Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho doanh nghiệp: Thấy gì từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước?
Theo Kiểm toán Nhà nước, giá trị vốn cổ phần của Nhà đầu tư tại Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 chỉ còn nắm giữ 20 tỷ đồng/600 tỷ đồng, tương đương 3% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục thông tin, Quyết định điều chỉnh tên pháp nhân sử dụng đất của UBND Thành phố Hà Nội vừa qua để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5, khiến một doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, làm “thay da, đổi thịt” mảnh đất Thanh Oai, Hà Đông là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) đứng trước nguy cơ “tay trắng”. Điều đáng nói, trong vụ việc này là toàn bộ quyền lợi tại dự án này “bỗng nhiên” được giao cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, một đơn vị vốn là Nhà đầu tư, nhưng đã chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan.
Có thể thấy rõ tại Báo cáo số 327/KTNN-TH ngày 14/10/2020 của Kiểm toán Nhà nước tại Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam tỉnh Hà Tây theo hợp đồng BT. Theo đó, tại mục 2.2 về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, theo Điều 3, Hợp đồng BT, Nhà đầu tư có nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu bằng 10% vốn dự án BT (tương đương 608 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án là 60 tháng. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay, Dự án BT đã bị chậm tiến độ khoảng 84 tháng nhưng dòng vốn của Nhà đầu tư đã tham gia vào Dự án BT mới chỉ đạt 165,413 tỷ đồng, trong đó bao gồm: vốn góp cổ phẩn tại doanh nghiệp dự án là 20 tỷ đồng; trực tiếp thanh toán một số chi phí đầu tư là 145,413 (tỷ lệ đạt 27,13% tổng vốn đã cam kết).
“Đến nay, giá trị vốn của Nhà đầu tư tại Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 chỉ còn nắm giữ là 20 tỷ đồng/600 tỷ đồng, tương đương 3% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp”, nội dung báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Cũng cần phải nói thêm, sau khi Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Cienco 5 Land ký Hợp đồng BT với UBND tỉnh Hà Tây (cũ), ngày 31/7/2008 hai đơn vị này đã ký hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ về việc thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, ngày 9/6/2010 tiếp tục ký Phụ lục Hợp đồng kinh tế số PL1-HDD872-BT/HĐ.
“Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý đầu tư, xây dựng và kinh doanh Hợp đồng BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây”, nội dung trong hợp đồng thể hiện rõ.
Theo đó, Cienco 5 Land có quyền và nghĩa vụ thực của doanh nghiệp dự án theo Hợp đồng BT và phải thanh toán cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 mức lợi nhuận khoán đã thỏa thuận, cùng toàn bộ các khoản phí mà Tổng công ty này đã đầu tư vào dự án cho đến thời điểm ký Hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Cienco 5 Land cho biết, đơn vị đã thanh toán toàn bộ lợi nhuận khoán cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 số tiền là 131.722.590.000 đồng.
Theo tìm hiểu, để thực hiện Hợp đồng BT với UBND tỉnh Hà Tây và hợp đồng kinh tế đã nêu, Cienco 5 Land đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5, cụ thể: Cienco 5 Land đã đầu tư vốn thực hoàn thành việc xây dựng 20,3km đường trục phía Nam theo Hợp đồng BT; thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Thanh Hà A-Cienco 5; Khu đô thị Thanh Hà B-Cienco 5; thanh toán khoản lợi nhuận khoán và các chi phí đầu tư ban đầu cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5.
Đặc biệt, Cienco 5 Land cũng đã thanh toán số tiền 510 tỉ đồng, đây là khoản tiền chênh lệch giữa tổng mức đầu tư của dự án đường trục phía Nam với tiền sử dụng đất của các dự án hoàn vốn mà doanh nghiệp dự án được giao để thực hiện các dự án hoàn vốn của UBND TP Hà Nội theo quy định của pháp luật và quyết định của UBND TP Hà Nội.
Quay trở lại những “bất thường” trong trình tự thủ tục để ra Quyết định số 5269/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng quy trình thực hiện không đúng.
Đây là một vụ việc liên quan đến chính nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án thực hiện theo quy định của hợp đồng BT với cơ quan nhà nước. Do vậy, trình tự thủ tục để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong hợp đồng đó bắt buộc phải đàm phán thương thảo giữ 3 bên là UBND TP Hà Nội, Tổng công ty công trình giao thông 5 và Cienco 5 Land. Sau khi đàm phán thương thảo xong thì phải được sự đồng ý của tất cả các bên và ký phụ lục.
Tức là, sau khi có phụ lục rồi mới có thể bắt đầu trình tự, thủ tục, quyết định có điều chỉnh hay không, điều chỉnh lại mức độ như thế nào, tính toán về tài chính và các phần công việc mà các bên đã làm, như thế mới đảm bảo tính chặt chẽ và đúng quy định của luật.
“Trong trường hợp này, phụ lục đã không được ký, UBND TP Hà Nội trực tiếp điều chỉnh, bỏ qua ý kiến của cơ quan tham mưu là sở Tư pháp, việc này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp dự án Cienco 5 Land”, Luật sư Luân nói.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Cienco 5 Land được giao đất đúng quy định pháp luật
21:27, 08/12/2020
Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: Quyết định giao đất cho Cienco 5 Land là đúng luật
05:00, 10/12/2020
KĐT Thanh Hà - Cienco 5: Người dân, doanh nghiệp chịu khổ vì một quyết định
15:30, 16/12/2020
Cienco 5 Land công bố thông tin vụ Hà Nội điều chỉnh Quyết định giao đất
14:30, 18/12/2020
Điều chỉnh tên người sử dụng đất tại dự án KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5: Không có căn cứ
07:00, 15/01/2021
Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho Cienco 5 Land: Vi phạm Luật Doanh nghiệp
04:30, 16/01/2021
Vụ điều chỉnh tên người sử dụng đất tại KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5: Hà Nội yêu cầu rà soát lại cơ sở pháp lý
07:30, 16/01/2021
Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho Cienco 5 Land: Vi phạm Luật Đất đai
11:01, 21/01/2021