Xoay quanh vụ việc kêu cứu của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy, bên cạnh việc “bỏ rơi” quyền lợi của doanh nghiệp, nhiều văn bản do UBND TP. Thanh Hóa ban hành còn cho thấy sự bất nhất…
>> Doanh nghiệp quản lý Động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 1): Gần 20 năm xây dựng bỗng… trắng tay
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, dù thực hiện đầu tư theo chủ trương kêu gọi của địa phương, thế nhưng, sau gần 20 năm xây dựng, Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy (Công ty Kim Quy) lại đang đứng trước nguy cơ trắng tay vì chính quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Đáng nói, những quyết định được lãnh đạo địa phương này đưa ra, đã và đang cho thấy sự “tiền hậu bất nhất”.
Cụ thể, tại nhiều văn bản đã ban hành, lãnh đạo UBND TP. Thanh Hóa đều khẳng định: “Hợp đồng giữa Công ty Kim Quy với phường Hàm Rồng là phù hợp, được sự đồng ý về mặt chủ trương của UBND TP. Thanh Hóa”.
Trong đó, tại văn bản số 2942/UBND-TTr ngày 19/6/2019 và văn bản số 945/UBND-TTr về việc trả lời đơn thư của công dân trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa – Lê Anh Xuân (Nay là Bí thư Thành ủy TP. Thanh Hóa) đã nêu rõ: “Việc UBND phường Hàm Rồng hợp tác với Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy để quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả Động Tiên Sơn là phù hợp, được UBND thành phố đồng ý chủ trương…”.
>>Vụ Ban Giải phóng mặt bằng chi sai gần 56 tỷ đồng: Chủ tịch TP.Thanh Hóa nói gì?
Không chỉ có vậy, tại báo cáo số 32/BC-UBND ngày 24/4/2020 của Phường Hàm Rồng gửi Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa về các vấn đề phát sinh khi tiến hành thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐ-KT ngày 25/7/2005 giữa UBND phường Hàm Rồng và Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng của Công ty CP Du lịch Kim Quy là được sự đồng ý chủ trương của UBND thành phố Thanh Hóa sau khi đã xin ý kiến và được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa, và việc Hợp đồng hợp tác với UBND phường Hàm Rồng là được sự đồng ý của UBND thành phố Thanh Hóa. Công ty đã phối hợp với Thành phố để lập dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện”.
Từ đó có thể thấy, việc UBND phường Hàm Rồng hợp tác với Công ty Cổ phần Du lịch Kim Quy để quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả Động Tiên Sơn là phù hợp, đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định, thông qua.
Tuy nhiên, đến ngày 20/7/2021, tại văn bản số 3792/UBND-TTr về việc hồi báo kết quả xử lý, giải quyết đơn thư công dân tại phường Hàm Rồng liên quan đến việc quản lý động Tiên Sơn, phường Hàm Rồng, Phó chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa - Phạm Thị Việt Nga lại khẳng định: UBND phường Hàm Rồng ký hợp đồng trên là không đúng thẩm quyền; Công ty Kim Quy đầu tư xây dựng khi chưa có thủ tục giao đất, cho thuê đất; có công trình xây dựng không đúng mặt bằng quy hoạch. Văn bản này cũng yêu cầu thực hiện việc thanh lý, chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa UBND phường Hàm Rồng với Công ty Kim Quy.
Thế nhưng, cũng liên quan đến nội dung kiểm tra như đã nêu, chính bà Phạm Thị Việt Nga với tư cách Phó chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đã từng ký văn bản khẳng định: “Dự án đầu tư xây dựng, khai thác nhằm phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh Động Tiên Sơn của Công ty CP Du lịch Kim Quy đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định, thỏa thuận”.
Vậy tính thống nhất trong các văn bản đã ban hành của UBND tỉnh Thanh Hóa ở đây là gì? Tại sao vẫn một người, ở cùng một chức vụ lại có những thông tin trái chiều? Có “khuất tất” gì phía sau những chỉ đạo này hay không?
