Cát, Hòn Ba Cát Bằng... trị giá hơn 600 tỷ đồng và kinh doanh ổn định. Các mô hình hình dịch vụ du lịch sinh thái này chính là những điểm nhấn thiên nhiên hoang sơ nổi bật, tạo sức hút và quảng bá hình ảnh du lịch Cát Bà không chỉ trong nước mà lan rộng ra quốc tế. Mô hình vừa kết hợp tuyên truyền giáo dục môi trường thân thiện rộng rãi đến du khách và cộng động địa phương về những giá trị to lớn của thiên nhiên đa dạng sinh học tại khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Không những vậy, ngày 11/9/2017, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành Quyết định số 2360 về đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái.
Theo tìm hiểu của PV, mô hình sinh thái của 6 doanh nghiệp luôn phù hợp với các Quyết định của UBND TP Hải Phòng (Quyết định số 2119/QĐ-UB phê duyệt đề án phát triển Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà; Quyết định số 2501/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Cát Bà đến năm 2020; Quyết định số 2360/QĐ–UB phê duyệt đề án cho thuê Môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà; Quyết định số 33/QĐ-UB quy định giá thuê môi trường rừng Vườn Quốc gia Cát Bà). Đặc biệt là quá trình đầu tư du lịch sinh thái của 6 doanh nghiệp không bị cơ quan chức năng nào lập biên bản về việc xây dựng. Trái lại luôn được lãnh đạo Vườn, UBND huyện Cát Hải giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, khuyến khích hoạt động.
Thậm chí, ngày 25/03/2020, liên ngành gồm: Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố, UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tiến hành họp về thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, và đã đi đến thống nhất kết luận, chưa đủ cơ sở, căn cứ để tháo dỡ các công trình xây dựng của các doanh nghiệp liên doanh liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà…
Về mặt nguyên tắc, dự án có sai phạm thì cũng phải chấp nhận bị thu hồi, tháo dỡ nhưng trong trường hợp cái sai đó không xuất phát từ chủ quan của doanh nghiệp… mà bắt doanh nghiệp chịu cả rủi ro thì không công bằng. Nếu doanh nghiệp làm đúng quy trình, thủ tục, còn sai phạm là của chính quyền, của người ra quyết định thì không thể thu hồi một cách tùy tiện bằng quyết định hành chính được.
Vì thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Vườn, nhiều người đã phải bán cả nhà, cả xe, dồn tất cả vốn liếng, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, kinh doanh, góp phần đưa hình ảnh Cát Bà tới hàng triệu du khách quốc tế. Bây giờ, bỗng dưng bắt họ phải dừng lại, phá dỡ các công trình thì rất khó chấp nhận, không khác gì bị phụ công và nuốt lời hứa.
Có thể bạn quan tâm