“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 1- Vi phạm “đếm không xuể”

NGUYỄN GIANG 20/09/2023 03:20

Hàng chục năm qua, cánh rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) liên tục bị “xẻ thịt”, thay vào đó là hàng loạt công trình biệt thự, villa, homestay mọc lên như “nấm sau mưa” để kinh doanh trái phép…

Theo đó, hàng loạt vi phạm liên quan tới đất rừng nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) dù đã bị cơ quan thanh tra chỉ rõ và đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm, nhưng đến nay câu chuyện xử lý vẫn đang "giậm chân tại chỗ" khiến nhiều người bức xúc. Đáng chú ý, có những vi phạm đã tồn tại nhiều năm không những không bị xử lý mà hiện tiếp tục được cải tạo, sửa chữa, xây dựng khang trang hơn lại tiếp tục làm nóng dư luận trong thời gian gần đây.

Trước đó, từ cuối năm 2018, sau hàng loạt phản ánh của báo chí và dư luận về việc các công trình xây dựng trái phép trên khu vực đất rừng phòng hộ thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP Hà Nội đã thanh tra toàn diện, trong đó nóng nhất là hai xã Minh Trí và Minh Phú.

Tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận về đất rừng Sóc Sơn. Đáng chú ý, chỉ tính riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Sau khi có kết luận, UBND huyện Sóc Sơn có báo cáo kiểm điểm về chính quyền và về đảng đối với cán bộ có liên quan tới vụ đất rừng Sóc Sơn bị "xẻ thịt". Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã quyết định kỷ luật đối với một loạt lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn các thời kỳ.

>>Hà Nội chốt thời gian phá dỡ homestay 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn

hihiihi

Hàng loạt công trình được xây dựng kiên cố trên đất rừng nằm trên địa bàn thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Đã kiên quyết xử lý?

Theo thông tin trả lời báo chí, ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay tại địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm.

Thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân khiến vi phạm xảy ra tràn lan tại các xã Minh Phú và Minh Trí, UBND huyện Sóc Sơn cho biết là do đội ngũ cán bộ còn buông lỏng công tác quản lý; xử lý vi phạm không kiên quyết; còn che giấu vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân còn hạn chế, mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra, yêu cầu dừng vi phạm, nhưng nhiều trường hợp vẫn cố tình không chấp hành. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ-đặc dụng Hà Nội, Hạt Kiểm lâm huyện Sóc Sơn, Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội với hai xã Minh Phú, Minh Trí trong việc phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến đất rừng, công trình thủy lợi thiếu chặt chẽ.

Ngày 17/8/2023 vừa qua, liên quan tới hai điểm nóng vi phạm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, vi phạm đất rừng tại xã Minh Phú, Minh Trí  đã được kiểm soát, cơ bản đã ngăn chặn được vi phạm. UBND huyện sẽ kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế nhiều công trình vi phạm ngay trong tháng 8 và tháng 9. Có thể thấy, trước những phản ánh từ cơ quan báo chí, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã rất quyết liệt chỉ đạo các đơn vị vào cuộc xử lý nghiêm, dứt điểm những vi phạm còn tồn đọng.

Tuy nhiên, điều dư luận khó hiểu là bởi, đối với những công trình vi phạm tại các điểm nóng, UBND huyện Sóc Sơn đã rất kiên quyết khi có kế hoạch, lộ trình cụ thể để xử lý, vậy nhưng tại một số địa phương khác, những vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh, vô tư cải tạo mà chưa được lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn “quan tâm” khiến những nơi này lại sắp thành “điểm nóng” (?)

hihihii

Một khu du lịch nghỉ dưỡng không treo biển tên nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh

Ngang nhiên “xà xẻo” đất rừng để “trục lợi”

Theo đó, thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã liên tục gửi đơn thư phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp ngang nhiên “xẻ thịt” đất rừng để kinh doanh trái phép.

