“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 3 – “Lộ” hàng loạt bất cập
Lý giải về nguyên nhân khiến vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn “đếm không xuể” và khó xử lý, cơ quan chức năng cho biết đó là do những bất cập trong quản lý, do quy hoạch rừng chồng lấn đất ở…
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, cánh rừng phòng hộ nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) những năm qua liên tục bị “xẻ thịt” khi hàng loạt các công trình biệt thự, villa, homestay trái phép được xây dựng như “nấm mọc sau mưa”. Đặc biệt, khu vực xã Minh Trí, xã Minh Phú các công trình tiếp tục mọc lên tạo thành điểm nóng vi phạm trên địa bàn. Đáng chú ý, một số địa phương lân cận như địa bàn xã Hiền Ninh cũng bắt đầu khiến dư luận “nhức nhối” bởi những vi phạm đang có dấu hiệu tiếp tục “lan rộng”!
>>“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 1- Vi phạm “đếm không xuể”
Nhiều lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật
Được biết, liên quan đến những vi phạm này, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật đối với 80 trường hợp. Trong đó, không kỷ luật (vì sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật) là 19 trường hợp; không kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh) 22 trường hợp; khiển trách 29 trường hợp; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp, và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.
Thẳng thắn đánh giá về nguyên nhân khiến vi phạm xảy ra tràn lan, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết là do đội ngũ cán bộ còn buông lỏng công tác quản lý; xử lý vi phạm không kiên quyết; còn che giấu vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân còn hạn chế, mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra, yêu cầu dừng vi phạm, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình không chấp hành. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội với các xã trong việc phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến đất rừng, công trình thủy lợi thiếu chặt chẽ.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, song song với việc xử lý vi phạm đất đai sau kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã liên tục kiểm tra, xử lý vi phạm mới phát sinh. Riêng tại địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú, từ đầu năm 2023 đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất. Đến thời điểm này đã xử lý 45/60 trường hợp. Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, UBND huyện Sóc Sơn chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện để xử lý theo quy định.
Bất cập quy hoạch rừng
UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, một nguyên nhân khách quan khiến công tác quản lý gặp khó khăn là do Quy hoạch rừng năm 2008 đang tồn tại bất cập. Riêng thôn Minh Tân (xã Minh Trí) có 200 hộ được di dân theo chủ trương của UBND TP, UBND huyện xây dựng kinh tế mới không được tách khỏi quy hoạch rừng điều chỉnh năm 2008. Khi các hộ dân xây dựng nhà ở trên đất thì bị xác định là vi phạm đất đai, xây dựng.
Bên cạnh đó, hồ sơ quản lý đất đai của huyện không đầy đủ, chưa được lập hệ thống hồ sơ địa chính chính quy theo quy định. Hiện chỉ có duy nhất bản đồ địa chính đo đạc năm 1993, không có sổ mục kê khi đo đạc bản đồ, chưa được đo đạc bản đồ địa chính đất rừng dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trong quy hoạch rừng.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn khẳng định: Huyện sẽ kiên quyết chỉ đạo UBND 2 xã xử lý dứt điểm vi phạm mới phát sinh; tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng từ năm 2021 trở về trước, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm đất đai. Ngoài ra, huyện sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá hiện trạng rừng và đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch rừng trước 31/12/2023.
>>“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 2 – Vì sao khó xử lý vi phạm?
Ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh nội dung này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, trách nhiệm trong câu chuyện quy hoạch phần lớn vẫn thuộc về các cơ quan quản lý tại địa phương.
Bởi lẽ, chức năng lập bản đồ địa chính thuộc về chính quyền địa phương các cấp, không phải của người dân. Khi tiến hành Quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã không về rà soát, kiểm tra hiện trạng, chỉ phê duyệt trên hồ sơ giấy tờ do chính quyền địa phương gửi lên.
Luật sư Biên cho rằng, UBND cấp xã là cấp gần dân nhất chắc chắn biết địa bàn có bao nhiêu hộ dân đang sinh sống, canh tác ở đâu và nguồn gốc những thửa đất như thế nào. Tuy nhiên khi có ý kiến về việc Quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008, xã đã không hoặc chưa báo kịp thời về thực trạng quản lý đất đai của địa phương. Từ đó không đưa ra đề xuất để đưa những hộ dân đã sinh sống ổn định từ trước năm 1993 ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ.
Cũng theo luật sư Nguyễn Đức Biên, những bất cập trên đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất tại địa phương. Về hướng giải quyết, Luật sư Biên cho rằng, các cấp chính quyền UBND huyện Sóc Sơn cần phối hợp rà soát các trường hợp hộ dân đi xây dựng kinh tế mới trên địa bàn từ những năm 1985 tới nay. Trong đó, cần làm rõ trong tổng số các hộ dân đó, bao nhiêu trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bao nhiêu trường hợp hộ dân có diện tích đất chưa được đo đạc, chỉnh lý, chuẩn hóa và đưa vào bản đồ địa chính của địa phương, cũng như chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Tiếp theo, địa phương cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch đất ở, đất rừng phòng hộ. Với trường hợp hộ dân có đủ điều kiện để công nhận quyền sử dụng đất, đơn vị chức năng cần lập báo cáo, tờ trình kiến nghị UBND thành phố, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đưa các hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch rừng phòng hộ. Đối với các xã, thôn chưa có bản đồ địa chính, TP Hà Nội cần xây dựng kế hoạch, dự án đo đạc tổng thể để hoàn thiện, số hóa dữ liệu đất đai và cập nhật lên hệ thống quản lý đất đai của địa phương theo Luật Đất đai hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành của Nhà nước cũng như địa phương”, luật sư Biên nói.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm