“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 2 – Vì sao khó xử lý vi phạm?

Diendandoanhnghiep.vn “Nhìn vào toàn bộ quá trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất rừng Sóc Sơn đã thể hiện nhiều mặt của quá trình chuyển lợi ích công sang lợi ích tư nhân… chính quyền các cấp đều biết…”.

Đây là chia sẻ của GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh vấn đề đất rừng Sóc Sơn bị “xẻ thịt” làm nóng dư luận suốt những năm qua.

>>“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 1- Vi phạm “đếm không xuể”

hihihihi

Một khu du lịch nghỉ dưỡng không treo biển tên nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) được cho là xây dựng trái phép trên đất rừng. Ảnh: Nguyễn Giang

Chậm xử lý vi phạm

GS Đặng Hùng Võ cho biết, vấn đề này chính quyền các cấp đều biết, chính quyền Hà Nội đã đưa Thanh tra vào cuộc. Nhìn vào kết luận thì thấy thành phố Hà Nội làm rất quyết liệt, nhưng công tác xử lý các vụ việc sai phạm đã chỉ ra lại rất chậm.

“Những cái sai trong quản lý rừng và đất rừng tại huyện Sóc Sơn đã được phát hiện đầu tiên vào năm 2006, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc nhiều lần, mà gần đây nhất là vào năm 2019. Các cuộc thanh tra chỉ ra rất nhiều sai phạm cụ thể. Đã có nhiều cán bộ cấp cơ sở bị truy tố và lâm vòng lao lý. Lỗi lầm quản lý của bộ máy chính quyền gồm UBND huyện Sóc Sơn và trực tiếp là của các Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng… là rất lớn”, GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Trao đổi thêm về điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT lưu ý rằng, một cơ quan quản lý có 2 trách nhiệm: một là triển khai việc thực thi pháp luật và hai là kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật của các cấp dưới.

“Điều này có nghĩa rằng một cấp hành chính có sai phạm thì các cấp trên đều phải chịu trách nhiệm, trong đó cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm cao nhất. Tuyệt đối không thể trốn trách nhiệm bằng câu trả lời “cấp dưới họ làm mà chúng tôi không biết”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.

Trở lại câu chuyện “xẻ thịt” đất rừng để kinh doanh “trái phép” như trước đó Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hàng loạt vi phạm liên quan tới đất rừng nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) dù đã bị cơ quan thanh tra chỉ rõ và đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm, nhưng đến nay câu chuyện xử lý vẫn đang "giậm chân tại chỗ". Đáng chú ý, có những vi phạm đã tồn tại nhiều năm không những chưa bị xử lý mà hiện tiếp tục được cải tạo, sửa chữa, xây dựng khang trang hơn khiến dư luận bức xúc.

>>Vi phạm đất rừng Sóc Sơn (Hà Nội): Yêu cầu khắc phục dứt điểm sau thanh tra

hihiihihi

Khu sinh thái Phúc Lộc Thọ nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn với hàng chục hạng mục xây dựng kiên cố được cho là xây dựng trái phép trên đất rừng. Ảnh: Nguyễn Giang

Tồn tại nhiều bất cập

Thông tin trao đổi với báo chí mới đây về vấn đề này, ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, ngày 29/5/2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UB về điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. UBND TP Hà Nội đã quy hoạch toàn bộ 4.557ha đất thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, Quyết định 2100/QĐ-UB điều chỉnh Quy hoạch rừng này mới chỉ có duy nhất đường bao bên ngoài, việc rạch ròi ranh giới giữa các thửa đất chưa được thực hiện. Đặc biệt là khu vực đất rừng trồng, rừng phòng hộ nên việc quản lý đất đai của UBND huyện gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) - đơn vị trực tiếp thi công hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) để cung cấp tài liệu nhằm đo đạc lại diện tích, phân định rõ diện tích đất công hay đất lòng hồ, từ đó xử lý dứt điểm các công trình vi phạm.

Trong tháng 7/2023, Bộ NNPTNT cũng đã trả lời UBND huyện, Bộ NNPTNT chỉ có số liệu tổng bằng văn bản. Nhưng khi UBND huyện Sóc Sơn đưa số liệu này vào định vị GPS, bản đồ địa hình số VN2000 thì lại không đúng, chưa khớp với thực tế.

Điều đáng nói, dù UBND huyện Sóc Sơn đã gửi công văn đến nhiều nơi để xin bản đồ vì huyện chưa có hồ sơ quản lý. Riêng ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí), Nhà nước cũng chưa có một bộ hồ sơ nào về quản lý đất, đo đạc hiện trạng, quy hoạch rừng tại đây nên việc quản lý đang tồn tại rất nhiều bất cập.

"Không có thế lực nào chống lưng, cũng không có chuyện chính quyền huyện tiếp tay, bảo kê cho các trường hợp sai phạm. UBND huyện đang rất kiên quyết xử lý, dù có một số trường hợp người dân ở thôn Minh Tân còn dọa dẫm, kiện cả chính quyền lên tận Trung ương, chắn đường không cho lực lượng chức năng cưỡng chế công trình vi phạm" , Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định.

ihihihi

UBND huyện Sóc Sơn đề nghị UBND TP Hà Nội nhanh chóng đo đạc, cắm mốc giới lòng hồ Đồng Đò để phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Lan Nhi

Cần sớm cắm mốc ranh giới

Cũng thông tin rộng rãi tới các quan báo chí xung quanh nội dung này, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã rất vất vả trong việc ngăn chặn người dân xây dựng công trình kiên cố trên đất lâm nghiệp. Theo phân cấp của UBND TP Hà Nội, toàn bộ đất rừng ở huyện Sóc Sơn là 4.445 ha. Trong đó, huyện quản lý khoảng 2.300 ha, còn lại Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý.

Sau này, huyện Sóc Sơn phải bàn giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đến giai đoạn năm 2020-2021, huyện Sóc Sơn mới bàn giao đợt 1 khoảng 1.150 ha. Đối với 1.200 ha còn lại, thành phố yêu cầu huyện Sóc Sơn phải xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về trật tự xây dựng… rồi mới bàn giao.

Về góc độ quản lý, ông Tuyên khẳng định tất cả các công trình trái phép xảy ra trên đất lâm nghiệp đều được lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn lập biên bản, đơn vị đã đề xuất phối hợp với xã xử lý hàng trăm bộ hồ sơ. Sở không có thẩm quyền xử lý các công trình sai phạm nên phải đề nghị huyện, xã xử lý. Sở có văn bản đề nghị huyện và báo cáo cụ thể với UBND thành phố.

“Địa phương cần đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định. Nếu Không giải quyết được mấu chốt này thì việc xâm phạm rừng Sóc Sơn sẽ không thể xử lý dứt điểm được”, ông Tuyên nêu quan điểm.

Còn nữa…

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 2 – Vì sao khó xử lý vi phạm? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714251874 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714251874 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10