Chính sách tiền tệ của Trung Quốc: Chu kỳ nới lỏng mới?
Trung Quốc đã phá vỡ mô hình thông thường về quản lý thanh khoản hàng ngày khi bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính, sau khi cổ phiếu và trái phiếu của nước này đối mặt đà bán tháo.
Trấn an thị trường
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)đã bơm vào hệ thống tài chính 1 lượng tiền lớn bất thường ngày thứ hai liên tiếp. Tuần qua, PBoC tiếp tục bơm 30 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4,6 tỷ USD) thông qua các công cụ hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn. Động thái này được thực hiện để trấn an thị trường và đảm bảo nguồn cung tiền mặt dồi dào cho thời điểm cuối tháng, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Trước sự biến động mạnh của thị trường tài chính - chứng khoán, hệ quả của một phần các động thái siết chặt quản lý với nhóm BigTech, bất động sản và giáo dục, Bắc Kinh đã gấp rút hành động để trấn an. Truyền thông nhà nước đăng tải một loạt bài báo cho rằng cơn bán tháo đã kết thúc, trong khi cơ quan quản lý thị trường chứng khoán (TTCK) tổ chức 1 cuộc họp trực tuyến khẩn với sự tham gia của các lãnh đạo ngân hàng để truyền tải thông điệp rằng chính sách siết chặt quản lý ngành giáo dục trực tuyến không hướng đến mục đích làm tổn hại những công ty trong các ngành khác.
"Thông điệp là lợi nhuận không trở thành một từ ngữ ‘bẩn’ trong hệ thống 'Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc' của Trung Quốc, chỉ trong một số lĩnh vực nhất định ... thông điệp này của các nhà chức trách sẽ thành công như thế nào vẫn còn được xem xét”, người đứng đầu về chiến lược FX của NAB, Ray Attrill, nói với Reuters.
Theo Steven Lung, giám đốc UOB Kay Hian, "niềm tin vẫn chưa hồi phục hoàn toàn". "Các nhà đầu tư cần các cơ quan quản lý giải thích rõ ràng hơn để loại bỏ các yếu tố bất ổn".
Trung Quốc đã phá vỡ mô hình thông thường về quản lý thanh khoản hàng ngày khi bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chính, sau khi cổ phiếu và trái phiếu nước này chịu rủi ro lớn đối với việc thay đổi quy định.
Phản ứng trước đợt bơm tiền vào hệ thống tài chính, các chỉ số chứng khoán như Shanghai Composite của Trung Quốc vẫn giảm 0,91% trong khi Shenzhen Component giảm 0,66%. Và chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông cũng giảm 0,87%.
“Sự phục hồi hôm thứ Năm của cổ phiếu Trung Quốc sau đợt bán tháo gần đây đã tạo ra một sự dẫn dắt tích cực cho hoạt động ổn định của thị trường qua đêm”, chiến lược gia FX cấp cao của National Australia Bank, Rodrigo Catril, nói với CNBC.
Hao Zhou - nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, cho biết: "Dường như PBoC muốn khôi phục niềm tin của thị trường, sau vài ngày biến động dữ dội. Nhìn chung, điều này đúng với cách tiếp cận thường thấy của Trung Quốc, họ tập trung vào sự ổn định tài chính và kiểm soát kỳ vọng."
Sau động thái mới đưa ra, chi phí đi vay liên ngân hàng tại Trung Quốc đã giảm xuống. Lãi suất qua đêm giảm 36 điểm cơ bản xuống 1,69%, khi lãi suất của các hợp đồng repo 7 ngày giảm 17 điểm cơ bản xuống 2,23%. Lợi suất trái phiếu 10 năm lần đầu tiên giảm sau 3 ngày, khi có lúc tăng lên mức cao nhất trong 1 năm vào hôm thứ Ba.
Giữ chính sách tiền tệ linh hoạt
Theo Bloomberg, việc bơm tiền vào hệ thống của Trung Quốc diễn ra sau khi vào ngày 15/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết việc cắt giảm lượng tiền mà các ngân hàng phải dự trữ gần đây không có nghĩa là thay đổi chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
“Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) là một hoạt động thanh khoản tiêu chuẩn sau khi chính sách tiền tệ trở lại bình thường và định hướng chính sách tiền tệ thận trọng không thay đổi”, Sun Guofeng, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương cho biết.
