Doanh nghiệp logistics "kêu trời" với mức phạt lỗi khai hải quan
Các doanh nghiệp logistics đang hoang mang với mức xử phạt vi phạm khai hải quan cho một vận đơn gấp 10 đến 20 lần phí dịch vụ thu được của một lô hàng.
Nhiều đại lý hãng tàu, các công ty logistics, các đại lý vận tải khu vực miền Bắc có văn bản gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan phản ánh về mức xử phạt theo Nghị định 128/2020/NĐ-CP là quá cao và bất hợp lý đối với các đơn vị làm dịch vụ logistics.
Theo đó, Nghị định 128/2020/NĐ-CP có nêu điểm a,b,c khoản 4 Điều 8 qui định về khai hải quan phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- a) Khai sai số lượng vận đơn chủ, vận đơn thứ cấp trên bản khai hàng hóa của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
- b) Khai sai số lượng hành khách trên danh sách hành khách của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
- c) Khai sai số lượng kiện hành lý trên bản khai hành lý của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Các doanh nghiệp cho rằng, lý do phạt như vậy chưa hợp lý vì từ trước đến nay, việc khai báo muộn vận đơn trên E-Manifest đã từng xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Do hệ thống hải quan thường xuyên bị lỗi, không ổn định. Có những hôm hệ thống bị tắc nghẽn nửa ngày đến 1 ngày làm việc.
Hay nguyên nhân liên quan đến thời hạn deadline khai báo: Theo quy định, nhân viên đại lý vận tải phải khai báo E- Maniest 12 tiếng trước khi tàu vào. Nhưng trên thực tế có những hồ sơ tàu đóng hồ sơ rất sớm, trước vài ngày so với giờ tàu cập cảng hoặc đóng hồ sơ ngay trong ngày tàu chạy (Ví dụ hàng tuyến Singapore – Hải Phòng nhưng cập cảng TP.Hồ Chí Minh hoặc hàng đi tuyến ngắn Hongkong - Hải Phòng), vì vậy nhân viên chứng từ không có đủ thời gian để nhập liệu và khai báo kịp deadline.
Một nguyên nhân nữa là nhân viên chứng từ của các công ty đại lý vận tải hoàn toàn bị động về mặt thời gian trong việc nhận thông tin chứng từ bên đại lý nước ngoài do múi giờ làm việc các nước khác nhau.
Theo đơn kiến nghị, các doanh nghiệp logistics chia sẻ, từ khi nhận được thông báo về việc triển khai nghị định 128/ 2020/NĐ- CP doanh nghiệp họ vô cùng lo lắng, hoang mang vì mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng cho một hành vi khai báo muộn, khai báo sai số lượng vận đơn là quá cao so với lỗi nhỏ của người lao động.
“Việc xử phạt với mức 5 triệu đến 10 triệu cho hành vi phạm lỗi khai báo vận đơn là không khoa học, bất hợp lý không mang tính nhân văn với người lao động chân chính” – đại diện một doanh nghiệp nhận định. Doanh nghiệp này cho biết, với lỗi tương tự như vậy nhưng Nhật Bản chỉ xử phạt mức 5.000 yên Nhật (khoảng 1.123.000 đồng), tức là mức phạt của Việt Nam ta cao gấp gần 10 lần mức phạt của Nhật.
Mặc dù Nghị định 128/2020/NĐ-CP mới có hiệu lực gần 1 tháng, tuy nhiên đã có nhiều doanh nghiệp mắc phải lỗi phạt vô lý này. Một số chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc nhân viên chứng từ xin thay đổi công việc, xin nghỉ việc vì mức phạt của Nghị định liên quan đến việc khai báo vận đơn. Hơn nữa , mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng cho một vận đơn gấp 10 đến 20 lần phí dịch vụ thu được của một lô hàng.
“Mong rằng Chính phủ, các cơ quan ban ngành có liên quan đến việc xây dựng và thi hành xem xét lại mức phạt của khoản 4 Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP giảm mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai báo vận đơn không đúng thời hạn và sai số lượng vận đơn” – một doanh nghiệp đề xuất.
Anh Đặng Trung T. – nhân viên giao dịch của một hãng tàu tại Hải Phòng chia sẻ: “Việc Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị định trên sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp logistics, gián tiếp trừng phạt người lao động. Mức lương trung bình doanh nghiệp trả cho nhân viên chứng từ chúng tôi khoảng từ 5 đến 8 triệu đồng. Nếu nghị định trên đi vào thực hiện thì vô tình đã đẩy người lao động vào hoàn cảnh túng quẫn. Họ mất đi hơn một tháng lương, họ lấy gì để mưu sinh, để nuôi con ăn học trong thời buổi nạn dịch COVID-19 đang đẩy nền kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay?”.
Theo nhiều doanh nghiệp, về cơ bản luôn đồng ý với chủ trương tăng cường giám sát việc chống lậu để chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nên tăng cường việc giám sát một lô hàng ngay từ đầu nguồn xuất xứ, để kiểm soát hàng lậu chứ không phải bắt lỗi phần ngọn như hiện nay.
“Tổng cục Hải quan cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cán bộ thi hành quy chiếu hành vi vi phạm khai báo thiếu vận đơn, sai vận đơn về lỗi cá nhân, áp dụng mức phạt cho cá nhân trong trường hợp sai do người lao động. Đồng thời, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết cán bộ Hải quan khi thi hành nhiệm vụ có góc nhìn hợp lý về quy chiếu hành vi vô tình hay cố ý, hành xử một cách nhân văn đối với người lao động, giảm nhẹ tình tiết, không thẳng tay áp dụng mức phạt ở mức cao nhất” – một trong số những doanh nghiệp đang hoang mang kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm