Ứng phó rủi ro tỷ giá
VND được ghi nhận là một trong số rất ít các đồng tiền ổn định so với USD kể từ đầu năm đến nay, song sự mất giá của Nhân dân tệ (CNY) gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi hầu hết các đồng tiền biến động mạnh, thậm chí KWR, SEK… mất giá tới 8- 11% so với USD, nhưng tỷ giá trung tâm USD/VND chỉ tăng gần 1,5%.
Ổn định trong thế giới bất định
Từ đầu năm đến nay, VND đã tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, nhưng mức tỷ giá mua vào của các ngân hàng ở đỉnh sóng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360 đồng/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Ngay cả khi áp lực rất lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USD/CNY vượt qua ngưỡng 7,0, nhưng VND vẫn đi ngang, thậm chí còn tăng giá.
Tỷ giá trung tâm cũng chỉ mới tăng khoảng 1,45% so với đầu năm nay, vẫn nằm trong biên độ mà NHNN đã đề ra từ đầu năm. Trong khi tỷ giá giao dịch thực (giá mua – bán USD của các ngân hàng) không có nhiều thay đổi so với cuối năm 2018. Thậm chí, giá mua vào USD của các ngân hàng đang thấp hơn tới 40 đồng.
Có được kết quả này một phần cũng bởi hiện nguồn cung ngoại tệ đang rất dồi dào, nhờ cán cân thương mại thặng dư tới 7,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm; trong khi vốn FDI giải ngân cũng đạt kỷ lục 14,2 tỷ USD, vốn FII cũng đạt tới 10,4 tỷ USD…
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng nếu nhìn tổng thể, kể cả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, thì chúng ta đạt được thành công, trong đó điểm sáng nhất là ổn định niềm tin, giữ vững được giá trị VND trước sự rung lắc của thị trường thế giới. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
"Việt Nam không thể lấy tỷ giá làm công cụ thúc đẩy xuất khẩu"
15:40, 01/10/2019
"Bắt mạch" tỷ giá USD/VND cuối năm 2019
11:30, 01/10/2019
Rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá
11:01, 08/09/2019
Doanh nghiệp trông chờ giải pháp tỷ giá linh hoạt của Chính phủ
06:46, 05/09/2019
Phòng ngừa rủi ro tỷ giá
02:24, 19/05/2019
Cần linh hoạt chính sách tỷ giá
Trên thực tế, việc USD tăng giá mạnh, trong khi CNY mất giá mạnh đã tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước do Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Áp lực càng lớn hơn khi theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 27,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Vì lẽ đó, đã có nhiều ý kiến đề nghị NHNN nên phá giá VND với mức độ tương ứng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì ổn định tỷ giá một cách cứng nhắc sẽ không có lợi cho xuất khẩu ở thời điểm này, mà tỷ giá cần được điều chỉnh linh hoạt để cân bằng với sự mất giá của CNY.
Tuy nhiên, với cơ cấu sản xuất và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, việc phá giá VND chẳng những không mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu hay cán cân thương mại, mà còn làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp; đồng thời đẩy lạm phát tăng, từ đó gây bất ổn kinh tế vĩ mô và làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, nếu Việt Nam phá giá VND, còn có nguy cơ bị Mỹ liệt vào danh sách thao túng tiền tệ.
Giải pháp cho doanh nghiệp
Theo phản ánh của lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu, ngoại trừ tại thị trường Mỹ, nơi hàng Trung Quốc đang bị áp thuế cao, còn tại các thị trường khác, kể cả là thị trường nội địa, hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng giá rẻ của Trung Quốc. “Việc Trung Quốc phá giá CNY sẽ tác động tiêu cực đến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, Châu Âu, như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê…”, vị này cho biết.
Vì lẽ đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, việc duy trì ổn định tỷ giá một cách cứng nhắc sẽ không có lợi cho xuất khẩu ở thời điểm này, mà tỷ giá phải “cuốn theo chiều gió” để cân bằng với sự mất giá của CNY.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, nên đa dạng hóa thị trường, chứ không nên phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tranh thủ khai thác tối đa những thị trường mà hàng Trung Quốc đang bị áp thuế như thị trường Mỹ... Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, thay vì giá rẻ; đồng thời sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.