Chưa kể, sau những văn bản của UBND TP. Thanh Hóa, ngày 29/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa lại có kết luận về việc thanh tra việc sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư của Công ty Kim Quy tại phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa và cho rằng: “Sau khi được bàn giao đất, Công ty đã triển khai thi công hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động từ năm 2016. Dự án đã đi vào hoạt động, sử dụng đất đúng mục đích được thuê và việc đầu tư xây dựng đúng mặt bằng quy hoạch được duyệt”.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật Sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc thu hút đầu tư luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta chú trọng trong nhiều năm qua nói chung hay tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Với những cơ chế, chính sách ưu đãi, sự tạo điều kiện thuận lợi… mà thông qua đó rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm đến và đặt chân lại trên mảnh đất này, góp phần giúp kinh tế- xã hội địa phương có những bước đột phá, qua đó tạo nên nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh.
“Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh của báo chí, nếu chúng ta giải quyết một vấn đề không dựa trên việc bảo đảm sự ổn định phát triển lâu dài cho doanh nghiệp như cách làm trong trường hợp đối với Công ty Kim Quy sẽ tạo tiền lệ xấu và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh nhà”, Luật sư Bình chia sẻ.
Cũng theo Luật sư Bình, với cách làm việc, cũng như giải quyết vấn đề như hiện nay của UBND phường Hàm Rồng là chưa thấu tình đạt lý. Trước tiên, không phải tự nhiên mà Công ty CP Du lịch Kim Quy bỏ tiền ra đầu tư mà phải có sự kêu gọi, sự đồng lòng và phê duyệt của chính quyền địa phương. Họ là người bỏ vốn ra ngay từ đầu nên trong mọi trường hợp pháp luật đều cho phép họ được quyền ưu tiên khai thác.
Qua các thông tin báo chí nêu và theo dõi vụ việc tôi cũng đã được biết là tỉnh Thanh Hóa cũng có Quyết định cho phép tư nhân đầu tư vào khai thác các danh lam thắng cảnh cũng như có văn bản chỉ đạo thành phố lựa chọn phương án làm sao đừng để phát sinh một vụ kiện mới, đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Thế nhưng, trong khi không có khả năng đền bù cho doanh nghiệp thì lại yêu cầu doanh nghiệp phải giao tài sản cho phường quản lý.
“Tài sản của người dân luôn được Nhà nước bảo vệ, do vậy, trong trường hợp này nên tiếp tục giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác bởi thời gian qua họ đã làm rất tốt, tránh các việc khiếu kiện cũng như ảnh hưởng đến địa phương. Hơn nữa, đây là hợp đồng, nếu một trong các bên không đi đến thương lượng được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hợp này không nên dựa trên quyền lực Nhà nước để ép doanh nghiệp phải bàn giao tài sản (những thứ họ đã bỏ tiền ra để đầu tư ) dù đó chỉ là một đồng của doanh nghiệp hay người dân”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Kỳ 3: Khuất tất hồ sơ cấp bằng di tích
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp quản lý động Tiên Sơn kêu cứu (Kỳ 1): Gần 20 năm xây dựng bỗng… trắng tay
04:20, 04/01/2022
Gia Lai: Liên tiếp bị “đe dọa”, giám đốc một doanh nghiệp kêu cứu
23:50, 12/10/2021
Doanh nghiệp kêu cứu Thủ tướng vì không có giấy đi đường
03:50, 26/08/2021
Doanh nghiệp kêu cứu tại Long An: Khi chính quyền bỏ doanh nghiệp lại phía sau
11:00, 05/04/2021
Vụ doanh nghiệp kêu cứu tại Long An (Kỳ 8): Vì sao chính quyền "làm ngơ" suốt 3 năm?
04:30, 10/01/2021
Vụ doanh nghiệp kêu cứu tại Long An (Kỳ 7): UBND tỉnh sẽ rà soát để hỗ trợ cho doanh nghiệp
04:40, 31/12/2020