Ruan Jianhong, người đứng đầu bộ phận thống kê và phân tích của ngân hàng, cho biết chính sách tiền tệ sẽ được giữ linh hoạt, có mục tiêu, hợp lý và phù hợp. Bà nói rằng việc cắt giảm RRR sẽ giúp giảm chi phí tài chính tổng hợp.
PBOC thông báo sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết các ngân hàng, mức giảm đầu tiên kể từ đỉnh điểm của đại dịch năm ngoái. Động thái này đã đi xa hơn nhiều nhà kinh tế đã mong đợi và cho thấy những lo ngại ngày càng tăng về sự phục hồi đang chùn bước của nền kinh tế.
Việc cắt giảm sẽ giải phóng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (155 tỷ USD) thanh khoản dài hạn vào nền kinh tế. Nó nhấn mạnh sự khác biệt giữa chính sách vĩ mô của Trung Quốc và chính sách của Mỹ, nơi Cục Dự trữ Liên bang đang dự báo giảm bớt kích thích.
Động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu một chu kỳ nới lỏng chính sách mới có đang bắt đầu hay không, mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay là thấp.
Theo bà Ruan, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc về cơ bản đã phù hợp với tốc độ mở rộng tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa trong nửa đầu năm 2021 và sẽ tiếp tục như vậy trong phần còn lại của năm. Mở rộng tín dụng trong tháng 6 mạnh hơn dự kiến, với sự gia tăng lớn các khoản cho vay mới cho thấy Ngân hàng Trung ương đã chậm lại việc thắt chặt chính sách tín dụng trong bối cảnh những bất ổn ngày càng tăng trong quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Sun cho biết, Trung Quốc sẽ tạo ra một môi trường tiền tệ thích hợp để hỗ trợ phát triển chất lượng cao trong nửa cuối năm, đồng thời cho biết thêm rằng Ngân hàng Trung ương sẽ duy trì quyền tự chủ về chính sách tiền tệ và chính sách dựa trên mức giá trong nước và điều kiện kinh tế.
Chuyển đổi mô hình chính sách tiền tệ
Theo Chinabankingnews, một báo cáo từ ấn phẩm truyền thông chính thức Financial News của PBoC cho biết: “hiện tại không nên dành sự quan tâm quá mức đến khối lượng hoạt động của Ngân hàng Trung ương, nếu không điều này có thể dẫn đến hiểu sai về xu hướng chính sách tiền tệ”.
“Thay vào đó, nên tập trung chú ý vào lãi suất cho các hoạt động thị trường mở của Ngân hàng Trung ương, lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và các chỉ số lãi suất chính sách khác, cũng như các điều kiện của lãi suất chuẩn thị trường trong một khoảng thời gian nhất định”.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết PBoC gần đây đang chuyển đổi sang mô hình dựa trên giá để điều chỉnh chính sách tiền tệ, như một phần trong nỗ lực cải thiện hệ thống chính sách tỷ giá của Ngân hàng Trung ương.
Trong Báo cáo thực thi chính sách tiền tệ năm 2020, PBoC khuyến nghị trước tiên nên xem xét bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất chính sách để đánh giá xu hướng lãi suất ngắn hạn - đặc biệt là bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất repo 7 ngày, thay vì tập trung quá nhiều vào phạm vi thị trường mở (OMO).
PBOC cho biết: “Khối lượng OMO sẽ được điều chỉnh linh hoạt dựa trên nhiều yếu tố tạm thời như điều kiện tài chính và tiền mặt cũng như điều kiện nhu cầu thị trường. Những thay đổi như vậy hoàn toàn không phản ánh xu hướng lãi suất thị trường và không phản ánh những thay đổi đối với chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương”.
“Hiện tại, Ngân hàng Trung ương đang tăng cường sử dụng các công cụ điều chỉnh dựa trên giá và vì lý do này, tầm quan trọng của các tín hiệu từ các công cụ dựa trên giá được thể hiện bằng tỷ giá chính sách đang trở nên mạnh mẽ hơn”, Zhou Guannan, Giám đốc Huachuang Securities cho biết.
Có thể bạn quan tâm