Doanh nghiệp quản lý Động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 4): Chính quyền “phủi tay” trách nhiệm?

GIA NGUYỄN - NGUYÊN GIANG 07/01/2022 04:20

Với các văn bản bất nhất, UBND TP. Thanh Hóa không chỉ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ trắng tay, mà còn thể hiện sự “phủi tay” trách nhiệm trong giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp…

>>> Doanh nghiệp quản lý Động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 3): Khuất tất hồ sơ cấp bằng di tích

Theo đó, không chỉ “cắt cúp” đi sự tồn tại của Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về việc quy định về quản lý, đầu tư, kinh doanh, khai thác các khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có dấu hiệu “gạt” doanh nghiệp ra khỏi dự án họ đã đầu tư, xây dựng gần 20 năm, Báo cáo số 57/TTr-BC ngày 25/2/2021 của Thanh tra TP. Thanh Hóa còn được cho có nhiều nội dung kết luận chưa đúng với thực tế.

Từ chủ trương thống nhất của các cấp chính quyền, Động Tiên Sơn sau khi được Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy đầu tư, xây dựng đã nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo - Ảnh tư liệu

Từ chủ trương thống nhất của các cấp chính quyền, Động Tiên Sơn sau khi được Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy đầu tư, xây dựng đã nhận được sự quan tâm của nhiều lãnh đạo thời bấy giờ - Ảnh tư liệu

Cụ thể, nội dung kết luận Báo cáo số 57/TTr-BC thể hiện, việc giao quản lý, đầu tư xây dựng khu vực Động Tiên Sơn trong quá trình tổ chức thực hiện có nhiều sai phạm, thiếu sót như:

Việc UBND phường Hàm Rồng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy theo hợp đồng số 01, xác lập ngày 22/7/2005 là không đúng thẩm quyền, nội dung hợp đồng trái với quy định của pháp luật.

Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy đầu tư xây dựng khi chưa có thủ tục giao đất, cho thuê đất, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công không có thẩm định và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và có công trình xây dựng không đúng mặt bằng quy hoạch.

>>Doanh nghiệp quản lý Động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 2): Chính quyền "tiền hậu bất nhất"

Tuy nhiên, như đã thông tin, ngày 28/7/2004, UBND thành phố có Công văn số 807/UB-KH đồng ý cho Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy tiến hành lập thủ tục đầu tư, mặt bằng quy hoạch định vị công trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thuê đất, đồng thời yêu cầu Công ty phối hợp với UBND phường Hàm Rồng để thống nhất và có phương án bảo vệ thắng cảnh, trật tự công cộng khi dự án hoàn thành.

Cùng với đó, tại chính các Kết luận Thanh tra từ năm 2019 trở về trước, đều khẳng định: “Việc hợp tác quản lý và khai thác Động Tiên Sơn do nhu cầu phát triển du lịch và phát huy giá trị văn hóa của khu du lịch Văn hóa Hàm Rồng, UBND Thành phố đã có chủ trương cho UBND phường Hàm Rồng được hợp tác để khai thác đối với Động Tiên Sơn, được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thống nhất. Vì vậy, việc UBND phường Hàm Rồng hợp tác với Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy để quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả Động Tiên Sơn là phù hợp. Dự án đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định thỏa thuận”. Vì đâu gần 20 năm đúng, bỗng chốc thành sai?

Vẫn là Kết luận Thanh tra nhưng sau gần 20 năm, đúng bỗng thành sai - Ảnh: GIA NGUYỄN

Vẫn là Kết luận Thanh tra về việc hợp tác đầu tư, xây dựng Động Tiên Sơn, nhưng sau gần 20 năm, đúng bỗng thành sai - Ảnh: GIA NGUYỄN

Còn về mặt pháp lý, theo hồ sơ, tư liệu cơ quan báo chí thu thập được thể hiện, ngày 25/4/2007 UBND thành phố có văn bản số 157/TT-UBND gửi UBND tỉnh về việc duyệt dự án đầu tư và quy hoạch chi tiết khu danh thắng Động Tiên Sơn, theo đó Chủ đầu tư là UBND TP. Thanh Hóa; Chủ dự án là Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy; nguồn vốn đầu tư do Công ty Kim Quy cùng UBND phường Hàm Rồng huy động vốn hợp pháp của các nhà đầu tư và các nguồn vốn khác để thực hiện. Dự kiến tổng mức đầu tư là 9.648.000.000 đồng, có dự án chi tiết kèm theo mặt bằng quy hoạch tổng thể (nội dung được nêu trong Báo cáo số 32/BC-UBND ngày 24/4/2020 của UBND phường Hàm Rồng gửi Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, nội dung Báo cáo số 32/BC-UBND cũng cho thấy, tại văn bản số 1032/SXD-QH ngày 07/6/2007 của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa gửi UBND TP. Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Động Tiên Sơn trong đó nêu rõ: “ Trên cơ sở đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch văn hóa Hàm Rồng tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP. Thanh Hóa tổ chức thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Động Tiên Sơn theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Vậy, Báo cáo số 57/TTr-BC có cố tình làm sai lệch nội dung, bản chất thực tế? Động cơ ở đây là gì? Có hay không việc “sắp xếp” tình tiết vi phạm gây bất lợi để “đẩy” doanh nghiệp ra ngoài với tình trạng trắng tay?

Văn bản của Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tưởng chừng minh bạch nhưng thực tế không như kỳ vọng

Văn bản của Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tưởng chừng minh bạch nhưng thực tế không như kỳ vọng - Ảnh: GIA NGUYỄN

Không chỉ có vậy, Báo cáo số 32/BC-UBND ngày 24/4/2020 của UBND phường Hàm Rồng gửi Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa và Báo cáo số 57/TTr-BC ngày 25/2/2021 của Thanh tra TP. Thanh Hóa cũng đề xuất trong trường hợp thực hiện thanh lý, chấm dứt hợp để giao về Nhà nước quản lý sẽ phải có giải pháp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư, xây dựng Động Tiên Sơn.

Và chính tại văn bản số 2441/UBND-TTr ngày 25/7/2021 về việc quản lý Động Tiên Sơn, phường Hàm Rồng sau khi thu hồi, hủy bỏ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa UBND phường Hàm Rồng với Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy do Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa – Trịnh Huy Triền ký cũng đưa ra 2 phương án giải quyết, trong đó, “phương án 1: Xử lý sau khi thanh lý, chấm dứt hợp đồng – Hoàn trả kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cho Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy… phương án 2: Tiếp tục giao Công ty Cổ phần Di lịch Kim Quy quản lý, khai thác”. 2 phương án này được đưa ra và nếu được thực hiện một các nghiêm túc, minh bạch đều đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Thế nhưng, bản chất nội dung văn bản và thực tế hiện nay lại không đúng với những gì Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa – Trịnh Huy Triền đã nêu trong văn bản, thay vì đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp sau gần 20 năm đầu tư, xây dựng, các cấp chính quyền liên tục thúc ép doanh nghiệp bàn giao tài sản của mình mà không có phương án bồi thường hay thống kê kiểm đếm.

Liệu chính quyền có đang “phủi tay” trách nhiệm? Giống như phát ngôn của Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng - Lê Thị Thanh: “Trách nhiệm của phường không thể bồi thường được. Phường lấy đâu ra tiền để bồi thường(?)”, phường không thể bồi thường, thành phố thì sao? Đơn vị nào sẽ đứng ra đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp?

Kỳ 5: Cần một quyết định… công bằng

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 3): Khuất tất hồ sơ cấp bằng di tích

    Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 3): Khuất tất hồ sơ cấp bằng di tích

    04:30, 06/01/2022

  • Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 2): Chính quyền

    Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 2): Chính quyền "tiền hậu bất nhất"

    04:20, 05/01/2022

  • Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 1): Gần 20 năm xây dựng bỗng… trắng tay

    Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 1): Gần 20 năm xây dựng bỗng… trắng tay

    04:20, 04/01/2022

  • Bình Thuận: Hiệp hội thanh long kêu cứu

    Bình Thuận: Hiệp hội thanh long kêu cứu

    03:30, 28/11/2021

  • Hà Nội: Cư dân KĐT Việt Hưng kêu cứu vì bị tăng phí dịch vụ sai quy trình

    Hà Nội: Cư dân KĐT Việt Hưng kêu cứu vì bị tăng phí dịch vụ sai quy trình

    05:00, 24/11/2021

GIA NGUYỄN - NGUYÊN GIANG