Từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc, hệ thống Bắc Hưng Hải nay đang oằn mình dưới gánh nặng ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chính thức lên tiếng, khẩn thiết đề nghị tỉnh Hưng Yên cùng chung tay giải quyết vấn đề cấp bách này.
Ô nhiễm diện rộng
Được xây dựng từ năm 1958, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với chiều dài ấn tượng hơn 232km đã đóng vai trò huyết mạch trong sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh của khu vực. Thế nhưng, theo thời gian, sự phát triển kinh tế - xã hội kéo theo những hệ lụy không nhỏ về môi trường của dòng kênh này. Báo cáo từ các cơ quan chức năng và thực tế ghi nhận cho thấy, chất lượng nước tại Bắc Hưng Hải đã xuống cấp trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của cả vùng.
Những con số "biết nói" từ các báo cáo quan trắc càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Theo Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, năm 2019 ghi nhận tỷ lệ các điểm quan trắc vượt quy chuẩn Việt Nam cao kỷ lục, lên tới 80%. Nhiều chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, như: NH4 vượt 23,33 lần, BOD5 vượt 2,39 lần, COD vượt 3,40 lần; NO2 vượt 1,4 lần, PO4 vượt 11,13 lần; Colifrom vượt 122,67 lần. Tổng lượng nước thải các loại xả vào hệ thống khoảng 453.195 m3/ngày đêm, trong đó phần lớn là nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Hậu quả là, hàng trăm xã, thị trấn thuộc các tỉnh thành trong hệ thống Bắc Hưng Hải đang phải gánh chịu ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong năm 2021, quan trắc tại 10 điểm trên kênh trục Bắc Hưng Hải thì hầu hết đều bị ô nhiễm. Hầu hết các thông số DO, BOD5, COD, NH4+, PO43- và Coliform đều vượt quy chuẩn cho phép. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại cửa cống Xuân Thụy, cầu Như Quỳnh, cống Kênh Cầu, cửa cống Ngọc Đà, cửa cống Ngọc Lâm, cửa cống Phần Hà, cửa cống Bình Lâu.
Ghi nhận, trên địa bàn TP Hà Nội khi cống Xuân Thụy mở tiêu nước sông Cầu Bây thì nước sông Bắc Hưng Hải qua địa phận các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên bị ô nhiễm, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Bình Giang, Cẩm Giàng của Hải Dương và các kênh nhánh cũng bị ô nhiễm.
Tại Hưng Yên, nước thải từ TP Hưng Yên đến thị trấn Lương Bằng đổ vào kênh Cửu An gần cống Bằng Ngang luôn nước màu xanh lục, mùi hôi. Thực vật thuỷ sinh cây tóc tiên trên sông trước đây có nhiều, nay biến mất hoàn toàn.
Tại Hải Dương, kênh T1 tiêu nước thải của làng nghề phường Tứ Minh, một phần của KDC phía Tây Nam Cường qua trạm bơm Lộ Cương, nước có màu đen, mùi hôi thối. Trên kênh T2 tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Dương qua cống trạm bơm Bình Lâu, nước có màu xanh đen, mùi hôi. Kênh này lúc nào cũng có màu đen kịt. Trên kênh tưới Thạch Khôi - Đoàn Thượng màu sắc nước sông thường xuyên có sự đổi màu, nước nổi nhiều váng bọt và có mùi hôi khó chịu. Trên kênh Cầu Sộp - Phủ ven đường 392 nước xả thải sinh hoạt, chăn nuôi của dân cư, của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tân Hồng.
Theo ông Trịnh Thế Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện nay hệ thống ghi nhận 3.589 nguồn thải với tổng lưu lượng ước tính hơn 502 nghìn m³/ngày đêm. Trong đó, nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%; nước thải công nghiệp 24,60%; thủy sản 7,35%; chăn nuôi 5,53%, và phần còn lại đến từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, y tế và làng nghề.
Qua các đợt quan trắc, có tới 75% các vị trí trong hệ thống bị đánh giá là ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt, các điểm như cống Xuân Thụy (sông Cầu Bây), cống Ngọc Đà (kênh Kiên Thành) và cống Bình Lâu (kênh T2) luôn ghi nhận mức ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng qua mọi đợt kiểm tra. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ mẫu có từ năm thông số vượt quy chuẩn đã tăng từ 17,5% năm 2005 lên 69,44% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ mẫu bị ô nhiễm nghiêm trọng tăng từ 10,52% năm 2005 lên 75% vào cùng năm, cho thấy diễn biến ô nhiễm không ngừng trầm trọng theo thời gian.
Lời đề nghị khẩn thiết từ Bắc Ninh
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn số 247/UBND–NN.TN đề nghị tỉnh Hưng Yên phối hợp xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Mặc dù Bắc Ninh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như quy hoạch quản lý chất thải, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, tăng cường kiểm soát nguồn thải và nâng cao ý thức cộng đồng, tình trạng ô nhiễm vẫn không mấy cải thiện. Nguyên nhân sâu xa được chỉ ra là do lượng lớn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý hoặc xử lý không đạt chuẩn từ các hộ dân, cùng với đó là tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Trước tình hình này, ngày 21/3/2025, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND, thể hiện quyết tâm cao trong việc tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các làng nghề, cụm công nghiệp và các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Mục tiêu cụ thể được đặt ra là xử lý dứt điểm ô nhiễm tại hệ thống Bắc Hưng Hải, trọng tâm là cụm công nghiệp Xuân Lâm, và hoàn thành trong tháng 4/2025.
Tuy nhiên, với vị trí địa lý nằm ở hạ nguồn, Bắc Ninh nhận thức rõ sự hợp tác từ tỉnh Hưng Yên ở thượng nguồn là yếu tố then chốt để có thể "giải cứu" dòng sông này. Trong công văn gửi đi, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Hưng Yên chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông và đoàn thể để lan tỏa thông điệp bảo vệ dòng nước.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng kiến nghị Hưng Yên tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và đình chỉ hoạt động các cơ sở không đáp ứng quy định. Việc tối ưu hóa quy trình vận hành các công trình tiêu nước, khuyến cáo trách nhiệm bảo vệ nguồn nước theo Luật Thủy lợi, nạo vét khơi thông dòng chảy và thu gom rác thải cũng được Bắc Ninh đặc biệt nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc thúc đẩy tiến độ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho sinh hoạt, làng nghề và cụm công nghiệp trên địa bàn Hưng Yên được xem là giải pháp căn cơ để từng bước giảm thiểu ô nhiễm cho Bắc Hưng Hải và các nhánh sông liên quan. Bắc Ninh cũng đề nghị Hưng Yên rà soát và đảm bảo hoạt động hiệu quả của các trạm quan trắc môi trường theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Lời kêu cứu khẩn thiết từ Bắc Ninh không chỉ là vấn đề của riêng một tỉnh, mà là lời cảnh tỉnh cho cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ về bài toán phát triển bền vững và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Sự phối hợp chặt chẽ và hành động đồng bộ từ Hưng Yên sẽ là yếu tố sống còn để hồi sinh hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.