Cụ thể, theo người dân địa bàn, từ năm 2019, tại khu vực đất rừng thuộc địa bàn thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bị một nhóm người tự canh tác, xây tường rào, cổng biển đặt tên là “Khu du lịch sinh thái My Camping”, Khu du lịch sinh thái này thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần du lịch giải trí Vĩnh Thịnh. Đáng chú ý, theo nội dung đơn thư, đơn vị này không chỉ xây dựng kiên cố hàng loạt công trình trái phép trên diện tích hàng nghìn m2 đất rừng phòng hộ, mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng đang “tra tấn” người dân mỗi ngày.

hihihi

Khu du lịch sinh thái My Camping bị người dân địa phương tố cáo với hàng loạt sai phạm

Theo nội dung đơn thư, vào ngày nghỉ, có hàng trăm khách đến nơi này nhưng không thực hiện thủ tục lưu trú theo quy định. Bên cạnh đó, việc khách tụ tập, lưu trú tại khu rừng này còn sử dụng ánh sáng, âm thanh với công suất lớn, nhiều gia đình có con nhỏ vì tiếng loa đài ban đêm mà không ngủ được dẫn đến ốm đau triền miên.

“Suốt 4 năm kể từ khi hoạt động, Khu sinh thái My Camping đã kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, ô nhiễm môi trường, đường xá bị hư hỏng nặng, giao thông nguy hiểm…Đây là hệ quả của việc hàng trăm người từ khắp nơi kéo đến lưu trú mỗi ngày”, nội dung đơn thư nêu.

>>Hà Nội xin “gỡ khó” dự án trường đua ngựa triệu đô tại huyện Sóc Sơn

hihihi

Bể bơi của Khu du lịch sinh thái My Camping được xây dựng trên đất rừng với diện tích hàng trăm m2

Trao đổi với nhóm phóng viên, một người dân địa phương (xin không nêu tên) cho biết, ngày 4/8/2023, sau trận sạt lở bất thường tại huyện Sóc Sơn kéo theo bùn đất, rác rưởi và cây cối. Khu vực ngập lụt là những nơi rừng bị tàn phá nghiêm trọng, tập trung rất nhiều nhà nghỉ dưỡng homestay xây dựng trái phép trên địa bàn.

“Những khu du lịch sinh thái như My camping, nơi thảm thực vật bị chặt phá, nơi mà các công trình xây dựng kiên cố trái phép. Đất rừng bị “xẻ thịt”, hành lang thủy lợi bị chiếm dụng nên dòng chảy tự nhiên bị chặn. Đấy là lý do tạo nên trận sạt lở kinh hoàng ngày 4/8/2023 vừa qua”, người này nói.

Ngày 19/9/2023, nhóm phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có mặt tại thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) để tìm hiểu các nội dung bạn đọc phản ánh. Nhận thấy nhiều thông tin người dân cung cấp là có căn cứ, bên cạnh đó nhóm phóng viên còn phát hiện thêm hàng loạt công trình "khủng", các homestay, khu du lịch... đang kinh doanh có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất rừng thuộc địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Tiếp nhận thông tin và trả lời nội dung phản ánh từ phóng viên, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết "sẽ giao các đơn vị chuyên môn kiểm tra xử lý nghiêm nếu có vi phạm!".

Trong một diễn biến khác, liên quan tới các nội dung đơn thư tố cáo của bạn đọc, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có Công văn chuyển nội dung đơn thư tới trực tiếp lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội, Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn đề nghị kiểm tra xử lý.

(Còn tiếp)

Trong công điện ban hành ngày 8/8/2023 vừa qua về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét, Thủ tướng Phạm Minh Chính nghiêm cấm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ông yêu cầu địa phương xử lý nghiêm những sai phạm này.

Lãnh đạo Chính phủ giao các địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất và quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, có hoạt động xây dựng, nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng. 

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Xẻ thịt” đất rừng, kinh doanh “trái phép”: Bài 1- Vi phạm “đếm không xuể”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO