Trung Quốc đã gấp rút có động thái khôi phục niềm tin của thị trường chứng khoán, sau khi thị trường lao dốc dữ dội phản ánh quan ngại của nhà đầu tư trước các động thái siết chặt của cơ quan quản lý.
Theo Bloomberg, Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và các thành viên đến từ các ngân hàng quốc tế lớn đã tổ chức một cuộc họp khẩn liên quan đến sự bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán vào hôm thứ Tư vừa qua. Điều này thể hiện tâm lý lo ngại của giới chức Trung Quốc trước dấu hiệu bi quan của thị trường, khi các quy định của Chính phủ đã gây áp lực lên các cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục, bất động sản và công nghệ.
Thị trường sụt giảm nghiêm trọng
Cụ thể, đợt bán tháo gay gắt đã khiến cổ phiếu của Scholar Education Group niêm yết tại Hồng Kông giảm hơn 45%. Cổ phiếu Hồng Kông của New Oriental Education & Technology Group Inc giảm mạnh hơn 47% sau khi cổ phiếu của công ty tại Mỹ mất hơn một nửa giá trị vào tuần trước đó.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, Chỉ số Giáo dục CSI kết thúc giảm 9,61% ở mức đóng cửa thấp nhất trong 16 tháng. Sự rung chuyển lớn trong lĩnh vực gia sư trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc diễn ra, sau thông báo của chính quyền Trung Quốc về các quy định mới cấm dạy thêm, vì lợi nhuận trong các môn học chính ở trường để giảm bớt áp lực tài chính cho các gia đình. Thay đổi chính sách cũng hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thông qua việc mua bán và sáp nhập, nhượng quyền thương mại hoặc các thỏa thuận tổ chức có lợi ích thay đổi.
Các động thái quy định mới nhắm vào công nghệ và bất động sản, làm dấy lên sự bán tháo trong các lĩnh vực này ở thị trường Hồng Kông và đại lục ngay sau đó.
Chỉ số blue-chip CSI300 của Trung Quốc giảm 3,22% đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 12, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,34% ở mức đóng cửa thấp nhất trong hơn hai tháng và Shenzhen Composite giảm 2,28%.
Cả hai chỉ số Thượng Hải và Thâm Quyến đều bị ảnh hưởng bởi việc nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng đạt mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/12/2020, giảm 4,13%. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 4,92%. Chỉ số chuẩn của Hồng Kông đã bị ảnh hưởng khi cổ phiếu công nghệ lao dốc, với chỉ số nặng ký Meituan (3690.HK) giảm 13,76% trong ngày. Alibaba Group Holding (9988.HK) giảm 6,38% và Tencent Holdings (0700.HK) mất 7,72%. Chỉ số Hang Seng Tech giảm 6,57%, gần như xóa sạch mọi mức tăng kể từ khi thành lập vào tháng 7/2020.
Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc cho biết rằng, họ sẽ cấm Tencent khỏi các thỏa thuận độc quyền về bản quyền âm nhạc và phạt công ty vì các hành vi thị trường không công bằng trong thị trường âm nhạc trực tuyến.
Các nhà kinh tế tại Nomura cho biết trong một lưu ý: "Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc, và đặc biệt là hệ thống tài chính, sẽ đối mặt với rủi ro đáng kể trong những tháng tới do các biện pháp thắt chặt chưa từng có được áp dụng đối với lĩnh vực bất động sản".
Chính quyền vào cuộc
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước đã nhanh chóng đăng tải một loạt nội dung để chứng minh rằng đợt bán tháo này đã kết thúc. Trong khi đó, một số nhà phân tích suy đoán các quỹ đầu tư nhà nước đã bắt đầu can thiệp để hỗ trợ thị trường.
Trước đây, trong nhiều lần thị trường sụt giảm mạnh, giới chức Trung Quốc đều nỗ lực làm dịu sự biến động và đạt được kết quả trái chiều. Riêng lần này, họ đã hành động ngay sau khi các cổ phiếu công ty dạy thêm niêm yết tại Mỹ như TAL Education Group và New Oriental Education & Technology Group Inc. lao dốc, ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán trong nước.
Sau thông tin này, chứng khoán đại lục và Hồng Kông nhanh chóng hồi phục. CSI 300 tăng 1,5% ở phiên 29/7, dẫn đầu là nhóm vật liệu và y tế. Hang Seng Index tăng 2%, cổ phiếu Meituan cũng tăng 8,5%, các cổ phiếu bất động sản và công nghệ đều giao dịch trong sắc xanh.
Hang Seng Tech Index tăng 6,3%. Các công ty công nghệ giáo dục, New Oriental Education & Technology Group Inc. bứt phá 8,6% và Koolearn Technology Holding Ltd. tăng 6%.
Việc các chỉ số tăng điểm được cho là sự phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước động thái của giới chức Trung Quốc. Cùng với đó, còn có sự tác động tích cực từ rất...xa khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong 2 ngày họp 27-28/7 đã tuyên bố giữ nguyên chính sách lãi suất gần bằng 0%.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm 30 tỷ CNY (4,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày, trong đó bơm ròng 20 tỷ CNY vào ngày 28/7. Động thái này đánh dấu đợt bơm tiền vào hệ thống tài chính với giá trị hơn 10 tỷ CNY lần đầu tiên kể từ ngày 30/6. Ngoài ra, điều này cũng diễn ra trước thời điểm cuối tháng, khi thanh khoản thường được thắt chặt hơn.
Nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, Hao Zhou cho biết: "Dường như PBOC muốn khôi phục niềm tin của thị trường, sau vài ngày biến động dữ dội. Nhìn chung, điều này đúng với cách tiếp cận thường thấy của Trung Quốc, khi tập trung vào sự ổn định tài chính và kiểm soát kỳ vọng."
Có thể bạn quan tâm
17:37, 21/07/2021
05:15, 15/07/2021
05:30, 04/07/2021